Sơn Tây là một trong những huyện khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi, nơi có 90% số đồng bào dân tộc Ca Dong, Hrê sinh sống. Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, cùng với các chương trình chính sách của Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi, huyện Sơn Tây đã ban hành nhiều chương trình, dự án phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương: thí điểm chính sách khuyến khích hộ nghèo tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững, hỗ trợ con giống, vật nuôi và kỹ thuật… giúp người dân chủ động sản xuất.
“Cú hích” từ chính sách
Điển hình như chương trình thí điểm chính sách khuyến khích hộ nghèo tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững tại huyện Sơn Tây triển khai từ năm 2018 đến nay nhưng đã có hơn 1.500 hộ nghèo tham gia.
![]() |
Dự án “Sáng kiến chăn nuôi cho người nghèo” giúp nhiều gia đình dân tộc Ca Dong ở huyện Sơn Tây thoát nghèo bền vững. |
Anh Đinh Văn Théc, xã Sơn Mùa cho biết, nhờ chịu khó trồng keo, nuôi lợn, bò, gà, lúc rảnh rỗi vợ nấu rượu, chồng đi phụ hồ nên gia đình có nguồn thu nhập ổn định và đến cuối năm 2019 đã thoát khỏi hộ nghèo.
Được vay vốn hộ nghèo mua bò, mua lợn để phát triển chăn nuôi, lại thêm vườn keo ngày càng được mở rộng diện tích, thu nhập của gia đình anh Théc khá cao.
Tương tự, gia đình chị Đinh Thị Giấy, xã Sơn Trung, từng thuộc diện hộ nghèo nhận trợ cấp của Nhà nước, nay đã thoát nghèo. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và vốn vay ưu đãi, chị đã mạnh dạn đầu tư nuôi gà. Được sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ khuyến nông, chị nắm vững kỹ thuật chăn nuôi nên đạt hiệu quả cao.
“Cứ thế, tôi tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi gà, thu nhập tiếp tục tăng lên. Đến nay, không những trả được nợ vay, mà gia đình còn có dư để lo cho con cái ăn học”, chị Giấy chia sẻ.
Còn gia đình anh Đinh Văn Thu, xã Sơn Long từ 5 con dê được cấp vào năm 2017, đến nay đã có đàn dê gần 20 con. Anh Thu cho biết: Ban đầu khi nhận con giống về nuôi cũng gặp nhiều khó khăn. Song, nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật cũng như cách chăm sóc, nên đàn dê dần ổn định và sinh sản tốt. Thời gian qua, không những tạo được hiệu quả trong phát triển kinh tế, anh Thu còn hỗ trợ con giống cho các hộ gia đình khác có nhu cầu.
Hay như dự án “Sáng kiến chăn nuôi cho người nghèo” được huyện Sơn Tây triển khai trong 3 năm qua tại 7 xã miền núi, nơi chủ yếu đồng bào dân tộc Ca Dong sinh sống, đến nay hàng trăm hộ dân đã biết cách chăn nuôi hiệu quả. Điều này góp phần giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Ông Nguyễn Ngọc Trân, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây đánh giá: "Các dự án này rất thiết thực đối với người dân huyện Sơn Tây. Dự án đã góp phần thay đổi ý thức, phong tục tập tập quán chăn nuôi, trồng trọt của người dân địa phương; giúp các hộ dân được hưởng thụ dự án cải thiện bữa ăn gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo".
Đặc biệt, trong bối cảnh địa phương đang nỗ lực giải bài toán thoát nghèo cho đồng bào DTTS và tìm ra giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để giúp người dân thoát nghèo bèn vững, những dự án, mô hình này càng có ý nghĩa.
Đi lên từ mô hình tổ hợp tác
Tỉnh Quảng Ngãi và huyện Sơn Tây xác định việc thay đổi tư duy cho đồng bào DTTS có vai trò quan trọng trong việc giúp họ thay đổi cách nhìn nhận để phát triển kinh tế. Cụ thể, Sở NN&PTNT thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp dinh dưỡng thuộc Chương trình không còn nạn đói ở Việt Nam với 35 hộ tham gia ở các xã có chủ yếu là người đồng bào DTTS sinh sống ở huyện Sơn Tây.
![]() |
Mô hình chăn nuôi dê bản địa sinh sản nhân rộng phát huy hiệu quả góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo trên địa bàn huyện Sơn Tây. |
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi cũng xây dựng và nhân rộng 4 mô hình giảm nghèo là: Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi dê bản địa sinh sản; THT chăn nuôi bò cái địa phương sinh sản; THT phát triển chăn nuôi gà ta; THT chăn nuôi trâu cái nội sinh sản có hiệu quả với 182 hộ tham gia.
Nếu như trước đây, các hộ dân mạnh ai nấy làm, mỗi người mỗi kiểu chăm sóc và tiêu thụ khác nhau, thì nay, tất cả các khâu đều qua sự bàn bạc, thống nhất của các thành viên. Ông Đinh Bình Viên (thành viên THT chăn nuôi dê bản địa sinh sản) cho biết : “Chúng tôi thấy vào THT rất có lợi. Thứ nhất là được chia sẻ kinh nghiệm phòng trừ bệnh hoặc chăm sóc vật nuôi thì tất cả cùng đóng góp ý kiến với nhau để tìm hướng giải quyết tốt nhất. Thứ hai là xuất chuồng thì tất cả các hộ trong tổ đều bán chung một giá, như vậy là rất hợp lý…”.
Ngoài việc cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, khi tham gia vào THT, các hộ nông dân còn được tạo điều kiện về nguồn vốn vay từ quỹ “Hỗ trợ nông dân” và vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ vậy, bà con nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, mạnh dạn xây dựng các mô hình mới theo quy mô THT. Đặc biệt, từ mô hình này đã giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm ăn thoát nghèo.
Theo đánh giá của UBND huyện Sơn Tây, việc nhân rộng các mô hình giảm nghèo đang phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho các hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo.
"Để các mô hình khi nhân rộng phát huy hiệu quả, các cấp, ngành, địa phương phải chủ động triển khai, hướng dẫn, bám sát trong quá trình thực hiện, thậm chí cầm tay chỉ việc. Tuy vậy, chủ lực vẫn là bản thân mỗi người dân phải tự nâng cao ý thức, trách nhiệm trong làm ăn. Có như vậy công tác giảm nghèo mới thực sự hữu hiệu", lãnh đạo huyện Sơn Tây nhấn mạnh.
Bằng các biện pháp đồng bộ, kịp thời, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Sơn Tây nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung đã đạt được kết quả quan trọng, số hộ nghèo giảm đáng kể. Đầu năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 7,69%, ước tính đến cuối năm 2020 giảm xuống còn 6,07%, đạt chỉ tiêu đề ra.
Hoàng Hà
Bài 2: Hướng đến vùng chuyên canh hàng hóa