Si Ma Cai nằm trên thượng nguồn sông Chảy, có nhiều phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, trong lành. Vùng đất này được bao bọc bởi nhiều dãy núi đá vôi, đá tai mèo trùng điệp, hùng vĩ. Si Ma Cai giờ đây không còn quá xa xôi vì đã có con đường bê tông được trải nhựa, rút ngắn thời gian hành trình.
Nét riêng đầy sức hút
Lử Thẩn là xã cửa ngõ của huyện Si Ma Cai, nổi tiếng với những đồi hoa tam giác mạch trải dài bất tận, làm say đắm lòng người. Gần 10 năm qua, nhờ trồng tam giác mạch phục vụ du khách, nhiều hộ dân trong xã đã có nguồn thu nhập khá cao.
Si Ma Cai là mảnh đất có cảnh quan và văn hóa đầy hấp dẫn với khách trải nghiệm. |
Anh Lồ Minh Thành, thôn Sảng Chải, xã Lử Thẩn, cho biết năm 2016, gia đình anh đầu tư trồng hơn 1 ha hoa tam giác mạch. Bên cạnh trồng hoa, anh trang bị thêm các loại trang phục thổ cẩm truyền thống, nhạc cụ dân tộc phục vụ nhu cầu chụp ảnh của du khách.
“Phát triển trên diện tích không lớn, nhưng nhờ đầu tư đẹp, đa dạng dịch vụ từ thăm quan trải nghiệm đến phục vụ cư trú, ăn uống, thuê trang phục, bán đồ lưu niệm… nên thu nhập của gia đình tôi cũng khá ổn, bình quân mỗi năm khoảng 35 – 50 triệu đồng”, anh Thành phấn khởi nói.
Theo lãnh đạo xã Lử Thẩn, những năm qua, xã đã tích cực khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng hoa tam giác mạch, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết như làm bảng chỉ dẫn, tu sửa lại đường đi, xây dựng các khu nhà ở, homestay… để đón khách tham quan.
Trong thời gian tới, hoạt động du lịch sinh thái sẽ là một trong những hướng đầu tư trọng điểm của xã nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Bên cạnh tam giác mạch, Si Ma Cai còn nổi tiếng với những rừng đá xám ở xã Sán Chải, Quan Thần Sán, Thào Chư Phìn… bồng bềnh ẩn hiện trong mây, mây và gió cứ len lỏi ôm ấp lấy những rừng đá giữa không gian hùng vĩ.
Những thửa ruộng bậc thang cũng là điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp nao lòng ở vùng đất phía Đông Bắc tỉnh Lào Cai. Tới xã Sín Chéng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những ruộng bậc thang bờ nối bờ từ trên cao xuống thấp uốn lượn.
Cùng với thiên nhiên, điều làm nên sự hấp dẫn của Si Ma Cai còn đến từ bản sắc văn hóa dân tộc. Huyện đang có các làng văn hóa độc đáo như Cán Chư Sử, Bản Giáng, Say Sán Phìn. Đồng bào các dân tộc Thu Lao, Nùng, H’Mông, Tày… có trang phục, phong tục, tập quán, kiến trúc nhà ở mang bản sắc riêng.
Đặc biệt, người Mông ở Si Ma Cai còn lưu giữ được những ngôi nhà trình tường theo kiến trúc kết cấu hai tầng bề thế, hoa văn vô cùng độc đáo.
Hiện thực hóa tiềm năng
Gây ấn tượng bởi thắng cảnh hùng vĩ, văn hóa đậm đà bản sắc, tuy nhiên, chợ phiên mới là điểm nhấn đặc biệt nơi vùng cao Si Ma Cai. Điển hình như chợ Sín Chéng họp vào thứ 4 hàng tuần, chợ Cốc Cù thứ 5, chợ Lù Dì Sán thứ 6, chợ Cán Cấu thứ 7, chợ trung tâm huyện Si Ma Cai vào chủ nhật hàng tuần.
Cần có sự đầu tư bài bản hơn để tạo thêm sức hút, nâng cao giá trị kinh tế cho lĩnh vực du lịch ở Si Ma Cai. |
Ở chợ phiên thường bán các sản vật của núi rừng hay những mặt hàng do chính người dân nơi đây làm ra như thóc, ngô, đậu tương, lạc, các loại rau, ớt, thổ cẩm, các loại hoa quả… Mỗi sản phẩm là kết tinh của lao động, thể hiện sự cần cù, khéo léo của người dân vùng cao, đồng thời phản ánh nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc.
Đơn cử, vào thứ 4 hàng tuần, ghé vào chợ Sín Chéng du khách sẽ được chứng kiến không gian văn hóa rực rỡ sắc màu thổ cẩm của dân tộc Mông ở các gian hàng thổ cẩm. Bên cạnh đó, du khách có thể thưởng thức những món ăn hấp dẫn, mới lạ từ loài vịt Sín Chéng nổi tiếng khắp vùng Si Ma Cai.
Với những nét đặc trưng từ thiên nhiên đến văn hóa, số lượng khách du lịch đến Si Ma Cai ngày càng tăng, bình quân mỗi năm đạt trên 20.000 lượt khách trong và ngoài nước.
Kể từ cuối năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến lượng khách sụt giảm, tuy nhiên, những tiềm năng du lịch ở Si Ma Cai là không thể phủ nhận, có thể phát triển mạnh trong tương lai.
Để hiện thực hóa tiềm năng đang có, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch. Hiện, toàn huyện mới có gần cơ sở lưu trú, dịch vụ homestay chưa mạnh, các làng văn hóa, điểm du lịch chưa được đầu tư để tạo điểm nhấn thu hút du khách...
Ông Lưu Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai, cho biết để phát triển du lịch một cách hiệu quả xứng với tiềm năng, thế mạnh, huyện cần có cú hích mang tính đột phá.
Huyện Si Ma Cai đang hướng tới xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch với mục tiêu phát triển du lịch trở thành điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng.
Ngoài phát triển tuyến du lịch đã được công nhận trên địa bàn (tuyến Bắc Hà - Cán Cấu - Si Ma Cai - Bản Mế - Cốc Ly - Lào Cai), huyện tiếp tục rà soát các tuyến điểm có tiềm năng du lịch để đưa vào quy hoạch, đề nghị UBND tỉnh Lào Cai công nhận là điểm du lịch.
Xác định sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, Vì vậy, huyện sẽ tập trung phát triển hoạt động tại các thôn, bản còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống như chợ phiên, trồng hoa tam giác mạch, khám phá sông Chảy…
Ngoài ra, huyện Si Ma Cai đang tích cực kêu gọi đầu tư, vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thành lập, tham gia vào các HTX, Tổ hợp tác chuyên làm du lịch để hoạt động một cách chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Nhật Minh