Là địa phương được đầu tư theo Nghị quyết số 30a/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo của cả nước, Sơn Động đã vận dụng chính sách hết sức hiệu quả vào thực tiễn công tác xóa đói giảm nghèo.
Phát huy tốt các nguồn lực
Trên cơ sở cơ chế, chính sách giảm nghèo của Trung ương, huyện Sơn Động đã chủ động rà soát nguồn lực của địa phương, thực hiện lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn thuộc chương trình 134, 135, Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách của tỉnh.
Các nguồn lực hỗ trợ phát huy hiệu quả giúp kinh tế-xã hội huyện Sơn Động chuyển biến tích cực. |
Việc phát huy tốt các nguồn lực hỗ trợ giúp diện mạo kinh tế, xã hội của huyện có những thay đổi toàn diện. 100% người nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được miễn, giảm học phí.
Đến hết năm 2020, 100% số xã, thị trấn trên địa bàn huyện có trụ sở kiên cố; 100% số xã kết nối internet cáp quang và một cửa điện tử liên thông với huyện; 100% xã đã có đường cứng hóa đến trung tâm.
Hệ thống điện được cải tạo nâng cấp và đưa điện lưới quốc gia đến 100% xã, thị trấn, góp phần cải thiện đời sống, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện năng để phát triển sản xuất của nhân dân.
Các trường học, điểm trường và mô hình trường bán trú dân nuôi được đầu tư xây dựng, sửa chữa đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của huyện. Trung tâm y tế và 23 trạm y tế được đầu tư, nâng cấp, cơ sở vật chất của hệ thống khám chữa bệnh trên địa bàn huyện đã đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho hay, với quan điểm “Dựa vào sức dân, khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể của người dân”, huyện đã phát động một loạt phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nhất là ở những lĩnh vực thế mạnh như lâm nghiệp, chăn nuôi.
Không chỉ tuyên truyền thay đổi nhận thức, huyện còn “đồng hành” để sức dân thêm hưng thịnh. Cụ thể, huyện đẩy mạnh đầu tư chuyên sâu cho sản xuất nông lâm nghiệp, ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật mới.
Huyện cũng đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, tín dụng ưu đãi, tập huấn khoa học kỹ thuật cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, khuyến khích liên kết hình thành các tổ hợp tác, HTX, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.
Khơi dậy tiềm năng để bứt lên
Bên cạnh việc vận dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ, huyện cũng đang phát huy tốt nguồn nội lực, khơi dậy tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. |
Điển hình, tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, huyện đã phát triển các nghề truyền thống như nuôi ong mật, trồng rừng nguyên liệu, nấu rượu men lá và chăn nuôi giống lợn bản địa…
Ông Chu Xuân Tuyên (SN 1958), dân tộc Tày, xã Yên Định chia sẻ, trước năm 2018, kinh tế gia đình gặp vô vàn khó khăn, quy mô chăn nuôi ong nhỏ lẻ, không có điều kiện nâng số lượng đàn.
Năm 2018, ông Tuyên được hỗ trợ 30 đàn ong giống theo chương trình 30a, cùng với số đàn ong có sẵn, ông mở rộng sản xuất lên hơn 200 đàn. Ngay năm đầu tiên phát triển đàn ong, ông thu được 200 lít mật. Kể từ năm 2019 đến nay, đàn ong đã mang lại cho gia đình ông thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Theo ông Tuyên, nuôi ong vốn ít, lãi nhiều, tận dụng thế mạnh của miền núi, vùng cao có diện tích rừng lớn nên nghề này rất phù hợp với những hộ nghèo. Đặc biệt, sản phẩm mật ong của ông được thương lái đến tận nhà thu mua nên thu nhập từ mật ong tăng lên đáng kể.
Hiện nay, ông Tuyên đang truyền nghề cho 2 người con trai cùng mong muốn mở rộng mô hình, kết hợp giữa trồng rừng, cây ăn quả và chăn nuôi. Ngoài ra, với bà con làng xóm, ông luôn sẵn sàng cung cấp giống và trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ong để cùng nhau chung tay xây dựng đời sống ấm no.
Những điển hình thoát nghèo là minh chứng cho thấy bức tranh kinh tế - xã hội huyện Sơn Động đang có chuyển biến toàn diện. Đến nay, đời sống nhân dân trong huyện được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm, vượt kế hoạch đề ra.
“Để phát huy được những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện Sơn Động tiếp tục triển khai các dự án, mô hình phù hợp nhu cầu, điều kiện và khả năng sản xuất của các hộ được thụ hưởng chính sách, gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh từng vùng. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn nâng cao nhận thức và khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo”, ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động nhấn mạnh.
Bài 2: Động lực từ các HTX điểm
Nhật Minh