Nhị Trường trước đây là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Cầu Ngang với tỷ lệ đồng bào Khmer chiếm trên 80%. Những năm trở lại đây, với hàng loạt các chương trình hỗ trợ của các cấp, cơ sở hạ tầng của xã được cải thiện rõ nét, hệ thống điện, đường, trường, trạm, chợ đáp ứng nhu cầu của người dân.
HTX đồng hành cùng nông dân
Với sự đồng hành thiết thực từ địa phương, người dân xã Nhị Trường, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, với nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi mới, hiệu quả kinh tế cao đã và đang được nhân rộng.
Các HTX đang phát huy vai trò liên kết, dẫn dắt sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Cầu Ngang. |
Kết quả, nhiều hộ đã nhanh chóng vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu, đồng thời giúp đỡ những hộ xung quanh cùng phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như gia đình ông Thạch Ly Sin, người Khmer ấp Nô Lựa B, xã Nhị Trường từ hộ nghèo khó đã vươn lên khá giả, duy trì mức thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng.
Tương tự, ông Thạch Xuân Ri, ấp Bông Ven, cũng đang là một trong những điển hình người Khmer có được nhiều thành công trong phát triển sản xuất trên địa bàn xã, với điểm tựa vững vàng đến từ HTX dịch vụ nông nghiệp Nhị Trường.
Theo ông Ri, trước đây hầu hết người dân trên vùng đất này chỉ độc canh cây lúa, việc tiêu thụ khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập, đời sống của các hộ sản xuất. Từ khi HTX ra đời, gia đình ông và nhiều hộ nông dân tham gia HTX không lo đầu ra nữa, các loại cây trồng cũng ngày càng đa dạng.
Đặc biệt, từ khi HTX liên kết với các công ty đầu tư giống, kỹ thuật, phân, thuốc trừ sâu và bao tiêu sản phẩm bắp giống, lợi nhuận của thành viên, hộ liên kết cao gấp 2 - 3 lần so với thời điểm còn độc canh lúa. Đơn cử, trong vụ bắp giống năm 2020, được HTX và công ty bao tiêu, lợi nhuận của các hộ đạt 60 - 80 triệu đồng/ha.
Cũng được hưởng lợi từ hoạt động của HTX Nhị Trường, gia đình ông Thạch Mẫn, ở ấp Ba So đang phát triển hiệu quả mô hình trồng lúa theo hướng VietGAP, thu nhập bình quân 50 - 80 triệu đồng/năm.
Ông Thạch Mẫn bộc bạch: “Ở Nhị Trường, thu nhập của người dân luôn trông chờ vào cây lúa, những năm qua, được Nhà nước hỗ trợ chính sách, lại được HTX hỗ trợ đầu vào, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, năng suất và chất lượng lúa ngày càng tăng, từ 4 tấn/ha lên 6 - 7 tấn/ha, đặc biệt là thị trường, giá bán được đảm bảo nên chúng tôi rất yên tâm”.
Cùng hoạt động trên địa bàn xã Nhị Trường còn có HTX nông nghiệp Nhật Linh, ấp Nô Lựu B. HTX đang trở thành kênh liên kết quan trọng trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tăng thu nhập cho nông dân.
Đi vào hoạt động từ năm 2017, HTX Nhật Linh hiện có 43 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh rau an toàn, thu mua nông sản, tư vấn kỹ thuật, cung cấp các loại giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp cho các hộ nông dân trong và ngoài xã.
Nhân rộng các mô hình điểm
Bà Phạm Thùy Linh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nhật Linh, cho biết trong những năm qua, HTX được Liên Minh HTX tỉnh và các ngành liên quan hỗ trợ thiết bị sản xuất sản phẩm trà sâm, đồng thời liên kết hơn 40 hộ nông dân, tổ chức bao tiêu sản phẩm rau quả và bắp ăn trên diện tích 16 ha.
Trong quá trình cung ứng và liên kết vùng nguyên liệu, do mặt hàng rau củ quả có thời gian ngắn nên HTX thu mua lại của nông dân và trừ vào khoản nợ đầu tư vật tư nông nghiệp ban đầu, vì thế HTX không tồn đọng vốn trong dân. Đây là điều kiện thuận lợi giúp HTX xoay vòng đồng vốn hiệu quả.
Cần thêm nhiều động lực cho các HTX phát triển, trở thành bệ đỡ kinh tế hộ. |
Ông Kim Ngọc Lương, người Khmer ấp Nô Lựa B, xã Nhị Trường là một trong những hộ dân được HTX đầu tư cung ứng vật tư nông nghiệp trồng 0,3 ha dưa leo, với giá bao tiêu 4.000 đồng/kg, có thời điểm giá dưa leo tăng lên 6.000 - 7.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân hơn 15 triệu đồng/vụ.
Theo ông Lương, do lợi nhuận trồng hoa màu tăng gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, nên những năm gần đây nhiều nông dân trên địa bàn xã tập trung sản xuất rau màu các loại. Được HTX hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu như giống, phân, thuốc, đồng thời bao tiêu sản phẩm nên nông dân an tâm đầu ra, thêm lợi nhuận.
“Thường sau khi kết thúc vụ dưa leo, tôi trồng lại 2 ha bầu và thuê thêm 0,4 ha đất trồng khổ qua bán dịp Tết Nguyên đán. Với sự đồng hành của HTX, hầu hết các loại cây, ở mỗi thời điểm, đều phát triển rất tốt, ít khi gặp khó trong việc tiêu thụ, vì vậy mức thu hàng năm của gia đình tôi luôn đạt trên dưới 100 triệu đồng”, ông Kim Ngọc Lương chia sẻ.
Có thể thấy, dù còn gặp không ít khó khăn, khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang cho thấy dấu ấn đậm nét trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, đa phần là người Khmer trên địa bàn huyện Cầu Ngang.
Hiện nay, toàn huyện hiện có 22 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản đang hoạt động theo Luật HTX 2012, với 1.097 thành viên; 325 tổ hợp tác với 6.683 thành viên hoạt động ở các lĩnh vực khai thác thủy sản, nuôi thủy sản, trồng màu, lúa,…
Thời gian tới, Cầu Ngang sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đẩy mạnh thực hiện các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển các hình thức kinh tế hợp tác.
Đặc biệt, huyện sẽ phối hợp với các ngành có liên quan và địa phương khảo sát tình hình hoạt động của từng HTX, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ từng bước tháo gỡ khó khăn giúp HTX hoạt động có hiệu quả. Quyết tâm đưa kinh tế hợp tác trở thành thành phần kinh tế trọng điểm trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, góp phần cải thiện đời sống đời sống nhân dân.
Hưng Nguyên
Bài cuối: Xây dựng lộ trình phát triển bền vững