Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có gần 60.000 người theo tôn giáo (chủ yếu là Phật giáo, Công giáo và đạo Tin lành) và một số tổ chức, hội nhóm có liên quan, thuộc 126 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Trong đó có hơn 9.000 tín đồ Công giáo, 17 linh mục, 136 chức việc, với 2 giáo xứ, 20 giáo họ và 12 nhà thờ, nhà nguyện.
Tạo ra sản phẩm đặc trưng từ mô hình HTX
Tại thành phố Sa Pa, chị Giuse Vàng A Lý, thành viên HTX hoa Địa lan Tả Phìn, xã Tà Phìn, là thành viên sáng lập của HTX chia sẻ, HTX hoa Địa lan Tả Phìn là mô hình kinh tế tập thể mới được thành lập dựa trên nhu cầu quy hoạch những hộ trồng hoa nhỏ lẻ thành quy mô lớn, tiện cho hoạt động du lịch tại Sa Pa.
Đó là hướng đi có lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội tại xã nghèo Tả Phìn. Không chỉ giới thiệu đến du khách biết đến với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ mà nơi đây còn hấp dẫn du khách bởi bản sắc văn hoá truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây.
![]() |
Nhiều mô hình HTX có đông đồng bào Công giáo đã giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, cùng nhau đoàn kết xây dựng nông thôn mới. |
“Gia đình có hơn 1 ha hoa địa lan. Với quy trình chăm sóc kéo dài 3 - 5 năm, giá bán một chậu hoa lan loại nhỏ là 2 - 3 triệu đồng/chậu, loại trung bình 10 - 20 triệu đồng/chậu. Những chậu lớn, nhiều hoa, giá có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Nhờ tham gia HTX, gia đình tôi được hướng dẫn chăm sóc kỹ thuật cao, được hỗ trợ đầu ra cho cây địa lan mà cuộc sống đã tốt hơn trước đây rất nhiều". Chị Vàng A Lý cho biết.
Hiện nay, HTX hoa Địa lan Tả Phìn đã mạnh dạn vận động thành viên, nông dân chuyển đổi toàn bộ diện tích hoa rời rạc sang chuyên canh trồng hoa lan chất lượng cao. Bà Lại Thị Nga Giám đốc HTX cho biết, cây hoa Địa lan Sa Pa ban đầu là cây tự nhiên mọc ở mỏm đá trong rừng được bà con mang về chơi vào dịp Tết, sau này dần được yêu thích và trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Hiện nay, HTX địa lan Tả Phìn không chỉ tạo ra một sản phẩm đặc trưng của nền nông nghiệp sinh thái mà còn đang hướng đến một sản phẩm đặc trưng du lịch cho tỉnh.
Linh mục Phêrô Phạm Thanh Bình, Chánh xứ Nhà thờ giáo xứ Sa Pa chia sẻ, hiện nay, đồng bào Công giáo ở Lào Cai đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong cộng đồng các dân tộc nơi đây. Từ chỗ còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhờ biết vươn lên, dựa vào những giá trị truyền thống, họ đã có cuộc sống ngày càng phát triển. Công giáo thực sự đã có tác động đến đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Phát huy vai trò của thanh niên Công giáo trong phát triển kinh tế
Tại huyện Bảo Yên, thanh niên công giáo nơi đây đang tích cực lập thân, lập nghiệp phát triển kinh tế, góp sức trẻ xây dựng quê hương.
Với quyết tâm xây dựng mô hình phát triển kinh tế, anh Trịnh Anh Linh nhận thấy nghề nuôi ong thích hợp với đồi rừng địa phương, anh quyết định lập nghiệp. Cũng như nhiều mô hình khác “vạn sự khởi đầu nan”, những ngày đầu anh loay hoay giữ đàn ong mật để chúng không bỏ đi và nâng cao được chất lượng mật.
Dám nghĩ, dám làm, chịu khó, ham học hỏi, cộng với sự nhanh nhẹn, tháo vát, anh Linh từng bước vượt qua khó khăn. Sau thời gian kiên trì, mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình anh phát triển ổn định. Với 50 đõ ong, anh thu 150 lít mật/tháng, lãi gần 20 triệu đồng. Anh Linh cho biết, tới đây gia đình sẽ vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội để tiếp tục mở rộng quy mô đàn ong mật và mở rộng sang nuôi cá, trồng quế.
Xã Việt Tiến có 2 họ đạo thuộc thôn Hàm Rồng và thôn Việt Hải. Với vai trò của mình, Đoàn Thanh niên xã đã tích cực vận động, tuyên truyền thanh niên Công giáo thực hiện tốt phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, ra sức thi đua lập thân, lập nghiệp.
Đoàn Thanh niên xã đã tổ chức cho đoàn viên, thanh niên địa phương đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế thanh niên tại các địa phương lân cận, những chuyến đi giúp thanh niên có thêm quyết tâm, kinh nghiệm phát triển kinh tế.
Tại Thôn Hàm Rồng còn có tấm gương anh Trần Văn Hoài, người đi đầu trong phát triển cây quế. Nguồn thu chủ yếu của gia đình anh là nhờ nguồn thu từ 20 ha quế.
Hằng năm, anh thu hoạch tỉa thưa và tận thu cành lá quế, thu được 80 triệu đồng. Anh Hoài tâm sự: "Nhận thấy tiềm năng, giá trị của cây quế nên tôi mạnh dạn đầu tư. Sau gần chục năm trồng, cây quế đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình tôi".
![]() |
Trong phát triển kinh tế, các tín đồ đã biết đoàn kết xây dựng các mô hình HTX, tổ hợp tác, sản xuất xanh, sạch, ứng dụng công nghệ số. |
Song song với phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa là một nội dung quan trọng được các xứ đạo, họ đạo hướng tới, bà con giáo dân tích cực xây dựng gia đình có cuộc sống thuận hòa, vun đắp tình làng, nghĩa xóm, nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, rèn luyện thể dục thể thao.
Việc học của con em giáo dân ngày càng được quan tâm, 100% học sinh trong độ tuổi được đến trường. Các xứ đạo, họ đạo đã xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài để thúc đẩy phong trào học tập trong cộng đồng giáo dân. Bên cạnh đó, nhiều xứ đạo, họ đạo, khu dân cư giáo dân đã phát động phong trào xứ đạo, họ đạo, khu dân cư giáo dân an toàn, không có tội phạm và các tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương.
Tích cực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào Công giáo
Bà Trần Thị Nga, Phó Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Lào Cai khẳng định: Đồng bào Công giáo trong tỉnh đã chấp hành tốt Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; thực hiện nghiêm việc đăng ký lịch sinh hoạt, nội dung sinh hoạt tôn giáo với cấp có thẩm quyền.
Đồng bào cũng tham gia tích cực, trách nhiệm trong đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở địa phương thông qua việc đóng góp xây dựng nội dung và thực hiện nghiêm hương ước, quy ước cộng đồng…
Phát huy vai trò của đội ngũ chức sắc, chức việc Công giáo, hằng năm, Ban Tôn giáo tỉnh phối hợp, tổ chức hội nghị gặp mặt các chức sắc, chức việc để tuyên truyền sâu rộng về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Đây cũng là dịp để nắm tâm tư, nguyện vọng của tín đồ, từ đó đề xuất cấp ủy đảng, chính quyền giải quyết những vấn đề khó khăn của đồng bào, góp phần ổn định chính trị, đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng thời, các tín đồ Công giáo cũng thực hiện các phong trào như “Xây dựng xứ họ đạo tiên tiến”; Mô hình xứ đạo “Xanh sạch đẹp”; phong trào 3 không “Không nghiện hút; không cờ bạc, trộm cắp; không mại dâm”; phong trào “Giữ gìn bình yên xứ, họ đạo”; phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự xóm thôn bản khu vực biên giới...
Nhiều xứ đạo, họ đạo, khu dân cư giáo dân đã phát động phong trào xứ đạo, họ đạo, khu dân cư giáo dân an toàn, không có tội phạm và các tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thành, quản xứ Lào Cai chia sẻ, các tín đồ Công giáo ở Lào Cai phấn khởi tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước cũng như của địa phương. Giáo dân chung tay xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện.
Tín đồ đa số là nông dân, họ có đức tin rất sâu sắc và khá kiên đạo. Trong phát triển kinh tế, các tín đồ đã biết đoàn kết xây dựng các mô hình HTX, tổ hợp tác, sản xuất xanh, sạch, ứng dụng khoa học công nghệ.
Một số mô hình HTX đã thực hiện chuyển đổi số làm thay đổi phương thức quản trị truyền thống, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.
Minh Thành