Lạc An là một xã nông nghiệp, gồm 5 ấp, có 2.106 hộ dân với 9.487 nhân khẩu, trong đó có 87% dân số theo đạo Công giáo. Trong xã có 8 giáo xứ, 12 nhà thờ, 5 đền thờ, có 10 vị linh mục và ban hành giáo của 8 giáo xứ gồm 81 thành viên.
Đóng góp bằng những việc làm thiết thực
Thời gian qua, công tác dân vận trong đồng bào có đạo Công giáo luôn được chính quyền xã Lạc An quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nhằm hướng giáo dân, đạo hữu "sống tốt đời đẹp đạo”.
Ông Đỗ Hoài Vinh - Trưởng ấp 3 (xã Lạc An) phấn khởi cho biết: “Ấp 3 có hơn 500 hộ dân, hầu hết là đồng bào Công giáo, luôn chí thú làm ăn. Xã Lạc An bây giờ đã thay đổi, kinh tế phát triển hơn trước rất nhiều".
![]() |
Giáo xứ Võng Phan tham gia thực hiện tốt mô hình “Xứ đạo An lành - Văn minh” ở xã Lạc An. |
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hồi năm 2022, xã Lạc An đã thực hiện 3 công trình nâng cấp bê tông xi măng và có sự đóng góp của người dân, giáo dân với tổng số tiền 85 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người dân và bà con giáo dân còn đóng góp gắn đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời tại tuyến đường Lạc An 47, Lạc An 74 với tổng kinh phí 24,9 triệu đồng và đóng góp 24 triệu đồng để lắp đặt đèn đấu nối hệ thống chiếu sáng công cộng đường Lạc An 53, 54, 56 với tổng số 21 bóng đèn.
Ngoài ra, chính quyền xã cùng với nhân dân, giáo dân trên địa bàn ấp 4 ra quân chăm sóc, cải tạo tuyến đường kiểu mẫu Lạc An 71 “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Bà con giáo dân đã tham gia chăm sóc cây xanh, vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp, đồng thời bảo vệ môi trường bằng những việc thiết thực như dọn dẹp vệ sinh, phát quang bụi rậm, chung tay xây dựng và bảo vệ tuyến đường ngày càng đẹp hơn.
Linh mục Nguyễn Văn Quốc - Chánh xứ Giáo xứ Võng Phan ở ấp 2 (xã Lạc An) cho biết, bà con giáo dân trong giáo xứ luôn tham gia tốt vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, chăm chỉ làm ăn, đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương bằng những việc làm thiết thực. Các giáo dân luôn chấp hành nghiêm pháp luật, sống đoàn kết, tránh xa các tệ nạn xã hội.
Thời gian qua, xã Lạc An đã thực hiện thành công mô hình Xứ đạo An lành - Văn minh. Bà Từ Thị Thanh Thảo - Phó bí thư xã, Trưởng ban Chủ nhiệm mô hình cho biết thêm, để thực hiện thành công mô hình Xứ đạo An lành - Văn minh, Ban Chủ nhiệm đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể trong xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giáo dân tích cực tham gia các phong trào thi đua do chính quyền địa phương phát động.
Hiệu quả từ những mô hình hay
Bên cạnh đó, theo bà Thảo, Ban Chủ nhiệm mô hình còn hướng dẫn các tổ quản lý mô hình các ấp phối hợp với Ban công tác Mặt trận, đoàn thể ấp và các giáo họ tuyên truyền vận động giáo dân tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Khu dân cư có cảnh quan sạch - xanh - đẹp”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”...
![]() |
Bà con giáo dân ở Lạc An đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng, bê tông hóa các tuyến đường, hẻm ở nông thôn. |
“Từng giáo họ, từng tổ mô hình tổ chức đăng ký, cam kết tham gia thực hiện các mục tiêu Xứ đạo An lành - Văn minh tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong toàn giáo xứ”, bà Thảo nói.
Ngoài ra, cách đây 3 năm, trong xã Lạc An đã thực hiện mô hình “Thắp sáng đường quê”. Chính quyền xã đã tích cực vận động các hộ gia đình, giáo dân trong khu dân cư tham gia đóng góp cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của xã để tiến hành lắp đặt bóng đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời, hệ thống dây điện, cột điện.
Khi triển khai thực hiện, chính quyền phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể thống nhất nội dung lựa chọn tuyến đường, sau đó tổ chức họp bàn xin ý kiến nhân dân, tiến hành vận động đóng góp, công khai các nguồn kinh phí lắp đặt. Đối với những tuyến đường có nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đẩy mạnh vận động các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương đóng góp…
Từ mô hình “Thắp sáng đường quê” đầu tiên được thực hiện vào năm 2020 tại ấp 3, đến nay, mô hình này đã được triển khai ở 5/5 ấp trên địa bàn xã, tổng chiều dài khoảng 10,5km, với gần 150 bóng đèn được thắp sáng, tổng kinh phí thực hiện hơn 529 triệu đồng.
So với giai đoạn trước, với sự tham gia nhiệt thành của bà con theo đạo Công giáo, xã Lạc An bây giờ đã phát triển thêm rất nhiều mô hình kinh tế mới, ứng dụng các kỹ thuật cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nổi bật như mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất cam hữu cơ (Organic USA) và chuỗi liên kết sản xuất với Công ty TNHH Nông sản Đăng Khôi của HTX Nông nghiệp - thương mại dịch vụ Năm Hạng.
Hoặc như mô hình trồng rau thủy canh của chị Trần Minh Hiếu, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Lê Minh Sang, mô hình sản xuất cam sành theo công nghệ VietGAP của trang trại Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thành Nhân và Tổ hợp tác cây có múi ấp 4…
Cùng đưa kinh tế hợp tác đi lên
Hay như mô hình nuôi heo rừng lai của anh Lê Quang Vinh, tổ 19, ấp 4 xã Lạc An được 5 năm nay. Anh nuôi theo hình thức bán chăn thả với diện tích chuồng khoảng 60m2, diện tích đất chăn thả 800m2. Cách đây 2 năm, gia đình anh tham gia dự án “nuôi heo rừng thịt an toàn sinh học”. Anh Vinh tâm sự: “Với hiệu quả mô hình mang lại, gia đình ước tính hàng năm có thu nhập khoảng trên 250 triệu đồng”.
![]() |
Tham gia kinh tế hợp tác và phát triển mô hình trồng cây có múi giúp đời sống bà con giáo dân ở Lạc An ngày càng nâng lên. |
Trong xã có HTX Nông nghiệp - thương mại dịch vụ Năm Hạng ở ấp 4 được xem là một trong những HTX điển hình của huyện Bắc Tân Uyên. Đây là một trong những HTX xây dựng vùng nguyên liệu được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ của tỉnh Bình Dương. Sản phẩm quả cam sành của HTX Năm Hạng được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh đạt tiêu chuẩn 4 sao.
HTX này chuyên sản xuất cây ăn trái có múi hữu cơ (cam sành là chủ lực) với tổng diện tích 15 ha. Sản phẩm của HTX đạt tiêu chuẩn của Mỹ, giá cả ổn định và cho thu hoạch trung bình 1,5 tấn/ngày, tối đa 3 - 4 tấn/ngày.
Đặc thù của HTX Năm Hạng là chuyên xuất 2 loại sản phẩm, hữu cơ và tiệm cận hữu cơ. Do số lượng sản phẩm hữu cơ xuất đi có giới hạn, khi hết hàng hữu cơ, HTX sẽ chọn lọc thu mua sản phẩm sạch và gắn nhãn hàng hướng hữu cơ.
Ông Nguyễn Hữu Hạng - Giám đốc HTX Năm Hạng cho biết, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ khó hơn nhiều so với các mô hình khác, năng suất thấp hơn từ 30 - 50%, mẫu mã sản phẩm hữu cơ cũng không đẹp. Tuy nhiên, chất lượng vượt trội, an toàn cho sức khỏe con người, giá bán cao hơn. Hiện nay, người tiêu dùng kỹ lưỡng trong vấn đề an toàn thực phẩm nên họ hiểu được điều đó và chấp nhận.
Theo ông Hạng, thời gian qua, HTX được Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương hỗ trợ về chính sách vốn vay ưu đãi, đào tạo, tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi số…
Ngoài ra, trong xã Lạc An còn có Tổ hợp tác trồng cây có múi, với sự tham gia tích cực của bà con giáo dân nên đã phát triển khá nhanh, từ 7 thành viên ban đầu với diện tích 7 ha vào năm 2012 đến nay đã phát triển lên gấp đôi về diện tích.
Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch Hội Nông dân xã, kiêm Chủ nhiệm Tổ hợp tác trồng cây có múi cho biết, thu nhập cao nhất của hội viên trồng cam sành lên đến trên 800 triệu đồng/năm. Kế đến là bưởi các loại. Nguyên nhân của thành công này là nhờ nông dân, giáo dân nắm chắc kỹ thuật chăm bón, chủ động cho cây ra trái nghịch vụ, nên vừa trúng mùa vừa trúng giá.
Từ sự tham gia tích cực của bà con giáo dân cùng đưa kinh tế hợp tác ở địa phương đi lên đã giúp đời sống người dân xã Lạc An được tăng lên hàng năm, hiện thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 70 triệu đồng/người/năm. Địa phương chỉ còn 18/2.043 hộ nghèo đa chiều, chiếm tỷ lệ 0,88%.
Thanh Loan