Với đặc trưng của huyện miền núi, địa bàn rộng, nông - lâm nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ lực, thời gian qua, Kim Bôi đã chủ trương liên kết người dân thông qua mô hình kinh tế hợp tác, với nòng cốt là các HTX, tổ hợp tác nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho người dân, hình thành thương hiệu mạnh cho nông sản và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
HTX là điểm tựa sản xuất
Đến nay, với sự đồng hành của địa phương, huyện Kim Bôi đã xây dựng thành công nhiều đơn vị kinh tế hợp tác điển hình như HTX dịch vụ nông nghiệp Hạ Bì, HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, HTX nông nghiệp thương mại Mường Động, HTX dịch vụ nông nghiệp Mỵ Hòa, HTX nông nghiệp xanh Kim Bôi…
HTX đang góp phần nâng tầm cây thế mạnh, nâng cao thu nhập cho người dân tộc thiểu số huyện Kim Bôi. |
Các HTX hoạt động hiệu quả đã tạo thêm nhiều việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số, đồng thời góp phần giúp các địa phương đẩy nhanh công tác giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Tiêu biểu như HTX Mường Động, xã Tú Sơn được thành lập năm 2006, đến nay đã có 26 thành viên, đa phần là người dân tộc Mường, tham gia sản xuất với tổng diện tích 110 ha, trong đó có 85 ha trồng cam đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, sản phẩm của HTX được cấp chứng chỉ nông sản an toàn, xác định nguồn gốc xuất xứ thông qua QR code.
Ông Nguyễn Trung Huân, Giám đốc HTX Mường Động cho biết, trước đây, vào đầu mỗi vụ thu hoạch, giá cam luôn là nỗi lo trực tiếp đối với bà con trồng cam ở xã Tú Sơn và các địa bàn lân cận.
Trước đòi hỏi của thực tế, HTX Mường Động được thành lập. Nhờ tổ chức sản xuất khoa học, bài bản, đến nay, HTX đã bố trí cân đối được diện tích trồng các loại cây có múi, đa dạng chủng loại giống đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và kéo dài thời gian thu hoạch.
Bởi vậy, cho dù sản lượng cam tăng theo cấp số nhân từng năm nhưng do đã đảm bảo đầu ra nên nhiều nhà vườn tại HTX Mường Động vẫn duy trì mức thu nhập vài trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
Anh Bùi Công Biên, dân tộc Mường, xã Tú Sơn, một trong những thành viên năng nổ của HTX, đang triển khai vườn cam rộng gần 4 ha. Nhờ sản xuất khoa học, tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP, năng xuất, chất lượng vườn cam liên tục tăng, thị trường tiêu thụ ổn định.
“Năm 2020, giá cam dao động ở mức 20.000 - 25.000 đồng/kg, cung không đủ cầu. Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của Covid-19 nhưng không ít khách hàng, thương lái vẫn xuống tận vườn của gia đình để đặt hàng trước, vì vậy thu nhập sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều”, anh Biên cho hay.
Sức mạnh từ chuỗi
Tương tự, HTX Sơn Thủy, xã Xuân Thủy với 41 thành viên, tổng diện tích sản xuất 34 ha cũng đang là một trong những ngọn cờ đầu trong liên kết sản xuất, cho giá trị vượt trội trên địa bàn huyện Kim Bôi.
Để sản phẩm nhãn được tiêu thụ ổn định, từ năm 2020, HTX đã liên kết với doanh nghiệp Hải Anh ở Lạng Sơn để thu mua hơn 120 tấn nhãn xuất khẩu sang Trung Quốc, sản lượng còn lại được thương lái về thu mua bán tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Liên kết là chìa khóa giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. |
Năm 2021, HTX có 2 doanh nghiệp đến đăng ký thu mua gần 200 tấn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nếu sản phẩm nhãn bán tự do được 9 - 10 nghìn/kg thì sản phẩm xuất khẩu đạt từ 13 - 15 nghìn đồng/kg. Song, giá cao đồng nghĩa tiêu chuẩn cũng khắt khe hơn.
Bà Bùi Thị Luyến, dân tộc Nùng, xã Xuân Thủy chia sẻ, gia đình trồng gần 2 ha giống nhãn Hương Chi. Với sự đồng hành của HTX Sơn Thủy, cây nhãn cho thu nhập cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp và trồng rau màu theo phương thức truyền thống.
“Được HTX bao tiêu sản phẩm, tuy nhiên các hộ liên kết phải đảm bảo tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và khâu chăm sóc để quả nhãn to, đều, mẫu mã đẹp, ngọt sắc, an toàn. Chất lượng vượt trội cũng giúp nhãn ở địa phương ít gặp cảnh được mùa, mất giá, thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/ha”, bà Luyến bộc bạch.
Cũng có thể kể đến HTX Bắc Sơn, xã Bắc Sơn, được thành lập từ năm 2012, là một điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Hiện, HTX đang triển khai 4 ha trồng cây thiên ngân, một loại cây lấy gỗ làm nguyên liệu giấy, có giá trị kinh tế cao gấp 10 lần cây keo. Vùng sản xuất dược liệu quả HTX cũng đang cho giá trị kinh tế cao. Từ cuối năm 2016, HTX đã liên kết với các hộ dân trong xã trồng 0,5 ha cây thần diêu, một loại dược liệu quý đang được thị trường ưa chuộng.
Giám đốc HTX Bắc Sơn Nguyễn Ngọc Can chia sẻ: “Để đảm bảo hiệu quả, HTX sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ tham gia mô hình về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản, thu hoạch và liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài”.
Theo thống kê, toàn huyện Kim Bôi hiện có 40 HTX, trong đó có 25 HTX dịch vụ nông nghiệp và 15 HTX ngành nghề khác. Thời gian qua, các HTX đã tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội, với 5 - 6% GDP toàn ngành nông nghiệp của huyện.
Ông Bạch Công Thi, Phó trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Kim Bôi nhận định, để có được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của các HTX, thì các chính sách của tỉnh, huyện cũng là động lực thúc đẩy.
Kim Bôi được đánh giá là một trong những huyện đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2018 - 2020. Điều đáng nói, các HTX của huyện hoạt động hiệu quả, góp phần gia tăng thu nhập cho hàng nghìn thành viên là người dân tộc thiểu số.
Trên những nền tảng đang có, trong thời gian tới, huyện Kim Bôi dự kiến đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh công tác khuyến nông, xây dựng các mô hình sản xuất điểm. Tiếp tục thu hút, hỗ trợ, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ giữa các HTX và doanh nghiệp, tạo điểm tựa vững chắc cho người nông dân phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
Mỹ Chí
Bài cuối: "Cú hích" từ dạy nghề nông thôn