Vài năm trước, sau khi được Nhà nước hỗ trợ 5 sào cà phê mang lại nguồn thu nhập cao, đến nay, hộ gia đình anh A Tin, người dân tộc Xơ Đăng ở làng Đăk Dring thuộc xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) đã trồng thêm 8 sào cà phê nữa để thoát nghèo bền vững.
Có động lực vươn lên
Cũng ở làng Đăk Dring, từ khi được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi diện tích đất trồng mì sang trồng 500 gốc cà phê cho thu nhập cao hơn, thì hiện nay hộ gia đình anh A Ninh (người dân tộc Xơ Đăng) cũng quyết định trồng thêm 1.000 gốc cà phê để kinh tế gia đình khấm khá hơn.
![]() |
Người dân tộc Xơ Đăng ở làng Đăk Dring đang nỗ lực vươn lên nâng cao đời sống với cây cà phê. |
Anh A Ninh vui mừng nói: “Trước đây, do không biết cách làm ăn, chỉ quen với việc trồng mì nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ trồng cà phê, thu nhập gia đình tăng lên gấp nhiều lần, nên càng có động lực để phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế gia đình khấm khá hơn”.
Theo lãnh đạo UBND xã Đăk Trăm, việc chuyển sang hình thức hỗ trợ sau đầu tư của huyện đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của đồng bào thiểu số, giúp người nghèo tự giác hơn trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Từ các mô hình được hỗ trợ, đến nay, nhiều gia đình dân tộc thiểu số trên địa bàn xã đã mạnh dạn vay vốn để phát triển cây cà phê nâng cao thu nhập cho gia đình.
Xã Đăk Trăm vốn có địa hình phức tạp, đời sống của bà con các dân tộc thiểu số như Xơ Đăng, Ba Na, Ê Đê, Chơ Ro…chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Do vậy, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Song, những năm gần đây, nhờ vào các chương trình xóa nghèo bền vững nên các hộ dân đồng bào thiểu số trong xã đã nâng cao được đời sống. Không những vậy, cách đây 2 năm xã đã có 21 hộ (vốn là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trước đây) viết đơn xin thoát nghèo của huyện. Tính đến nay, xã chỉ còn 24,35% hộ nghèo và 7,52% hộ cận nghèo.
Hoặc như ở xã Kon Đào (huyện Đăk Tô), để giảm được tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào thiểu số theo mục tiêu đề ra, chính quyền địa phương đã hướng dẫn bà con trên địa bàn phát triển sản xuất, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hướng dẫn bà con tham gia các mô hình như mô hình cây cà phê, chăn nuôi bò, trồng lúa, rồi các mô hình thâm canh khác… từ đó tăng thu nhập cho bà con trên cùng diện tích.
Nâng cao thu nhập từ 20 - 40%
Từng có 5 sào cà phê tự đầu tư trồng, anh A Thanh Tú, ở thôn Kon Đào 1, xã Kon Đào, do không biết cách trồng nên thu hoạch kém hiệu quả, lại còn chịu nhiều loại sâu bệnh trên cây. Điều này khiến cho gia đình anh rơi vào cảnh nghèo triền miên.
![]() |
Đồng bào thiểu số ở Đăk Tô chuyển đổi cây trồng với mong muốn hiệu quả hơn để nâng cao thu nhập. |
Sau đó, nhờ tham gia mô hình phát triển cây cà phê sử dụng phân sinh thái của xã (với tổng diện tích hơn 11ha) đã giúp cây cà phê của anh Tú phát triển tốt hơn hẳn do biết kỹ thuật chăm sóc đúng cách. Nhờ vậy mà anh Tú có thu nhập cao hơn, cuộc sống bớt khổ hơn, cũng như phát triển thêm diện tích trồng cây cà phê.
Thời gian qua, để từng bước giảm nghèo căn cơ cho bà con dân tộc thiểu số, huyện Đăk Tô đã tập trung xây dựng cánh đồng mẫu lớn và duy trì tốt một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn với chuỗi liên kết giá trị cho kết quả tích cực (mô hình sản xuất rau an toàn, nếp cái hoa vàng, cà phê vối theo tiêu chuẩn VietGAP)…
Sau khi được Nhà nước hỗ trợ thông qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, các hộ nghèo là đồng bào thiểu số ở Đăk Tô đã ổn định sản xuất, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng giống mới, tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ kỹ thuật, phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập từ 20 - 40% so với trước kia.
Tỉnh Kon Tum và huyện Đắk Tô cũng xác định sẽ phát triển mắc ca thành cây trồng chính trong những năm tới. Trong đó, riêng Đắk Tô sẽ trồng với diện tích 500 ha trong giai đoạn 2021 – 2025. Để hỗ trợ người dân hiệu quả hơn, đặc biệt, đối với hộ nghèo thì ngân sách huyện sẽ hỗ trợ 100% giống; với đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ 70% giống.
Bên cạnh đó, để phát triển cây trồng nói chung, mắc ca nói riêng, huyện Đăk Tô khuyến khích người dân nên liên kết chuỗi sản xuất để hình thành vùng sản xuất mắc ca tập trung theo hướng bền vững.
Nhờ nỗ lực giảm nghèo nên đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở toàn huyện Đăk Tô giảm mạnh từ gần 20% hồi năm 2015 xuống còn 6,3% hộ nghèo vào cuối năm 2020. Đây là nỗ lực rất lớn của toàn huyện nhằm chăm lo đời sống người dân tốt hơn.
Thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đăk Tô năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%/năm; các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn giảm từ 5-7%/năm.
Thanh Loan
Bài 2: Trở thành những nông dân sản xuất giỏi