Bá Thước là một trong 7 huyện miền núi nghèo ở tỉnh Thanh Hóa thụ hưởng các chính sách ưu đãi đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. Từ thực tế đó, huyện đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phát huy nội lực nhằm tạo điều kiện cho người dân liên kết phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo, làm giàu.
HTX tạo sức lan tỏa mạnh
Năm 2015, được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng địa phương, 7 hộ gia đình dân tộc Mường ở xã Ái Thượng, huyện Bá Thước đã liên kết cải tạo vườn tạp, đầu tư làm giàn trồng gấc ở trên, trồng gừng ở dưới và thành lập ra HTX nông sản Bá Thước.
Các hộ dân tham gia mô hình của HTX sẽ được hỗ trợ kỹ thuật cải tạo vườn tạp cũng như cung cấp những kiến thức cơ bản để chăm sóc gừng, gấc theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Các thành viên có nhu cầu mua giống, mua phân bón sẽ được HTX giới thiệu đơn vị cung cấp đạt chất lượng, giá cả hợp lý.
![]() |
Các HTX đang đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế huyện Bá Thước. |
Đến nay, HTX nông sản Bá Thước đang thu hút trên 20 hộ thành viên, nông dân liên kết, 2/3 trong số đó là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Mường). HTX đang trở thành điểm tựa vững vàng trong quá trình phát triển sản xuất của thành viên, đặc biệt là lao động nữ trên địa bàn
Chị Lương Thị Huấn, dân tộc Mường, thành viên HTX Bá Thước, cho biết quy trình trồng gấc, gừng không quá khó, đòi hỏi ít công chăm sóc, giống và phân bón, nhưng giá trị có thể cao gấp 3 – 5 lần trồng lúa theo phương thức cũ. Cây gấc trồng 1 năm có thể thu hoạch trong 5 – 6 năm.
"Khi tham gia HTX, gia đình tôi dành toàn bộ thời gian lao động để trồng gấc. Nhờ mô hình này, đời sống của gia đình từng bước thay đổi, trong nhà đã sắm sửa được nhiều đồ đạc. Ngoài ra, các hộ khác đều được hướng dẫn làm phân vi sinh từ chất thải gia súc, rác thải nông nghiệp để bón cây, phần hạt được sơ chế để làm thuốc xoa bóp, còn vỏ quả để làm phân vi sinh", chị Huấn nói.
Bên cạnh sản phẩm gấc, gừng chủ lực, trong 2 năm gần đây, HTX nông sản Bá Thước chủ động đa dạng giống cây trồng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Điển hình, 2 ha ớt của HTX hiện đang cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, HTX còn trồng thêm các loại rau, củ đậu, dưa vàng… Hầu hết các dòng sản phẩm của HTX đều có hợp đồng hỗ trợ bao tiêu của doanh nghiệp.
Cũng giống như HTX nông sản Bá Thước, HTX Dịch vụ phát triển mô hình con nuôi đặc sản vịt Cổ Lũng đang là mô hình kinh tế điểm, góp phần quan trọng trong mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước.
Hiện, HTX đang phát triển với quy mô đàn khoảng 2.000 con, thực hiện chăn nuôi vịt sinh sản, vịt thương phẩm và ấp nở trứng vịt. Nhờ được tập huấn kỹ thuật và tham gia các mô hình chăn nuôi tiêu biểu, thành viên HTX thay đổi phong tục tập quán chăn nuôi theo hình thức chăn thả, không phụ thuộc vào nguồn thức ăn từ tự nhiên mà chủ động tạo nguồn thức ăn tại chỗ.
Khẳng định vai trò “bệ đỡ” sản xuất của HTX
Anh Cao Viết Hòa, dân tộc Mường, thành viên liên kết của HTX đặc sản vịt Cổ Lũng, chia sẻ vào HTX, các thành viên và hộ liên kết sẽ được tham gia tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, nắm vững quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Nếu như trước đây, người dân phải tự mang vịt ra chợ bán, thì nay, với sự hỗ trợ của HTX, đã có đơn vị đến tận nơi đăng ký thu mua với số lượng lớn. Giá bán tại khu chăn nuôi là khoảng 80.000 đồng/kg vịt thương phẩm và vịt giống với giá bán bình quân 12.000 - 13.000 đồng/con, lúc cao điểm lên đến 18.000 đồng/con.
![]() |
HTX là điểm tựa sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu của người nông dân. |
“Gia đình tôi đang phát triển đàn vịt 300 con, mỗi năm chăn 3 lứa. Nhờ sự đồng hành về kỹ thuật, đặc biệt là thị trường tiêu thụ của HTX, đàn vịt của gia đình tôi phát triển ổn định, tỷ lệ sống đạt trên 99%, ít dịch bệnh, lợi nhuận đạt trên 150 triệu đồng/năm”, anh Hòa cho hay.
Không chỉ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các thành viên, hiện HTX còn hỗ trợ kỹ thuật, vốn, giống cho nhiều hộ gia đình có nhu cầu phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng theo hướng an toàn sinh học. Hiệu quả của HTX đang mở hướng thoát nghèo, làm giàu bền vững cho hàng trăm hộ dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong và ngoài xã Cổ Lũng.
Thống kê cho thấy, tổng đàn vịt ở Cổ Lũng hiện đạt trên 20.000 con, với khoảng 6 thôn và 150 hộ tham gia nuôi. Vịt thương phẩm được tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh với giá khá cao, dao động ở mức 100.000 - 120.000 đồng/kg. Nhiều hộ không có việc làm và thu nhập ổn định, nay đã gắn bó với nghề nuôi vịt tập trung và có thu nhập khá giả.
Theo lãnh đạo UBND huyện Bá Thước, để thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, huyện đã chủ động đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đăng ký thành lập mới HTX, tổ hợp tác.
Ngoài ra, huyện còn quan tâm hỗ trợ chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX, hỗ trợ về khoa học - công nghệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ưu đãi về thuế và lệ phí, tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX, hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cho thuê đất...
Đến nay, huyện Bá Thước có khoảng 18 HTX, trong đó, 14 HTX nông nghiệp, 1 quỹ tín dụng, 3 HTX dịch vụ. Các HTX, tổ hợp tác đều thực hiện chuyển đổi hoạt động theo quy định, ngày càng tăng quy mô, mở rộng sản xuất, kinh doanh, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của thành viên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển HTX trên địa bàn huyện vẫn còn có một số hạn chế nhất định, như tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra thị trường còn thấp, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của HTX còn nghèo nàn, nhiều HTX chưa có đất hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của HTX, huyện cần lồng ghép hiệu quả các nguồn lực để hỗ trợ, triển khai chính sách đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực HTX. Đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho HTX và hộ nông dân. Có thêm chính sách hỗ trợ tín dụng, đất đai, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất và chăm lo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của thành viên các HTX.
Nhật Minh
Bài cuối: Phát triển du lịch cộng đồng