Theo UBND huyện Ba Vì, số lượng HTX trên địa bàn huyện là 118 HTX, trong đó có 5 HTX ứng dụng công nghệ cao và 12 HTX thực hiện liên kết với doanh nghiệp.
Rút ngắn khoảng cách
Các HTX tại Ba Vì luôn tin tưởng vào chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể. Nhiều hộ nông dân, thành viên HTX là người dân tộc thiểu số đã nhận thức được vai trò của kinh tế tập thể, HTX trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Tiêu biểu như HTX miến dong Minh Hồng đã thu hút sự tham gia của một số hộ người Mường, Tày. Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, HTX đã đầu tư máy móc vào sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Miến dong được sản xuất từ 100% tinh bột dong trồng tại địa phương, với nguồn nước núi Tản sạch sẽ. Tất cả nguồn nước dùng để sản xuất miến đều được Chi cục An toàn an toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm nghiệm nghiêm ngặt.
Quy trình sản xuất chặt chẽ, an toàn vệ sinh thực phẩm, HTX cam kết không sử dụng hàn the, thuốc tẩy hay các chất phụ gia độc hại. Miến dong Minh Hồng có vị thơm, ngon và dai đặc trưng mà ít địa phương khác trong nước có thể làm được.
Mô hình sản xuất của HTX đã giúp người dân, thành viên là người dân tộc thiểu số tiếp cận công nghệ tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
![]() |
Thiếu đất sản xuất khiến các HTX thuốc Nam của người Dao ở Ba Vì khó phát triển chuỗi giá trị bền vững. |
Không thể phủ nhận sự phát triển của mô hình HTX đã giúp đồng bào dân tộc huyện Ba Vì đạt được nhiều mặt tích cực về kinh tế. Song trên thực tế, các HTX này vẫn thiếu nguồn lực như vốn, diện tích đất, năng lực quản trị. Đặc biệt, HTX tham gia được chuỗi giá trị còn chưa nhiều nên chưa nâng cao được năng lực sản xuất.
Tiêu biểu như một số HTX thuốc nam người Dao tại xã Ba Vì đang gặp khó khăn vì diện tích đất nông nghiệp của xã nhỏ, chỉ có khoảng 25ha, trong khi đa số đồng bào dân tộc Dao nơi đây làm nông nghiệp. Thu nhập từ nghề trồng, chế biến, chữa bệnh bằng cây thuốc nam chiếm gần 80% tổng số nguồn thu của xã cũng đang gặp khó khăn do thiếu đất trồng cây thuốc. Khi thiếu đất sản xuất cũng đồng nghĩa với việc khó bảo đảm được nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và quá trình xây dựng chuỗi không được bền vững. Chính vì vậy, vẫn còn trường hợp, có hộ gia đình đồng bào dân tộc người Dao tham gia HTX nhưng vẫn chưa thể thoát nghèo.
Bên cạnh đó, các HTX kết hợp sản xuất gắn với du lịch cũng chưa khai thác được những giá trị, tiềm năng từ lĩnh vực này của địa phương.
Ông Bùi Ngọc Kiên, Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Ba Trại (xã Ba Trại) cho biết, HTX từng nhận được phản ánh của không ít khách du lịch là khu vực nông nghiệp kết hợp du lịch có phong cảnh hữu tình, phát triển theo hướng xanh, nhưng chưa có bãi đỗ ô tô, đường sá hẹp, người dân chưa biết cách làm du lịch chuyên nghiệp.
“Điều này vô tình làm giảm lượng khách đến với HTX và cũng giảm thu nhập của các thành viên”, ông Kiêm chia sẻ.
Đồng hành cùng HTX
Trước thực trạng đó, đại diện UBND huyện Ba Vì cho biết, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn có nhiều tiềm năng, lợi thế để khai thác và phát triển theo mô hình HTX, nhất là các sản phẩm đặc trưng như trồng chè, làm miến, chăn nuôi bò, trồng thuốc nam... Tuy nhiên, do thiếu nhạy bén và yếu về một số nguồn lực nên việc sản xuất tập trung quy mô lớn ở một số HTX còn khó khăn, các mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị bền vững còn ít. Tại một số xã, trong quá trình hoạt động, các HTX còn gặp nhiều trở ngại về cơ chế, thiếu nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn, cơ sở hạ tầng…
Để tháo gỡ được những khó khăn này, ông Đỗ Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, Ba Vì sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đồng thời trang bị kiến thức, kỹ năng sản xuất theo chuỗi, làm du lịch cho HTX, người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình dân tộc thiểu số phát triển kinh tế.
![]() |
Hỗ trợ người dân và HTX phát triển du lịch là một trong những định hướng phát triển kinh tế của huyện Ba Vì. |
Nhằm hỗ trợ các hộ có nguồn sinh kế tạo dựng cuộc sống, ông Trung cho biết, thời gian tới, các cấp ngành sẽ tham mưu với TP Hà Nội thực hiện quy hoạch vườn thuốc tập trung, ưu tiên bảo tồn các loại cây thuốc quý. Mô hình du lịch cộng đồng tại các xã cũng sớm cần được triển khai đồng bộ, tránh tình trạng HTX, người dân “tự bơi” trong quá trình hoạt động.
Ông Trung cho rằng, giải pháp giảm nghèo tối ưu là khơi nguồn sức mạnh nội lực của người dân. Những năm gần đây, hàng trăm đồng bào Dao, Mường, Tày trên địa bàn huyện được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm thông qua các HTX, hội nông dân và họ đã thoát nghèo bền vững.
Để tháo gỡ những khó khăn trong công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và tháo gỡ khó khăn cho các HTX nói riêng, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp ngành phân tích, đánh giá nguyên nhân và thực tế hoạt động của các HTX, từ đó đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp. Với hướng đi này, khoảng cách về mức sống giữa vùng dân tộc thiểu số với các khu vực khác trên địa bàn huyện sẽ từng bước được rút ngắn.
Vĩnh Bảo