Mô hình HTX được đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Ba Vì quan tâm phát triển là HTX nông nghiệp và HTX nông nghiệp kết hợp du lịch. Nếu các HTX nông nghiệp tập trung phát triển các loại cây, con có thế mạnh của địa phương để canh tác và chế biến thì các HTX nông nghiệp kết hợp du lịch vừa kết hợp sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, vừa chú trọng giữ gìn những giá trị văn hóa, nâng cao kỹ năng để hút khách du lịch.
"Kho báu" từ hàng trăm vị thuốc quý
HTX thuốc nam dân tộc Dao Ba Vì (thôn Yên Sơn, xã Ba Vì) nổi lên là một trong những đơn vị kinh tế tập thể giúp người dân bảo tồn và phát triển những cây thuốc và bài thuốc quý.
Vốn sinh sống dưới chân núi Ba Vì và được thiên nhiên ưu đãi với hơn 500 loài dược liệu quý, các thành viên HTX thuốc nam dân tộc Dao Ba Vì thay vì sản xuất thô sơ 100% đã chuyển sang ứng dụng một số máy móc để chế biến thuốc.
Theo các thành viên, trước đây, đa số cây thuốc được dùng dưới dạng tươi hoặc phơi khô. Cách làm này rất đơn giản, tốn ít thời gian nhưng nếu vận chuyển xa sẽ rất khó khăn, hơn nữa hiệu quả công dụng không cao, khó bảo quản.
Nhận được sự hỗ trợ của địa phương, HTX đầu tư hệ thống nồi nấu cao, thực hiện đóng chai, gói và có dán tem mác để bảo đảm chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, thay vì khai thác tự do, mạnh ai nấy làm như trước, HTX hướng dẫn thành viên quy hoạch vườn của mỗi gia đình để trồng cây thuốc. Vì vậy, nguồn dược liệu được đảm bảo và đặc biệt là giữ lại được nhiều cây thuốc quý.
Liên kết cùng nhau phát triển nghề thuốc gia truyền là hướng đi của đồng bào dân tộc Dao ở Ba Vì. |
Để mở rộng đầu ra, HTX đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm qua các hội thảo, hội chợ, qua website, mạng xã hội…, nên thuốc của các thành viên HTX làm ra bán rất chạy, nhất là ở các điểm du lịch như Khoang Xanh, Suối Tiên, Ao Vua... Đầu ra thuận lợi giúp 100% thành viên HTX là đồng bào dân tộc Dao có thêm nguồn thu trung bình 3-5 triệu đồng/tháng.
Nhận thấy vai trò của mô hình HTX trong việc bảo tồn và phát huy các cây thuốc, bài thuốc, hầu hết các thôn ở xã Ba Vì đều thành lập HTX và liên kết chặt chẽ với nhau để cùng phát triển. Ngoài HTX thuốc nam dân tộc Dao Ba Vì, xã còn có HTX thuốc nam dân tộc Dao thôn Yên Sơn cũng đang hỗ trợ các hộ gia đình dân tộc Dao trồng, sản xuất và bán thuốc.
Theo Ban giám đốc HTX thuốc nam dân tộc Dao thôn Yên Sơn, trước đây, người dân trong thôn làm ra thuốc phải mang đi khắp nơi để bán vì không có thương hiệu nên nhiều người chưa tin dùng. Những năm gần đây, nhờ việc thành lập HTX và đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm, thuốc của các thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số bán rất chạy, nhất là trên mạng xã hội.
Bà Triệu Thị Lan (đồng bào dân tộc Dao) là một trong những thành viên đã thoát nghèo nhờ tham gia HTX thuốc nam dân tộc Dao thôn Yên Sơn cho hay, gia đình bà đã cố gắng trồng thật nhiều, chăm sóc cây thuốc thật tốt để bảo đảm sản phẩm chất lượng. “Khi mình có sản phẩm tốt, HTX lo đầu ra thì cái nghèo đói chẳng còn lo nữa”, bà Lan chia sẻ.
Ngoài 2 HTX trên, xã Ba Vì còn hỗ trợ đồng bào dân tộc Dao thành lập các HTX như: HTX thuốc nam người Dao thiên Mộc Hưng (thôn Yên Sơn), HTX thuốc nam người Dao Thái Nghị (thôn Yên Sơn), HTX thuốc nam gia truyền người Dao họ Lý Dương (thôn Hợp Sơn)...
Thực tế cho thấy, khi HTX sản xuất thuốc nam được thành lập, không chỉ thu hút bà con thành viên tập trung làm ăn theo hướng có tổ chức, mà còn giúp người dân thống nhất được phương thức thu hái, chế biến đúng kỹ thuật, thực hiện được việc phát triển nuôi trồng dược liệu có kế hoạch. HTX còn là định hướng cho bà con tham gia công tác bảo tồn và phát triển cây thuốc nam trên chính mảnh đất của mình.
Theo thống kê của UBND xã Ba Vì, hiện trên địa bàn xã có 90% số hộ dân tộc người Dao biết nghề thuốc, trong đó có gần 80% số hộ chuyên làm thuốc và tham gia HTX. Các HTX sẽ hỗ trợ cho nhau về nguồn giống, nguyên liệu, đầu ra. Nhờ phát triển mô hình HTX thuốc nam, nhiều bài thuốc bí truyền của đồng bào dân tộc thiểu số đã được người bệnh gần xa biết đến.
Đặc biệt, các HTX đã có nhiều hoạt động giao lưu, quảng bá, nhất là với các tổ chức như Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, Viện nghiên cứu cây thuốc Việt Nam, Viện y học cổ truyền quân đội, Trung tâm nghiên cứu dược liệu thuộc Viện nghiên cứu quốc tế, các Đại sứ quán Úc, Ba Lan và Ngân hàng ACB… Qua đó, các HTX không chỉ được hỗ trợ về sản xuất, mà đầu ra cho việc xuất khẩu cũng rộng mở hơn, đồng thời thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm mô hình.
Nông nghiệp kết hợp du lịch
Ngoài mô hình HTX thuốc nam, huyện Ba Vì còn phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng đem lại hiệu quả tốt. Xã Ba Trại là nơi sinh sống chủ yếu của người Mường, các hộ dân đã hình thành được HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Ba Trại. HTX xây dựng được những vườn chè an toàn VietGAP với không gian thoáng đãng, trong lành. Ngoài ra, các thành viên còn trồng các cây trái xanh mát phục vụ khách du lịch trải nghiệm.
Khi đến đây, du khách sẽ được hướng dẫn viên là các thành viên của HTX trực tiếp giới thiệu về làng nghề chè; được thăm và trải nghiệm thực tế các công đoạn từ trồng, chăm bón, thu hái, chế biến đến pha trà. Đặc biệt, khách du lịch còn được nghe các làn điệu dân ca, xem những bộ trang phục độc đáo của người Mường.
Để hoạt động chuyên nghiệp, HTX Ba Trại đã liên kết với các công ty du lịch tổ chức các đoàn đến tham quan, trải nghiệm. Cùng với việc tăng thêm thu nhập cho người dân, phát triển du lịch cũng giúp cho thành viên HTX nhận thức được việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, đây cũng là dịp để quảng bá thương hiệu chè Ba Trại đến người tiêu dùng theo hướng trực tiếp và gần gũi nhất.
Để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, thời gian tới, HTX sẽ tổ chức quy mô hơn, chia riêng từng vùng dành cho khách tham quan và trải nghiệm, triển khai thêm các gian hàng để kết hợp giới thiệu sản phẩm.
Người Dao Ba Trại biểu diễn cồng chiêng phục vụ khách du lịch. |
Bên cạnh đó, HTX còn đem lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, tiêu thụ hàng hóa, nông sản, từng bước nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.Theo định hướng của ngành chức năng, Ba Vì có 7 xã miền núi thì 7 xã này đều có các thế mạnh nông nghiệp và hình thành được các vùng sinh thái. Khi phát triển mô hình HTX sẽ phát triển được các thế mạnh địa phương cũng như phát huy được bản sắc văn hóa các dân tộc Mường, Dao...
Ông Đỗ Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, hoạt động của các HTX đã góp phần tích cực cùng chính quyền và đoàn thể các cấp giải quyết phần nào đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Mặt khác, sự phát triển của các HTX còn có ý nghĩa sâu sắc hơn là thông qua các hoạt động của các thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần khơi dậy và phát huy tinh thần yêu quê hương, đất nước, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần xây dựng huyện Ba Vì có chất lượng sống tốt, văn minh, nghĩa tình.
Vĩnh Bảo
Bài cuối: Trợ lực cho HTX