![]() |
HTX Vanpa dành 1,5ha trồng thử nghiệm cây hương nhu. |
Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai khu vực miền núi, nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2017 HTX Vanpa được thành lập tại xã Ba Lòng, với 24 thành viên trong đó có 20 thành viên là người dân tộc Vân Kiều. Đây là mô hình HTX kiểu mới hướng vào sản xuất kinh doanh cây dược liệu có giá trị cao, phục vụ thị trường nông sản, dược liệu trong và ngoài nước.
Liên kết người DTTS cùng sản xuất
Ông Đoàn Văn Linh, Giám đốc HTX Vanpa cho biết, HTX thành lập với mong muốn tập hợp đồng bào DTTS Vân Kiều, Pa Cô tham gia mô hình phát triển kinh tế, phát triển các mô hình THT vệ tinh ở vùng đồng bào DTTS miền Tây của tỉnh Quảng Trị, cùng chia sẻ lợi ích kinh tế với HTX. Trước mắt HTX đưa cây sả lên thí điểm chương trình xoá đói giảm nghèo cho người DTTS ở địa phương.
“HTX dành hơn 2ha trồng cây sả nguyên liệu dùng để chưng cất tinh dầu, nằm trong vùng quy hoạch 10ha diện tích đất trồng theo quy trình tiêu chuẩn nghiên cứu phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam của HTX Vanpa”, ông Linh cho hay.
Đặc biệt, với việc tham gia vào HTX, lần đầu tiên đồng bào DTTS thoát ra khỏi hình thức sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình để chuyển sang hình thức hợp tác, phân công lao động, sản xuất với quy mô lớn. Cây sả được trồng theo hướng liên kết giữa người dân địa phương với HTX, trong đó các thành viên có trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch sả.
HTX điều hành các khâu cung cấp giống, làm đất, phân bón vi sinh, và bao tiêu sản phẩm. Lá sả tươi được HTX thu mua 1.000 đồng/kg, bình quân 1ha mỗi năm thu hoạch lá từ 4 - 5 lượt, với sản lượng 40 - 50 tấn lá sả cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/ha mỗi năm.
Thành công từ mô hình sản xuất cây sả, HTX đã mở rộng sang trồng các loại cây gừng, nghệ, tràm. Năm 2019, HTX tiếp tục nghiên cứu và dành 1,5ha trồng thử nghiệm cây hương nhu. Do là mô hình mới để các hộ dân yên tâm tham gia sản xuất, HTX đã cung cấp cây giống, phân bón và hướng dẫn cách trồng cho bà con, đồng thời ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.
Với chu kỳ khai thác từ 5 - 7 năm, trung bình 1ha cây trồng mỗi năm cho thu hoạch 40 tấn nguyên liệu tinh dầu và được HTX thu mua với giá 1.000 đồng/kg lá và cành.
Để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho cơ sở chế biến tinh dầu, HTX Vanpa liên kết với gần 100 hộ nông dân chủ yếu là người dân đồng bào DTTS Vân Kiều, Pa Cô trồng 4 loại cây chính là sả, hương nhu, gừng và nghệ, với tổng diện tích là 35 ha ở 2 huyện miền núi là Hướng Hoá và Đakrông.
“Với số lượng thu mua nguyên liệu ngày càng lớn và mở rộng sang các xã khác, thậm chí là các huyện lân cận. HTX Vanpa đã phát triển thêm mô hình THT vệ tinh nhằm bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con đồng bào DTTS”, giám đốc HTX cho hay.
![]() |
Ông Đoàn Văn Linh, Giám đốc HTX Vanpa kiểm tra cây sả nguyên liệu. |
Đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS
Ông Hồ Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Ba Lòng cho biết, theo định hướng của HTX Vanpa là sản xuất theo vùng để bà con có công việc thường xuyên, liên tục, mang lại thu nhập ổn định. Vì vậy, từ khi tham gia vào HTX, các hộ nghèo là người DTTS trên địa bàn xã đã từng bước thoát nghèo.
Mặc dù thành lập chưa lâu, nhưng những kết quả đạt được của HTX Vanpa cho thấy đây là hướng đi phù hợp với điều kiện vùng miền núi, góp phần giải quyết xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các DTTS trên địa bàn. Khi tham gia vào HTX, thành viên được tiếp cận với phương thức sản xuất thương mại quy mô lớn theo chuỗi giá trị, trong đó các thành viên đóng góp ngày công và phân chia thu nhập.
“Nếu như trước đây người dân trên địa bàn xã sản xuất nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình, tự cấp, tự túc, không có liên kết làm ăn, sản phẩm làm ra giá cả bấp bênh bị tư thương ép giá, hiệu quả thấp. Thì nay, HTX đã điều hành tất cả các công đoạn từ sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra nên ai cũng phấn khởi”, ông Xuân đánh giá.
Ông Hồ Văn Thương, dân tộc Vân Kiều ở thôn 5, xã Ba Lòng cho biết, trước đây gia đình trồng rừng, lúa, lạc, sắn nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, từ khi vào HTX để trồng cây sả cuộc sống của gia đình khấm khá hơn.
Ông Hồ Văn Đang, trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đakrông đánh giá, HTX Vanpa đang ngày càng đi vào ổn định sản xuất, phát triển kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản và các loại cây trồng trên địa bàn huyện.
Hiện nay, sản phẩm được HTX phân phối tại các quầy thuốc, siêu thị, mỹ phẩm, bán online trên các trang TMĐT, bán sỉ cho các đơn vị sản xuất dược phẩm. Đặc biệt, HTX đã gửi 5 mẫu nguyên chất sang Thuỵ Điển, thị trường châu Âu để thăm dò thị trường, được bạn hàng đánh giá rất cao vì có độ đậm đặc, mùi vị mạnh, rất hợp với vùng khí hậu lạnh.
Có thể nói hướng đi của HTX vanpa đã thổi luồng gió mới vào các địa phương vùng miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Trị, phù hợp với tái cơ cấu nông nghiệp, mở ra triển vọng trong việc xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào DTTS.
Hoàng Hà
Bài cuối: Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã