HTX Phú Nông do anh Dường Cắm Hếnh (sinh năm 1985) người dân tộc Dao thành lập, phát triển. Anh Hếnh được bà con trong bản nhắc đến không chỉ với vai trò là lãnh đạo HTX Phú Nông mà còn là Phó Ban Chỉ huy quân sự xã, Phó Bí thư Chi bộ thôn Khe Tiền. Anh trở thành tấm gương cho thế hệ trẻ trong bản noi theo, học tập.
Chung sức xây dựng bản làng
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó, học hết cấp 2, anh Hếnh theo gia đình lên rừng làm nương rẫy kiếm kế sinh nhai. Năm 2006, Anh Hếnh đi bộ đội, thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hơn 2 năm trong quân ngũ chính là thời gian hun đúc nên ý chí vươn lên của Dường Cắm Hếnh. Từ một chàng trai nói tiếng phổ thông còn chưa rõ, cái gì cũng mới, cũng lạ, trải qua đào tạo, huấn luyện trong quân ngũ, anh Hếnh trở về bản với khát khao, nhất định phải làm gì đó cho quê hương.
Thấy được những lợi thế của địa phương cùng sự hỗ trợ của huyện, anh Hếnh cùng với một số người bạn đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi...).
![]() |
Mô hình nuôi cá nước lạnh được nhân rộng tại Bình Liêu. (Ảnh TL). |
Sau nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá nước lạnh, anh Hếnh đã có 12 ao nuôi cá tầm, cá hồi các loại, mỗi năm thu về từ 10-12 tấn cá thương phẩm. “Thịt cá tầm thuộc loại đặc sản, thơm ngon, cá tầm thương phẩm có giá dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, trứng cá tầm đen là món ăn cao cấp thượng hạng được nhiều người ưa chuộng. Trong khi cá hồi Vân trên thị trường trong nước và quốc tế cũng là mặt hàng thực phẩm rất có giá trị” – Anh Dường Cắm Hếnh chia sẻ.
Cùng xuất phát từ thế mạnh sẵn có về điều kiện tự nhiên, có nguồn nước sạch, khí hậu trong lành, đất đai ít bị tác động bởi các loại hóa chất và tơi xốp, rất phù hợp để trồng rau củ sạch. Năm 2016, anh Hếnh đã đứng ra vận động các hộ gia đình trồng xen vụ hoặc tận dụng diện tích đất trồng lúa cho năng suất thấp để trồng củ cải.
Theo đó, anh trực tiếp đề xuất với Hội Nông dân xã thành lập một THT trồng và chế biến củ cải, huy động được 11 thành viên tham gia. Một năm, sản lượng củ cải thu hoạch đạt được trên 30 tấn củ tươi. Củ cải được trồng ở Khe Tiền cho củ to, nhiều nước, ngọt củ nên rất được ưa chuộng.
Mô hình nuôi cá nước lạnh đang mở ra hướng phát triển mới cho nhân dân trong xã Đồng Văn nói riêng và huyện Bình Liêu nói chung. Không chỉ mở ra triển vọng mới về nghề nuôi trồng thuỷ sản chất lượng cao, mô hình còn giúp địa phương thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch với những đặc sản ẩm thực mới lạ, những điểm tham quan hấp dẫn.
Để nâng cao năng suất trong chế biến, anh Hếnh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng xưởng chế biến củ cải có lò đốt, ống dẫn nhiệt và lò sấy, chủ động tìm tòi, đi tham quan, học tập kinh nghiệm chế biến rau củ của các địa phương khác, kết hợp với kinh nghiệm truyền thống của dân tộc mình. Củ cải khô do xưởng của anh chế biến hoàn toàn bằng thủ công, không có hóa chất bảo quản nên được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao. Hiện nay, sản phẩm củ cải tươi và khô của Dường Cắm Hếnh đã được bày bán tại các hội chợ sản phẩm OCOP của tỉnh, huyện.
Giúp bà con trong bản làm giàu
Để góp phần phát triển hơn mô hình sản xuất tập trung và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Cuối năm 2017, anh Hếnh đã đứng ra thành lập HTX Phú Nông hoạt động dựa trên dịch vụ mua bán và chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, chủ yếu là củ cải, hồi, quế, và chế biến chè thảo dược, thuốc tắm của dân tộc Dao thanh phán.
HTX cũng thu mua các sản phẩm nông, lâm nghiệp của các hộ dân ở địa phương khác ở xã Quảng Sơn, Quảng Lâm huyện Hải Hà... từng bước trở thành cầu nối liên kết giữa HTX với các hộ nông dân, tạo tâm lý ổn định cho nhân dân tích cực sản xuất..
Bên cạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp, anh Hếnh cũng đã học hỏi đầu tư, làm mô hình nhà nghỉ Homestay cho khách du lịch đến với Đồng Văn.
![]() |
Anh Hếnh cầm tay chỉ việc cho bà con trong bản. (Ảnh TL). |
"Tôi muốn thử sức trên nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, qua đó, không ngừng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đưa các mô hình sản xuất phát triển theo hướng quy mô, tập trung. Việc triển khai các mô hình kinh tế dù có hiệu quả hay thất bại đều cho mình những bài học kinh nghiệm quý giá, cũng như có thêm kiến thức nhằm định hướng, tư vấn cho người dân trong bản để họ tự giác phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống.", anh Hếnh nói.
Không chỉ gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế, anh Hếnh còn là tấm gương sáng trong vận động bà con thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, anh Hếnh tích cực vận động bà con nhân dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, ăn ở hợp vệ sinh, di chuyển chuồng trại ra xa nhà. Đặc biệt, anh đã vận động bà con nhân dân hiến hơn 1,5 ha đất để làm đường giao thông nông thôn.
Anh Hếnh còn vận động được nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo tích cực đăng ký thực hiện các mô hình, dự án hỗ trợ phát sản xuất thuộc chương trình NTM, chương trình 135... Đơn cử như mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê...để phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài ra, anh còn trực tiếp giúp đỡ 3 hộ nghèo bằng cách hỗ trợ mỗi hộ 15 con dê giống để có “vốn” ban đầu. Góp phần từng bước thay đổi đời sống của nhân dân trong bản về cả vật chất và tinh thần. Nhân dân trong bản không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Với những việc làm thiết thực đó, anh Hếnh được bà con tin tưởng. Từ đó, nhiều hộ gia đình đã tích cực thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và điều kiện thực tế của gia đình để áp dụng vào sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thanh Vân
Bài cuối: Những 'nút thắt' cần tháo gỡ