PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA DÂN TỘC TRÊN VÙNG 'SƠN CƯỚC' LỤC NGẠN
Theo UBND huyện Lục Ngạn, bên cạnh những mặt tích cực, tại những khu vực vùng cao của huyện, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, giữa các dân tộc chưa được thu hẹp, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo ở một số nơi còn thấp, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào còn hạn chế...
Nhiều hạn chế cần hóa giải
Du lịch cộng đồng đang là thế mạnh, mở ra hướng đi hiệu quả và bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lục Ngạn. Tuy nhiên, mô hình này cũng vẫn còn những hạn chế về việc đầu tư khai thác và chưa bài bản.
![]() |
Bên cạnh thuận lợi, vẫn còn tồn tại những điểm nghẽn cần giải quyết để phát triển kinh tế huyện Lục Ngạn. |
Ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho hay rào cản lớn nhất trong phát triển du lịch cộng đồng của huyện là hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất phục vụ du khách. Một số tuyến đường liên thôn, trục thôn chưa được cứng hóa, đi lại khó khăn.
Ở những xã có lợi thế phát triển du lịch cộng đồng, hội tụ nhiều nét văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc, như Quý Sơn, Tân Mộc... nhưng chưa có khu vực trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương, thiếu nhà lưu trú độc lập cho du khách nên phải ở ghép với chủ nhà.
Các HTX du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện dù đang hoạt động khá hiệu quả, tạo nên sức hút không nhỏ, song những nguồn lực hỗ trợ còn chưa tương xứng nên vẫn khó tạo nên sự bứt phá, gây tiếng vang đủ mạnh để trở thành những điểm đến không thể bỏ qua cho du khách.
Để khắc phục điều này, từ nay đến năm 2025, huyện Lục Ngạn huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng ở vùng cây ăn quả tại xã Tân Mộc và Quý Sơn.
Cụ thể, huyện chọn thôn Hoa Quảng, xã Tân Mộc để đầu tư xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng vùng cây ăn quả. Bằng các nguồn lực, huyện sẽ đầu tư gần 15 tỷ đồng để cứng hóa đường giao thông liên thôn từ Hoa Quảng đi Đồng Quýt…
Không chỉ với mô hình du lịch cộng đồng, việc phát triển sản xuất trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, chủ yếu là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cũng còn những tồn tại, đặc biệt là việc thay đổi những thói quen sản xuất lạc hậu, loại bỏ những hủ tục.
Những giải pháp cụ thể
Trước những khó khăn còn tồn tại, với phương châm đầu tư có trọng điểm, tránh dàn trải, nhỏ lẻ, ưu tiên hỗ trợ cho các vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Lục Ngạn đã và đang chủ động xây dựng kế hoạch, phân bổ nguồn vốn hỗ trợ phù hợp tình hình thực tế mỗi địa phương.
![]() |
Để hóa giải những điểm nghẽn, chính quyền địa phương cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn. |
Thực tế, từ năm 2016 đến nay huyện Lục Ngạn đã đầu tư trên 118 tỷ đồng từ các chương trình hỗ trợ để thực hiện hàng trăm công trình tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Các nguồn lực cơ bản phát huy hiệu quả tích cực.
Đơn cử như tại HTX cây ăn quả Lục Ngạn (xã Tân Quang), nhờ sự đồng hành của địa phương, HTX đã hoạt động ổn định, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, trong đó có nhiều người là dân tộc thiểu số.
Ông Trần Đăng Vinh - Giám đốc HTX, cho biết đến nay, HTX có 22 hộ thành viên, tổng diện tích trồng cam, bưởi đạt trên 50 ha.
Không chỉ nâng cao giá trị kinh tế, HTX thường xuyên tổ chức họp mặt để nâng cao tinh thần đoàn kết, giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc, an ninh trật tự tại địa phương.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung cao độ cho công tác tuyên truyền, hỗ trợ vốn tín dụng với việc đào tạo, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, khuyến nông, lâm, ngư, dạy nghề, tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo phát triển sản xuất, ổn định thu nhập, tiến đến xóa đói giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Hưng Nguyên