Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 2 vừa qua tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 833 nghìn tỷ đồng, tăng 14,86% so với cùng kỳ năm trước. Số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 691,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16,38% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 530 nghìn tỷ đồng, tăng 14,09% so với cùng kỳ năm 2022.
Về doanh thu phí bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, trong 2 tháng đầu năm đạt 35,4 nghìn tỷ đồng. Mặc dù cơ quan này không công bố con số doanh thu phí khai thác mới, nhưng nhìn vào tổng doanh thu phí 2 tháng đầu năm có thể thấy hoạt động khai thác mới đang chậm lại đáng kể.
Doanh thu phí bảo hiểm, 2 tháng đầu năm đạt 35,4 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 6,6% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với con số tăng trưởng 15,8% trong năm ngoái. |
Năm ngoái, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 2 tháng đầu ước đạt 33.210 tỷ đồng. Như vậy, con số doanh thu phí 2 tháng đầu năm này chỉ tăng khoảng 6,6% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với con số tăng trưởng 15,8% trong năm ngoái. Về chi trả quyền lợi bảo hiểm, ước tính của Bộ Tài chính đạt 10,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16,13% so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian qua, thị trường bảo hiểm gặp khó khăn sau “lùm xùm” liên quan đến hoạt động phân phối qua ngân hàng. Theo đó, hàng loạt người dân phản ánh hiện tượng một số tổ chức tín dụng “ép” khách hàng mua bảo hiểm, thông qua việc tư vấn cho họ chuyển từ gửi tiết kiệm sang hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hoặc tăng lãi suất/“ép” khách hàng tất toán khoản vay nếu khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm. Đi kèm với đó là việc nhân viên ngân hàng cung cấp các thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Tài chính đã lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tiến hành thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xử lý và chuyển đơn tố cáo của người dân tới cơ quan điều tra của Bộ Công an.
Bộ Tài chính cho biết Bộ đã thực hiện thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm và đang trong quá trình hoàn thiện kết luận.
Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý cần có những động thái mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để lập lại trật tự trên thị trường bảo hiểm nói chung, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng nói riêng.
Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, hiện tại, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đang trình cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với nội dung của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 cũng như các văn bản hướng dẫn luật liên quan.
Việc xử phạt bao gồm các hình thức phạt bằng tiền và các hình thức phạt bổ sung. Thậm chí, hình phạt bổ sung có thể sẽ là hình thức cấm hoặc ngừng kinh doanh có thời hạn nếu vi phạm nghiêm trọng.
Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho rằng: Hình phạt là một phần. Quan trọng nhất là nhận thức của doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại, làm sao để hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Thanh Hoa