Ông Đinh Duy Hùng - Phó Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam, cho biết tháng 2/2019, số người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên toàn quốc ước đạt trên 110 triệu người.
Trong đó, hơn 14,7 triệu người tham gia BHXH bắt buộc (tăng 200 nghìn người so với tháng 1/2019); gần 300 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện (tăng 15 nghìn người so với tháng 1/2019).
40 triệu lao động chưa tham gia
Sau 10 năm triển khai thực hiện đến nay số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn thấp, chỉ chiếm gần 1% trong tổng số khoảng 35 triệu lao động khu vực phi chính thức - đối tượng chính của BHXH tự nguyện.
Chưa kể, những năm gần đây, số người xin hưởng trợ cấp BHXH một lần tiếp tục gia tăng, bình quân mỗi năm hơn 600.000 người rời khỏi hệ thống BHXH.
Ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết cả nước có 55 triệu người trong độ tuổi lao động, khoảng 40 triệu người chưa tham gia BHXH. Đây là cơ hội tốt để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện nhưng thực tế, số người tham gia loại hình này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Để hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, ngoài phương án phối hợp với bưu điện, BHXH các tỉnh, thành phố cần chủ động phối hợp với các tổ chức, cá nhân làm đại lý thu.
Ông Liệu cho rằng cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, tập trung vào nhóm đối tượng là nông dân, lao động khu vực phi chính thức, phát huy vai trò của những tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư để vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, ngành BHXH tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, chi trả các chế độ BHXH, BHTN qua tổ chức dịch vụ công ích của Nhà nước nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và thuận lợi cho người dân, tăng cường quản lý chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, chi trả trợ cấp BHTN; đẩy mạnh thực hiện giám định điện tử tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác quản lý mua sắm, sử dụng và thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế đổi, sử dụng hiệu quả quỹ khám chữa bệnh BHYT và bảo đảm tốt nhất quyền lợi người tham gia BHYT.
Cùng với đó, các đơn vị cần tập trung khai thác triệt để dữ liệu từ cơ quan thuế để đưa ra các giải pháp quản lý tốt hơn nhằm phát triển số người tham gia BHXH bắt buộc. Trong đó, BHXH cũng sẽ áp dụng nhiều biện pháp mạnh với DN trốn đóng BHXH.
Cần xử lý mạnh tay với DN trốn đóng BHXH cho NLĐ |
Nhiều giải pháp
Cụ thể, mới đây, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 530/ BHXH-BT về việc rà soát, khai thác, phát triển số người tham gia BHXH thông qua dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp.
Trong đó, đối với phòng/tổ khai thác và thu nợ, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp, gửi thông báo về việc đóng BHXH và đôn đốc DN đăng ký tham gia BHXH đầy đủ cho người lao động bằng thư đảm bảo theo địa chỉ cơ quan thuế cung cấp.
Sau khi kết thúc thời gian yêu cầu DN đăng ký tham gia đóng BHXH, nếu DN vẫn không thực hiện, trong thời hạn 5 ngày tiếp theo đề nghị các cơ quan liên quan như công an tỉnh/huyện, thuế, kế hoạch đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về lao độ ng, đại diện UBND xã, phường, thị trấn nơi DN đóng trụ sở để phối hợp mời DN đến cơ quan BHXH làm việc, yêu cầu lập hồ sơ đăng ký tham gia đóng BHXH theo quy định....
Bên cạnh đó, đối với BHXH tỉnh, thành phố, chậm nhất đến ngày 31/12/2019 cần hoàn thành việc rà soát, khai thác, phát triển số người tham gia BHXH thông qua dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp, thanh tra đối với DN trốn đóng và các DN đóng không đủ số người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH nhưng trốn đóng từ năm 2019 trở về trước.
Thy Lê