Theo BHXH Việt Nam, ước tính trong năm 2018, số người tham gia BHXH trong cả nước đã đạt trên 14,7 triệu người, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt trên 12,6 triệu người, chiếm khoảng 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ BHYT tiếp tục có sự tăng trưởng và đã đạt độ bao phủ 88,5% dân số với trên 83,5 triệu người tham gia BHYT, vượt 3,3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Nợ đọng giảm mạnh
Cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, số thu về quỹ BHXH, quỹ BHYT cũng không ngừng gia tăng với tổng số thu ước đạt trên 332.000 tỷ đồng, đạt 100,4% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số nợ giảm mạnh so với năm 2017, đạt mức thấp nhất từ trước đến nay, bằng 1,7% số phải thu.
Ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết công tác mở rộng đối tượng tham gia, giảm nợ đọng được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp, như: Đẩy mạnh công tác truyền thông vận động tới từng đối tượng cụ thể; tiếp tục mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình qua hệ thống bưu điện, bảo hiểm PVI…; phối hợp với các ngành Công an, Thanh tra, LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động… thanh tra, kiểm tra; trong đó, tăng cường công tác thanh tra đột xuất và công bố công khai những đơn vị, DN vi phạm pháp luật BHXH, BHYT.
Vì vậy, quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT luôn được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật với trên 177 triệu lượt người được chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT; 122.843 người hưởng BHXH hàng tháng; 810.033 người hưởng trợ cấp một lần; 9.750.393 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 768.739 người hưởng chế độ BHTN; 37.743 người hưởng hỗ trợ học nghề…
Đặc biệt, chính sách BHXH, BHYT đã bảo đảm cuộc sống, sức khỏe cho gần 3,1 triệu người hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hàng tháng.
"Những con số này cho thấy các vấn đề của BHXH, BHYT đang ngày càng trở nên thiết thực với mỗi người, mỗi nhà", ông Ánh nhấn mạnh.
Gần 3,1 triệu người đang hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hàng tháng |
3,1 triệu người hưởng BHXH
Cùng với đó, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cũng mang lại nhiều quyền lợi hơn cho người tham gia: Luật BHXH 2014 chính thức có hiệu lực từ năm 2016, tuy nhiên, một số nội dung được thực hiện từ năm 2018.
Đó là các quy định về thực hiện BHXH bắt buộc với lao động hợp đồng 1 – 3 tháng, hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện với các mức theo quy định: 30% mức đóng (theo chuẩn nghèo đa chiều) với nhóm thuộc hộ gia đình nghèo; 20% mức đóng với nhóm thuộc hộ cận nghèo; 10% mức đóng với nhóm khác.
Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được duy trì thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo ba hình thức: Qua bộ phận "Một cửa" tại trụ sở cơ quan BHXH, qua giao dịch điện tử và qua dịch vụ bưu chính công ích. Qua đó, đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN, người lao động khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH.
Hệ thống công nghệ thông tin của BHXH được triển khai từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố, 709 huyện và tất cả các cơ sở y tế; triển khai thực hiện giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện có 19 dịch vụ với tổng số hồ sơ điện tử được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến là 47,72 triệu hồ sơ.
BHXH Việt Nam cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, chi trả các chế độ BHXH, BHTN qua tổ chức dịch vụ công ích của Nhà nước; đẩy mạnh thực hiện giám định điện tử tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh BHYT; tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác quản lý mua sắm, sử dụng và thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế, sử dụng hiệu quả quỹ khám chữa bệnh BHYT và bảo đảm tốt nhất quyền lợi người tham gia BHYT.
Thy Lê