Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm ước đạt 109,1 nghìn tỉ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 38,8 nghìn tỉ đồng, tăng 11,2%; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 70,2 nghìn tỉ đồng, giảm 10,5%.
Còn theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hiện nay, Việt Nam ghi nhận hơn 11,7 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực, chiếm khoảng 10% dân số. Trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ này là 70-80% dân số, còn số lượng hợp đồng trên đầu người lên tới 150-200% ở một số quốc gia.
Nửa đầu năm 2024, tổng tài sản toàn ngành đạt gần 819.600 tỉ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư vào nền kinh tế xấp xỉ 721.300 tỉ đồng (+10%). Tổng số tiền chi trả quyền lợi gần 30.100 tỉ đồng (+35%).
Doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ trong 6 tháng đầu năm ước đạt 70,2 nghìn tỉ đồng, giảm 10,5%. |
Bảo hiểm nhân thọ vốn là "phao cứu sinh" về tài chính cho nhiều gia đình, khi được tư vấn đúng và đủ. Tuy nhiên, hơn hai năm trở lại đây, ngành này xảy ra khủng hoảng niềm tin trầm trọng lớn nhất lịch sử.
Trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, top 5 "ông lớn" dẫn đầu về tổng doanh thu phí là: Bảo Việt nhân thọ, Manulife, Prudential, Dai-ichi và AIA. Manulife là doanh nghiệp gặp nhiều "sóng gió" liên quan đến kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng trong những năm gần đây, đặc biệt sự vụ với SCB.
Những tháng đầu năm nay, doanh số lĩnh vực này giảm trên 30%, sau giai đoạn dài tăng trưởng hai chữ số.
Bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam, cho rằng ngành bảo hiểm đang đứng trước những thách thức về sự thanh lọc và điều này là không tránh khỏi. "Bất kỳ thị trường non trẻ nào, không riêng Việt Nam, cũng phải đi qua giai đoạn khó khăn, để thay đổi hướng đi một cách đúng đắn và mạnh mẽ hơn", bà Tina Nguyễn nhấn mạnh.
Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cũng thừa nhận thị trường đã phát triển nhanh và cần thanh lọc để đi đúng hướng. Doanh số trong ngắn hạn bị ảnh hưởng nhưng về dài hạn, niềm tin của người dân sẽ quay trở lại.
Theo các doanh nghiệp và chuyên gia bảo hiểm, một trong những thanh lọc mạnh mẽ nhất để mang lại niềm tin cho người dân đó là thanh lọc về đội ngũ nhân viên bán hàng và phát triển dài hạn. Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (IAV) dự báo: “So với con số 700.000 đại lý bảo hiểm trước đây, có lẽ tới đây giảm xuống còn khoảng vài ba trăm ngàn. Những người không xứng đáng phải ra đi. Những người muốn trụ lại với nghề phải đào tạo về trình độ, đạo đức nghề nghiệp”.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, một năm qua, doanh nghiệp chủ động thay đổi để đáp ứng hàng loạt quy định mới ban hành, đồng thời tìm cách lấy lại niềm tin của khách hàng như có nhiều hình thức đào tạo, chấn chỉnh cách tuyển dụng đại lý để tăng chất lượng. Doanh nghiệp đã áp dụng các quy trình mới để đảm bảo 100% khách hàng được tư vấn đầy đủ, chính xác trước khi tham gia.
"Chúng tôi học được nhiều bài học và sẽ dùng nó để trở nên mạnh mẽ, khiến khách hàng tin tưởng hơn về sự minh bạch, chuyên nghiệp", bà Tina Nguyễn cho hay. Đồng thời, bà khẳng định với tư vấn viên phải giỏi, chỉn chu, chuyên nghiệp mới trụ được với nghề này chứ không còn xảy ra tình trạng "đi vào, đi ra liên tục" như trước đây.
Để kiểm soát thị trường, củng cố niềm tin cho người dân, vào đầu năm vừa qua, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) chính thức có hiệu lực.
Sau đó, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư 67, cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau giải ngân 60 ngày. Đại lý bảo hiểm phải ghi âm một số nội dung trong quá trình tư vấn. Phía công ty bảo hiểm lưu trữ và bảo mật các tài liệu, dữ liệu ghi âm ít nhất 5 năm.
Từ đầu tháng 7 này, đối với sản phẩm bảo hiểm đầu tư, hoa hồng chi trả cho đại lý chính thức áp mức thay đổi. Năm đầu tiên giảm xuống còn 30%, năm thứ hai giảm xuống mốc 20%, nhiều năm tiếp theo giữ mức 10%. Điều này góp phần tránh trường hợp đại lý nhảy vào bán vài hợp đồng rồi bỏ khách hàng "mồ côi".
Theo ông Ngô Trung Dũng, quy định mới của Luật rất chặt chẽ, ban đầu có thể gây khó cho doanh nghiệp, nhưng bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm, tạo đà tăng trưởng về sau. “Năm nay, sự thay đổi quan trọng nhất là doanh nghiệp bảo hiểm đã "làm thật, sửa đổi quy trình thay vì "làm màu" như vài năm trước. Sau giai đoạn thách thức, tôi kỳ vọng người dân nhìn thấy được những điểm tích cực khi doanh nghiệp chủ động nâng cấp sản phẩm, quy trình nghiệp vụ", ông Dũng nói.
Thanh Hoa