Một số doanh nghiệp bảo hiểm bắt đầu công bố thông tin về việc bồi thường thiệt hại đối với các khách hàng là nạn nhân của cơn bão số 3 (Yagi).
Theo thông tin từ BIC, tính đến sáng ngày 10/9, BIC đã ghi nhận gần 500 vụ tổn thất, trong đó có 16 vụ tổn thất về bảo hiểm hàng hải, hơn 250 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hơn 180 vụ tổn thất bảo hiểm xe cơ giới. Tổng số tiền bồi thường ước tính gần 200 tỷ đồng. Số liệu thiệt hại đang được BIC tiếp tục cập nhật.
Trong khi đó, tính đến sáng ngày 9/9, Bảo hiểm PVI đã ghi nhận 210 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước số tiền bồi thường là 320 tỷ đồng (chưa kể tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người).
Nhiều công ty bảo hiểm đang tất bật thực hiện các thủ tục để chi trả quyền lợi bồi thường cho những khách hàng bị thiệt hại do bão Yagi. |
Thông tin sơ bộ từ BSH cũng cho thấy, tính đến đầu giờ chiều ngày 9/9, Công ty đã ghi nhận gần 100 vụ tổn thất về tài sản - kỹ thuật - hàng hải; 250 vụ tổn thất về xe cơ giới; nghiệp vụ bảo hiểm con người ghi nhận 6 trường hợp mất tích, 1 trường hợp tử vong.
Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, AIA Việt Nam vừa có báo cáo nhanh về việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Theo đó, tính đến chiều ngày 9/9, AIA Việt Nam ghi nhận có 5 khách hàng đã tử vong, trong đó có 4 khách hàng tại Hải Dương và 1 khách hàng tại Quảng Ninh. Tổng quyền lợi bảo hiểm của 5 khách hàng này tại AIA Việt Nam là khoảng 6,5 tỷ đồng. Sau khi xác nhận bước đầu, Công ty chấp thuận chi trả cho toàn bộ các khách hàng này.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đang cung cấp đa dạng các chương trình bảo hiểm con người và bảo hiểm tài sản (bảo hiểm xe ô tô, bảo hiểm nhà tư nhân và các loại hình bảo hiểm khác).
Theo đó, quyền lợi bảo hiểm của khách hàng sẽ được xác định theo các điều khoản cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm đã ký kết.
Trên thực thế, bão số 3 đã qua đi, tuy nhiên, hoàn lưu của bão đang gây mưa lớn tại nhiều địa phương khiến tình hình mưa, lũ, sạt lở, vỡ đê… nghiêm trọng tại nhiều địa phương phía Bắc, trong đó có cả vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ). Do vậy, con số thương vong về người và tổn thất về tài sản dự báo còn tiếp tục gia tăng. Theo đại diện một số doanh nghiệp bảo hiểm, các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục nỗ lực để phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị và khách hàng để hỗ trợ khách hàng của mình trong công tác chi trả bồi thường, nhằm sớm ổn định sản xuất, kinh doanh cũng như cuộc sống.
Bão số Yagi đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Sau khi bão qua đi, hoàn lưu bão đã và đang tiếp tục gây ra mưa lớn, nguy cơ lũ quét và sạt lở ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Điều này cũng đã khiến nhiều khách hành của các công ty bảo hiểm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại do cơn bão gây ra, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng đã có công văn đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật.
Thanh Hoa