Để bạn đọc hiểu rõ hơn BHXHTN, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Lộc - Quyền Giám đốc BHXH Hải Phòng.
Bà Nguyễn Thị Lộc - Quyền Giám đốc BHXH Hải Phòng. |
Thực hiện Kế hoạch 1506/ KHLT-BHXH-BĐVN ngày 15/5/2020 của BHXH Việt Nam và Bưu điện Việt Nam, ngày 23/5/2020, BHXH Hải Phòng phối hợp với Bưu điện TP Hải Phòng tổ chức Lễ ra quân tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXHTN tại TP Hải Phòng. Bà có thể cho biết mục đích, ý nghĩa của việc triển khai loại hình BHXH này?
- Theo quan điểm chỉ đạo và mục tiêu tại Nghị quyết số 28/-NQ-TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, BHXH là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ xã hội, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm ổn định đời sống chính trị xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước. Phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, huy động các nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc; hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH; kết hợp nguyên tắc đóng hưởng; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Trong đó, BHXH là sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH.
Theo quy định của Luật BHXH hiện hành, BHXHTN là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
BHXH và Bưu điện TP Hải Phòng triển khai BHXHTN ngày 23/5/2020 |
Bà có thể thông tin cự thể về độ tuổi tham gia BHXHTN và thời gian tham gia BHXHTN, các chế độ BHXH được hưởng?
- Theo quy định của Luật BHXH hiện hành, người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên.
Người tham gia BHXHTN để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Người tham gia BHXHTN đủ 55 tuổi đối với nữ, đủ 60 tuổi đối với nam có từ đủ 20 năm tham gia trở lên được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng.
Nhiều người chưa hiểu về phương pháp đóng BHXHTN và Nhà nước có hỗ trợ gì không?
- Người tham gia BHXHTN có thể lựa chọn phương thức đóng, nếu đóng hằng tháng thì đóng ngay trong tháng. Nếu đóng 3 tháng một lần thì đóng trong vòng 3 tháng. Nếu đóng 6 tháng một lần thì đóng trong 4 tháng đầu. Còn nếu đóng 12 tháng một lần thì đóng trong 7 tháng đầu. Người tham gia BHXHTN có thể đóng một lần cho những năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần.
Căn cứ vào thu nhập của mình, người tham gia có thể lựa chọn mức đóng cho phù hợp, mức thấp nhất là 700.000 đồng - bằng chuẩn nghèo do Nhà nước quy định.
Tỷ lệ đóng bằng 22% mức thu nhập (ví dụ: người tham gia lựa chọn đóng mức bằng 700.000 đồng, thì một tháng đóng là: 700.000 đ*22% = 154.000 đồng, chưa trừ phần hỗ trợ đóng của Nhà nước). 700.000 đồng là căn cứ để tính hưởng lương hưu khi đủ điều kiện.
Nhà nước hỗ trợ cho người tham gia BHXHTN như sau: Người nghèo được hỗ trợ 30% mức chuẩn nghèo một tháng; Người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 25% mức chuẩn nghèo một tháng; Người thuộc đối tượng khác được hỗ trợ 10% mức chuẩn nghèo một tháng.
Như vậy, người thuộc hộ nghèo tham gia BHXHTN được Nhà nước hỗ trợ 46.200 đồng/tháng; người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHXHTN được hỗ trợ 38.500 đồng/tháng; người tham gia BHXHTN không thuộc hai đối tượng này được hỗ trợ 15.400 đồng/tháng.
Ra quân tuyên truyền BHXHTN |
Có nhiều bạn đọc hỏi: Nếu đang đóng BHXHTN mà vì lý do nào đó phải dừng lại sau nhiều năm lại đóng tiếp, hoặc đã đóng BHXH bắt buộc sau đó dừng lại rồi lại tham gia BHXHTN, cán bộ bảo hiểm và người tham gia sẽ thực hiện thế nào?
- Người tham gia BHXHTN lần đầu được cấp sổ BHXH để ghi nhận thời gian đóng BHXH, làm cơ sở hưởng chế độ BHXH sau này.
Trường hợp người tham gia BHXHTN nếu đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đã được cấp sổ BHXH thì được dùng số sổ BHXH bắt buộc để tham gia tiếp BHXHTN. Thời gian tham gia BHXHTN được cộng dồn với thời gian tham gia BHXH bắt buộc để tính hưởng chế độ hưu trí sau này.
Trường hợp tham gia BHXH tự nguyện đã được cấp sổ BHXH, sau đó tạm dừng không tham gia, khi tiếp tục tham gia BHXH (kể cả tự nguyện hoặc bắt buộc) được dùng sổ BHXH đó để tiếp tục tham gia BHXH.
Để được tiếp tục tham gia BHXHTN, người tham gia có thể liên hệ với cơ quan BHXH nơi cư trú hoặc Đại lý thu thuộc xã, phường hoặc đại lý thu của Bưu điện để được hướng dẫn giải quyết.
Bà có thể nói rõ hơn về thủ tục tham gia BHXHTN và giải quyết các chế độ hưu trí, BHXH một lần, tử tuất?
- Để tham gia BHXHTN, người tham gia chỉ cần kê khai theo Mẫu TK1-TS do cơ quan BHXH (hoặc đại lý thu) cung cấp.
Về giải quyết chế độ hưu trí: để giải quyết chế độ hưu trí, người tham gia BHXHTN phải có đủ điều kiện như sau: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; Sổ BHXH có ghi nhận quá trình tham gia BHXH đủ 20 năm trở lên; Lập đơn theo mẫu số 14-HSB; Nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH nơi cư trú để được giải quyết.
Về giải quyết chế độ một lần: Sau 1 năm không tiếp tục tham gia BHXHTN, người tham gia có thể đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần, thủ tục gồm: Đơn theo mẫu số 14-HSB (do cơ quan BHXH cung cấp), sổ BHXH; Nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH nơi cư trú.
Đối với chế độ tử tuất: Khi người tham gia BHXHTN mà chết, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất, thủ tục đề nghị giải quyết hưởng chế độ tử tuất gồm: Tờ khai của thân nhân người chết (mẫu số 09A-HSB); bản sao giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc trích lục khai tử hoặc quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án; sổ BHXH; Nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH nơi cư trú.
Xin cảm ơn bà!
Vũ Trang (thực hiện)