Đồ Sơn 11h ngày 7/9
Một số Bộ trưởng và Thứ trưởng đã được điều đến các tỉnh, thành phố ven biển, đặc biệt là những khu vực dễ bị ảnh hưởng, để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống bão. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã triển khai lực lượng sẵn sàng ứng trực và hỗ trợ người dân trong việc đối phó với bão.
Đến 11 giờ sáng ngày 7/9, ngư dân ở Đồ Sơn và Cát Bà đã ghi nhận tình hình: Do mực nước xuống thấp, bão di chuyển với tốc độ chậm khoảng 16-17km/h; cường độ gió đạt khoảng 150km/h và giật lên đến cấp 17.
Đồ Sơn 12h ngày 7/9.
Lực lượng chức năng Đồ Sơn đang khẩn trương xử lý, khắc phục sự cố trước khi bão số 3 đang tiến vào bờ biển. |
Trước khi bão ập đến, hơn 100 tàu thuyền đã được đưa vào bờ tại âu cảng Bạch Long Vĩ và được neo buộc, chằng chống kỹ càng để đảm bảo an toàn. Ngư dân trên các tàu thuyền cũng như người dân sống gần bờ kè đảo Bạch Long Vĩ đã được di dời đến nhà đa năng của huyện để tránh trú.
Chính quyền địa phương cùng các ban, ngành ở huyện Bạch Long Vĩ đã hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, kho bãi và bảo vệ an toàn cho vật nuôi, cũng như các loại rau màu.
Bộ chỉ huy tiền phương họp cập nhật liên tục thực trạng bão, đưa ra quyết sách kịp thời xử lý chống bão.
Theo ghi nhận của phóng viên Vnbusiness vào sáng nay (7/9) tại Đồ Sơn, gió mạnh đã quật ngã một cây cổ thụ ở khu vực sân vận động phường Hợp Đức. Lực lượng chức năng và Tổ công tác ứng trực bão của phường cùng quận Đồ Sơn đã nhanh chóng tập trung để khắc phục hậu quả, nhằm mở lại đường đi cho khu vực bị ảnh hưởng.
Lệnh cấm lưu thông qua cầu Bính, Hoành Văn Thụ (Hải Phòng) trong bão số 3 được áp dụng từ 10 giờ ngày 7/9. |
Từ 10 giờ sáng nay, các cầu Bính, Hoàng Văn Thụ và Lạch Huyện tại trung tâm thành phố Hải Phòng đã được cấm lưu thông để đảm bảo an toàn cho người dân trước bão số 3. Lực lượng chức năng đã được triển khai tại các điểm dẫn lên cầu để ngăn chặn người dân di chuyển bằng xe máy và xe đạp qua cầu, nhằm tránh nguy cơ rủi ro cao.
Ở Quảng Ninh, vào cuối buổi sáng nay, khoảng 40% diện tích tỉnh đã xảy ra mất điện do ảnh hưởng của bão. Đặc biệt, huyện đảo Cô Tô đã bị mất điện hoàn toàn. Công ty Điện lực Quảng Ninh cho biết nguyên nhân mất điện là do gió to và mưa lớn từ bão làm cây cối gãy đổ vào đường dây và cột điện, cũng như sự cố trên đường dây 110kV.
Hiện Công ty Điện lực Quảng Ninh đang tích cực theo dõi tình hình để triển khai các biện pháp khắc phục ngay khi bão qua đi, đảm bảo cấp điện trở lại cho người dân một cách nhanh chóng.
Nhiều ki-ôt lều quán ở huyện đảo Cô Tô bị gió thổi bay. |
Cường độ gió trên đảo Cô Tô làm rung chuyển cả xe ô tô 1,6 tấn. |
Nhiều mái tôn nhà dân, nhà nghỉ lưu trú trên đảo Cô Tô bị hất văng. |
Tại Thái Bình, sáng nay ghi nhận mưa từ vừa đến to, có nơi mưa rất to cùng với gió giật mạnh lên đến cấp 9, cấp 10. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình đã ghi nhận mức gió này vào lúc 9 giờ ngày 7/9 và xếp mức độ rủi ro thiên tai ở cấp 3.
Theo báo cáo khẩn của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đã di dời an toàn toàn bộ số lao động tại các chòi canh và các khu vực ao đầm nuôi trồng thủy sản, hải sản trong và ngoài đê đến nơi an toàn.
Xử lý cây xanh gẫy đổ chắn ngang đường tại xã Thụy Bình, huyện Thái Thụy, Thái Bình. Ảnh: TT |
Các đồn biên phòng tại huyện Tiền Hải đã thiết lập liên lạc thành công với tất cả các phương tiện tàu, thuyền, đảm bảo 100% đã về nơi tránh trú an toàn. Cụ thể, có 483 phương tiện với 1.121 người lao động đã neo đậu tại các bến bờ trong tỉnh, và 18 phương tiện khác với 32 người lao động đã tìm nơi neo đậu tại các bến bờ ngoài tỉnh.
Trên địa bàn huyện còn có 102 nhà yếu, nơi 241 người đang sinh sống, và 234 hộ với 651 thành viên sinh sống ngoài đê quốc gia. Tất cả các hộ này đều đang tích cực chằng chống, củng cố nhà cửa và cam kết sẽ di dời đến nơi tránh trú an toàn trước khi bão đổ bộ.
Lực lượng phòng, chống thiên tai của địa phương cũng đã sẵn sàng với 100% quân số ứng trực, chuẩn bị đối phó với các tình huống khẩn cấp. Người dân địa phương cũng đã chủ động gia cố và bảo vệ nhà cửa để đối mặt với bão.
Công an Thái Thụy - Thái Bình giúp người dân chống bão số 3. |
Bão số 3 dự kiến sẽ gây lượng mưa lớn, đặt ra nguy cơ ngập úng, và ảnh hưởng trực tiếp tới ngành nông nghiệp. Hiện có khoảng 74.000ha diện tích lúa mùa của tỉnh đang trong các giai đoạn mang đòng, trỗ, chắc xanh, và gần 14.000ha cây rau màu, dược liệu, cây cảnh, cây ăn quả cũng bị đe dọa.
Để giảm thiểu tác hại của mưa bão, ngành nông nghiệp đề xuất các biện pháp cụ thể. Đối với những diện tích lúa đã chắc xanh nếu bị ngã do bão, nông dân cần dựng lại và buộc lúa để ngăn ngừa hạt lúa nảy mầm trên bông; đồng thời, phải tháo nước khỏi ruộng và phun thuốc để ngăn ngừa sâu bệnh, đặc biệt là bệnh khô vằn xuất hiện sau mưa lớn. Đối với lúa chưa trổ bông, cần tập trung tiêu nước để tránh tình trạng đòng lúa ngập sâu dẫn đến thối, ảnh hưởng đến năng suất.
Ngoài ra, các hoạt động gieo trồng cây màu cần tạm dừng và cần bảo quản tốt các cây giống ươm trong bầu, hạt giống cho đến khi thời tiết khô ráo để tiếp tục trồng. Đối với các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bởi bão, cần khẩn trương thu hoạch các diện tích đến kỳ thu hoạch; khoanh vùng và lập phương án xử lý nhanh, khởi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, nhằm đảm bảo nước tiêu thoát nhanh, gọn, giảm thiểu tình trạng ngập úng.
Đảo Cô Tô 9h ngày 7/9
Vũ Trang