Vấn đề mua bán sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) và giải pháp gì để ngăn chặn được nhiều Đại biểu Quốc hội nêu ra tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.
Đề xuất xử lý hình sự
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM nêu tình trạng so với quy mô dân số và lực lượng lao động của cả nước thì đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện còn thấp (gần 36% lực lượng lao động trong độ tuổi). Trong khi đó, số người lĩnh BHXH một lần tăng nhanh và vẫn còn tới hơn 31 triệu người trong độ tuổi lao động chưa tham gia BHXH.
![]() |
Hoạt động mua bán, thu gom sổ BHXH dưới bất kể hình thức nào đều là bất hợp pháp. |
Từ thực tế này, Đại biểu đề nghị cần tăng quyền lợi hưởng chế độ hưu trí, giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới chỉ còn 10 năm để được hưởng lương hưu. Việc này nhằm tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận và hưởng quyền lợi BHXH.
Đại biểu Lệ đề nghị kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi mua bán sổ BHXH, cần xử lý hình sự hành vi mua bán sổ BHXH để tạo tính răn đe.
Đối với BHXH tự nguyện, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị thay vì chỉ có 2 chế độ hưu trí và tử tuất như hiện nay, cần bổ sung các chế độ khác để tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện, giúp thu hút người tham gia. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Xung quanh việc hưởng BHXH một lần, Đại biểu đề nghị ngành BHXH có khảo sát để có tham mưu chính sách hợp lý về các điều kiện hưởng BHXH một lần sao cho phù hợp thực tiễn đời sống người lao động và đảm bảo an sinh xã hội trong tương lai.
Trong khi đó, trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhắc đến những nhiệm vụ căn cơ, mà việc đầu tiên là phải chăm lo cho đời sống người lao động. Bởi lẽ, đa phần người rút bảo hiểm xã hội một lần và “bán” sổ BHXH đều là công nhân lao động, người khó khăn, có hoàn cảnh éo le…
“Để giải quyết từ gốc phải nâng cao đời sống người lao động. Khi có đời sống tốt rồi thì chắc chắn không bao giờ họ “bán” sổ BHXH”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Cùng với đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường tuyên truyền để người lao động hiểu về sự cần thiết và lợi ích lâu dài của bảo hiểm xã hội, rằng "BHXH chính là khoản lương hưu của người lao động khi về già".
Kiên quyết xử lý hành vi vi phạm
Trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19, Đại biểu Nguyễn Duy Minh (TP. Đà Nẵng) kiến nghị, cần có hướng dẫn để giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động ở các tỉnh phía Nam về quê trong thời gian vừa qua.
“Khi họ quay lại làm việc thì thời gian tạm ngừng đóng BHXH phải xác định như thế nào và có thông tin tuyên truyền cụ thể, hạn chế tối đa các thủ tục để người tham gia BHXH bị ảnh hưởng về quyền lợi của mình, tránh nguy cơ bị lôi kéo, kích động vì số lượng người bị ảnh hưởng là rất lớn”, Đại biểu Minh phân tích.
Trong khi đó, theo chuyên gia Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Chính sách và phát triển truyền thông - IPS, quy định hiện hành không thừa nhận sổ BHXH như một tài sản, nhưng trên thực tế việc mua bán, cầm cố sổ vẫn diễn ra. Do đó, pháp luật nên xem xét sổ bảo hiểm như một tài sản giống như sổ đỏ nhà đất để công nhân có thể thế chấp khi cấp bách.
Theo ông Đồng, Ngân hàng Nhà nước có thể chủ trì để ngân hàng chính sách xã hội thí điểm một vài sản phẩm vay giải quyết khó khăn, tự tạo việc làm... bằng cách thế chấp bằng sổ bảo hiểm để công nhân lựa chọn. Việc này giúp họ có tiền nhưng vẫn bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm, đặc biệt không phải "bán lúa non" hay nhận BHXH một lần.
Thời gian qua, BHXH Việt Nam cũng thường xuyên thông tin để ngăn chặn tình trạng mua bán sổ. Cụ thể, hoạt động mua bán, thu gom sổ BHXH dưới bất kể hình thức nào đều là bất hợp pháp và bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường công tác truyền thông, cảnh báo đến người dân và kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.
Nhật Linh