Thời gian gần đây, hiện tượng chèo kéo công nhân bán sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) lại xuất hiện. Liên tục một tháng qua, trên những trang Facebook dành cho công nhân ở tỉnh Bình Dương, các bài viết mời chào công khai công nhân bán sổ BHXH xuất hiện dày đặc, như: nhận thanh lý sổ BHXH trước thời hạn, đóng BHXH từ 7 tháng trở lên và muốn bán sổ, trực tiếp giao dịch và nhận tiền tại phòng công chứng. Các đối tượng này còn công khai để lại số điện thoại để công nhân có nhu cầu liên hệ.
"Ép giá" mua sổ
Lợi dụng ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 khiến công nhân mất việc rơi vào hoàn cảnh khó khăn, một số đối tượng đã lập tài khoản Facebook giả mạo cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương nhằm thu mua sổ BHXH của người lao động.
Mua - bán sổ bảo hiểm xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. |
Anh Nguyễn Văn N. (công nhân ở khu công nghiệp Đồng An, Bình Dương) đã đóng bảo hiểm được gần 3 năm, do công ty phải thu hẹp sản xuất, hết đơn hàng, nên anh nằm trong danh sách bị cắt hợp đồng lao động. Bị mất việc, nhìn thấy thông tin mua sổ BHXH giá cao, anh N. đã liên hệ với người rao mua sổ BHXH trên mạng.
Đối tượng này yêu cầu anh N. chụp từng trang toàn bộ cuốn sổ BHXH rồi gửi qua Zalo để rà soát. Sau khi xem thông tin về sổ BHXH, người mua chỉ trả giá 3 triệu đồng vì anh N. mới nghỉ việc.
Theo ông Nguyễn Duy Hiểu, Phó Giám đốc BHXH Bình Dương, tình trạng mua - bán sổ BHXH đã diễn ra từ lâu. Nguyên nhân chính của tình trạng này là người lao động nghỉ việc được trả sổ BHXH và cần một khoản tiền mà chưa biết vay mượn ở đâu. Trong khi theo quy định hiện hành, phải sau một năm kể từ ngày nghỉ việc, người lao động mới có quyền đi đăng ký để hưởng BHXH một lần.
Với hàng loạt chiêu trò, các đối tượng này đã dụ dỗ người lao động, nhất là các trường hợp mượn hồ sơ người khác đi làm hoặc vì lý do nào đó chưa nhận trợ cấp một lần. Không ít người lao động do vướng bận công việc gia đình hoặc ngại khai báo lại khi phải điều chỉnh hồ sơ BHXH đã rơi vào "bẫy" của các "đầu nậu" thu gom sổ BHXH.
Ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài
Ngay sau khi BHXH tỉnh Bình Dương đề nghị điều tra làm rõ, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương và Công an TP. Hồ Chí Minh triệu tập, xử lý 2 đối tượng mạo danh cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương thu mua sổ BHXH của người lao động.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khuyến cáo, người lao động bán sổ BHXH cho những người thu gom trước mắt sẽ bị ép giá, bởi số tiền nhận được thấp hơn số tiền mà cơ quan BHXH chi trả. Hơn nữa, toàn bộ quá trình đóng BHXH của người lao động sẽ bị triệt tiêu. Sau này, nếu đi làm trở lại, người lao động sẽ phải tham gia BHXH từ đầu, ảnh hưởng đến quá trình nhận lương hưu. Do vậy, người lao động cần cảnh giác trước những lời mời chào mua bán sổ BHXH, bởi đến khi nhận ra thì bản thân đã bị thiệt thòi.
Quan trọng hơn, việc mua bán, thu gom sổ BHXH của người lao động để chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là hành vi bị cấm theo điều 17 Luật BHXH 2014. Vì vậy, ông Quảng cho rằng, các cơ quan chức năng cần phát hiện, xử lý các cá nhân cố tình thu gom sổ BHXH để ngăn ngừa hành vi trục lợi chính sách. Các cấp Công đoàn cần tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho người lao động để họ có thể bảo vệ quyền lợi lâu dài của bản thân.
Còn theo BHXH Việt Nam, hoạt động mua bán, thu gom sổ BHXH dưới bất kể hình thức nào đều là bất hợp pháp và bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) để xử lý, ngăn chặn các hoạt động này trên môi trường mạng. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường công tác truyền thông, cảnh báo đến người dân và kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.
Thy Lê