Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu diễn ra vào thời điểm đầy thách thức đối với các quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch.
Những nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới có thể được kể đến bao gồm: Thứ nhất, nhu cầu năng lượng thế giới phục hồi mạnh thời kỳ hậu COVID-19, đặc biệt là từ Trung Quốc. Thứ 2, sự phụ thuộc ngày càng tăng của châu Âu vào nguồn năng lượng khí tự nhiên. Thứ 3, tác động cung cầu năng lượng đẩy giá khí đốt và giá than tăng kỷ lục, khiến giá điện tăng mạnh. Thứ 4, tác động của cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine dự kiến sẽ có ảnh hưởng lên nhu cầu năng lượng trong dài hạn, và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo và ít carbon của toàn thế giới, điều này cũng gây sức ép lên cung cầu năng lượng.
Tại Việt Nam, mặc dù quá trình chuyển dịch năng lượng đã và đang đạt được những thành tựu đáng kể, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, đa dạng hoá các nguồn năng lượng sơ cấp, song những ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng năng lượng toàn cầu tới Việt Nam là không thể tránh khỏi.
Diễn đàn đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam" sẽ diễn ra vào lúc 13h00-17h00 ngày 20/9/2023. |
Được sự đồng ý của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức chương trình "Diễn đàn đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam". Chương trình hân hạnh có sự đồng hành của: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL)
Diễn đàn nhằm đưa ra góc nhìn tổng quan và dự báo các kịch bản biến động năng lượng trên thế giới, đồng thời phân tích, làm rõ tác động của khủng hoảng năng lượng đến tăng trưởng toàn cầu và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.
Tham dự "Diễn đàn đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam" dự kiến có gần 200 đại biểu đến từ các Bộ, Ban ngành; các Hội và Hiệp hội; các tổ chức trong nước và quốc tế; các trung tâm, viện nghiên cứu và các trường đại học; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân; các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương;...
N.B