Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường và sự xuống cấp theo thời gian tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn đập, hồ chứa nước; trước thực tế một số hồ đập trong nước và quốc tế đã xảy ra sự cố thời gian qua, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 22 về việc tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.
Cẩn trọng với hồ thủy lợi nhỏ
Chỉ thị này nêu rõ, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước được giao thành lập ngay các đoàn công tác phối hợp với các địa phương kiểm tra các đập, hồ chứa nước có quy mô lớn, các đập có nguy cơ mất an toàn, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách để bảo đảm an toàn. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án ứng phó trong mọi tình huống, bảo đảm an toàn cho đập và vùng hạ du.
Tại tọa đàm “Tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước”, diễn ra chiều 6/9, ông Đồng Văn Tự - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), cho biết hiện nay cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động. Trong đó, hơn 6.000 hồ chứa thủy lợi với 702 hồ chứa lớn, còn lại trên 5.000 hồ chứa vừa và nhỏ. Nhiều hồ chứa khai thác đã 40 - 50 năm.
Hiện nay, Chính phủ giao Bộ NN&PTNT quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; Bộ Công Thương quản lý an toàn hồ chứa thủy điện.
Ông Tự cho biết các đập, hồ thủy lợi đa phần xây dựng từ những năm 1970. Đối với hồ đập lớn được thiết kế thi công tương đối bảo đảm an toàn, tuy nhiên về khả năng chống lũ còn chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, trong hơn 700 hồ chứa thủy lợi lớn, cơ quan quản lý đã sửa được trên 600 hồ bảo đảm các yêu cầu, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Ở nhóm hồ đập nhỏ, đều xây dựng đã lâu, do cấp huyện quản lý. Trước đây, nhiều đơn vị xây dựng, thiếu kinh phí nên đến nay xuống cấp nhiều. Khoảng hơn 1.200 hồ chứa thủy lợi nhỏ chưa được sửa chữa nâng cấp.
Về các hồ chứa thủy điện, ông Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), cho biết các hồ đập thủy điện có tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 nước, chiếm 86% dung tích hồ chứa cả nước.
“Trước mùa mưa lũ, bao giờ Bộ Công Thương cũng có công tác kiểm tra. Trong 15 năm qua, công tác kiểm tra an toàn đập ngày càng hoàn thiện và phát huy hiệu quả. Quản lý hồ thủy điện với mục tiêu trước hết là bảo đảm an toàn công trình, vùng hạ du và cuối cùng mới là mục tiêu phát điện, tưới tiêu”, ông Thực khẳng định.
Bộ Công Thương khẳng định các công trình thủy điện vẫn bảo đảm an toàn |
Tránh tin vào thông tin thất thiệt
Thời gian gần đây, trước những nghi ngại về an toàn đập thủy điện, ông Tự dẫn chứng như thủy điện Hòa Bình đến nay đã khai thác gần 40 năm. Đối chiếu hiện nay, độ an toàn của công trình tương đương với các nước tiên tiến. Còn thủy điện Sơn La mới làm những năm gần đây; được thiết kế, xây dựng bởi các đơn vị đầu ngành.
Chưa kể, hàng năm để bảo đảm an toàn công trình, Chính phủ giao Bộ KH&CN làm chủ tịch hội đồng đánh giá an toàn đập thủy điện ở các công trình lớn như thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu... quyết định biện pháp sửa chữa nếu phát hiện thấy lỗi kỹ thuật.
“Trách nhiệm kiểm tra an toàn hồ đập được nêu rõ đối với từng bộ ngành”, ông Tự cho biết.
Trong thời gian tới, ông Tự mong muốn người dân cùng tham gia trong quản lý an toàn đập, hồ chứa. Trước hết, người dân góp phần bảo vệ đập, không gây ra những tác động ảnh hưởng tới an toàn đập, hạ du như trồng cây, xâm phạm hành lang thoát lũ... Kiến nghị lên cơ quan chức năng khi phát hiện đơn vị nào làm ảnh hưởng tới an toàn đập tại hạ du.
Đối với các hồ đập thủy lợi vừa và nhỏ chưa kịp thời sửa chữa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đặc biệt trong giai đoạn mưa lũ, người dân phải nâng cao năng lực phòng tránh. Các chủ đập thực nghiêm túc quy định của pháp luật bảo đảm an toàn cho đập, hạ du.
Theo ông Phạm Trọng Thực, vừa rồi có thông tin vỡ đập, sai sự thật về vận hành thủy điện. “Tôi muốn mượn câu nói của nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thái Phụng Nê “Vỡ đập, lo thì có lo nhưng đừng thái quá”. Mỗi công trình ra đời, công sức của tập thể kỹ sư rất lớn như đập thủy điện Hòa Bình được Liên Xô thiết kế, xây dựng, hệ số an toàn còn cao hơn tiêu chuẩn của Mỹ, tức là có hệ số dự phòng lớn. Cụ thể, nó có khả năng chống lũ lớn tới 60.000 m3/giây - tức cơn lũ không bao giờ có”, ông Thực nói.
Thậm chí, nếu tình huống xấu xảy ra - giả sử có vỡ đập, đại diện Bộ Công Thương mong người dân thực hiện theo đúng chỉ dẫn của cơ quan chức năng để hạn chế thiệt hại tới mức thấp nhất.
Thy Lê