Năm nay, bà Trần Thị Mạc (tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu, Sơn La) đã 56 tuổi, niềm vui luôn hiện rõ trên khuôn mặt của người phụ nữ vùng cao này vì trong khi nhiều người cùng lứa tuổi trong thôn vẫn lam lũ, bà Mạc đã có thể an nhàn do có lương hưu.
Niềm vui của bà con nông dân khi nhận lương hưu
Bà Mạc sinh năm 1966, đến năm 2021 vừa đủ tuổi nghỉ hưu. Vốn tham gia BHXH tự nguyện ngay từ những ngày đầu, nên “trái ngọt” đến sớm, sau khi bà quyết định đóng nốt một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu. “Với người làm nông nghiệp như chúng tôi, được hưởng lương hưu tưởng chỉ là mơ ước, thì nay đã thành hiện thực”, bà Mạc vui mừng chia sẻ.
Tham gia BHXH sẽ giúp bà con nông dân nhận được lương hưu khi về già. |
Cũng như bà Mạc, bà Hoàng Thị Tám (xã Tiên Du, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2008, đến cuối năm 2020 được hưởng chế độ hưu trí với mức lương 1.122.000 đồng/tháng. Đến giờ này, bà Tám vẫn không thể nào quên được cảm xúc khi đại diện BHXH huyện Phù Ninh đến tận nhà trao quyết định hưởng lương hưu và thẻ BHYT cho mình.
“Năm 2008, em gái tôi là giáo viên về bảo tôi tham gia. Lúc này, tôi vẫn chưa hiểu gì về BHXH, thấy em động viên thì tôi tham gia luôn…”- bà Tám nhớ lại. Có những thời điểm khó khăn, bà Tám dao động. Mỗi lần như vậy, bà đều được người thân động viên tiếp tục tham gia.
“Bố tôi nguyên là giáo viên nghỉ hưu bảo cứ nhìn bố đây, có lương hưu hàng tháng, nên chưa đứa con nào phải nuôi cả 2 ông bà. Dù trời có mưa nắng, có biến động thế nào thì cứ đến tháng là lĩnh lương hưu. Bố tôi khuyên nhủ vợ chồng tôi dù thế nào cũng phải cố gắng đóng góp để về già có lương hưu; nếu khó khăn quá thì để ông hỗ trợ. Nghe ông cụ khuyên nên vợ chồng tôi kiên trì đóng tiền hàng quý. Giờ đây gia đình tôi vui lắm” bà Tám chia sẻ.
Bà Tám chia sẻ thêm, từ khi có chế độ hưu trí, hàng tháng bà có khoản tiền lương cố định để làm chỗ dựa lúc về già. "Tôi xin cảm ơn chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước về BHXH. Tôi mong những người dân còn mơ hồ về BHXH tự nguyện hãy có cái nhìn đúng đắn, sớm tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu như tôi”, bà nhắn nhủ.
Đẩy mạnh truyền thông đến nông dân, thành viên hợp tác xã
Có thể thấy đối với bà con nông dân, trước đây câu chuyện về già nhận lương lưu là khá xa vời, nay giấc mơ có thể thực hiện trong "tầm tay". Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, đánh giá BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn, tạo điều kiện cho người dân phi chính thức được tham gia vào lưới an sinh để khi hết tuổi lao động có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Năm 2017 - trước thời điểm có Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28), số người tham gia BHXH tự nguyện là hơn 200 nghìn người. Từ khi Nghị quyết số 28 được ban hành số người tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng, kể cả trong tình hình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng toàn diện bởi dịch COVID-19.
Cụ thể, 2018 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 28- toàn quốc đạt trên 277.000 người tham gia, tăng hơn 52.900 người (23,6%) so với năm 2017. Năm 2019, con số này đã tăng lên gần 574.000 người, tăng 296.700 người (107,1%) so với năm 2018, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Và đến năm 2020, đã có trên 1,128 triệu người, tăng gấp 2 lần so với năm 2019, bằng cả 12 năm trước cộng lại, cao hơn 1,1% so với chỉ tiêu năm 2021 Nghị quyết số 28 đặt ra.
Độ bao phủ BHXH, BHYT liên tục tăng và mở rộng, tính đến hết ngày 30/4/2022 ước số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, tăng 152 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Từ những kết quả tích cực trên có thể thấy, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước cũng như sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị, cùng với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động toàn ngành BHXH Việt Nam, trong đó công tác truyền thông chính sách BHXH giữ một vai trò rất quan trọng, đã góp phần đưa chính sách BHXH tự nguyện thực sự đi vào cuộc sống.
Theo ông Đào Việt Ánh, công tác phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cũng ngày được mở rộng, phát huy hiệu quả quan trọng trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Hàng năm, ngành BHXH đã tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tư vấn, đối thoại... truyền thông về chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT. Trong đó, nhóm người truyền thông được hướng đến là nông dân, ngư dân, diêm dân, người lao động trong các làng nghề, thành viên hợp tác xã…
Đặc biệt, đối với khu vực hợp tác xã, thống kê cho thấy, đến cuối năm 2021, cả nước có trên 27.000 hợp tác xã, gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng khoảng 41% so với năm 2013; khu vực hợp tác xã thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động.
Cùng với việc có chính sách hỗ trợ người lao động trong khu vực hợp tác xã tham gia BHXH, Luật BHXH cũng đã quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó thành viên, người lao động thuộc hợp tác xã không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và được hưởng chính sách hỗ trợ này. Trong số đó, đã có rất nhiều bà con nông dân là thành viên của các hợp tác xã được tham gia đóng BHXH.
Điều này cho thấy BHXH, BHYT là hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia nhằm đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, ổn định cuộc sống Nhân dân, thể hiện tính nhân văn của Nhà nước ta, khi những người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức có thể nhận lương hưu, để đảm bảo cuộc sống khi về già.
Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các đợt truyền thông cao điểm gắn với phát triển người tham gia BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, trong đó tập trung truyền thông sâu rộng về những giá trị, lợi ích các chính sách đem đến cho người dân.
Thy Lê