Đây là khẳng định của Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khi làm việc với các đơn vị liên quan về việc tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm tạo đột phá trong hoạt động nghiệp vụ của ngành BHXH.
Tích hợp, liên thông các phần mềm
Theo BHXH Việt Nam, tính đến tháng 9/2020, cả nước đã có 844.741 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 70,43% kế hoạch và tăng 381.636 người so với cùng kỳ năm 2019. Tuy vậy, nhiệm vụ phát triển đối tượng trong 3 tháng cuối năm cũng khá nặng nề.
Giải đáp thắc mắc của người dân về chính sách BHXH, BHYT mọi lúc, mọi nơi. |
Theo ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Thu và Sổ thẻ (BHXH Việt Nam), mặc dù số người tham gia BHXH tự nguyện tăng, nhưng so với những tháng trước đây thì có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, thời điểm tháng 6 phát triển được trên 70.000 người tham gia, tháng 7 chỉ tăng 66.000 người so với tháng 6, tháng 8 tăng trên 48.000 người, tháng 9 nhỉnh hơn một chút so với tháng 8 nhưng cũng chỉ đạt 58.000 người.
Theo dự báo, nếu tốc độ phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện không cao, toàn ngành khó có thể hoàn thành được chỉ tiêu của năm 2020 là 1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Do đó, theo ông Hào, đây là vấn đề mà BHXH các địa phương cần phải đặc biệt lưu tâm, chủ động vào cuộc triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra.
Bên cạnh đẩy mạnh vận động, tuyên truyền, một trong những giải pháp hiệu quả nhất là làm sao để người dân thấy được lợi ích, thuận lợi khi tham gia và hưởng các chế độ BHXH, cũng như có thể giám sát được quá trình tham gia của mình.
Nắm được yêu cầu này, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT và đã xây dựng được các phần mềm nghiệp vụ bao phủ hầu hết các hoạt động của ngành.
Đặc biệt, từ năm 2019, BHXH Việt Nam đã tích hợp, liên thông các phần mềm nghiệp vụ nhằm kiểm tra, đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) với phần mềm xét duyệt hồ sơ hưởng và chi trả các chế độ BHXH, nên đã rút ngắn được thời gian giải quyết chế độ BHXH cho người lao động.
Ngoài ra, ngành cũng đã triển khai hệ thống chăm sóc khách hàng qua số hotline 19009068; hệ thống Chatbot hỗ trợ trả lời khách hàng tự động bằng trí tuệ nhân tạo, hay hệ thống tương tác đa phương tiện...
Bảo vệ lợi ích người tham gia
Đồng thời, việc triển khai ứng dụng CNTT để ngăn chặn các hành vi trục lợi quỹ BHYT được BHXH đẩy mạnh. Ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến cho biết, hiện nay, BHXH Việt Nam đã thực hiện liên thông, kết nối với 63 Sở Y tế (12.309 cơ sở y tế) trong cả nước và đã đưa Hệ thống giám định BHYT điện tử đi vào hoạt động, giúp kiểm soát được chi phí và nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT.
Đồng thời, giúp công tác cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh BHYT, hướng tới quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Cũng thông qua Hệ thống thông tin giám định BHYT giúp cơ quan BHXH phát hiện và công khai các trường hợp lạm dụng quỹ BHYT, như: Đi khám chữa bệnh nhiều lần, nhiều nơi trong ngày, thu dung người bệnh có thẻ BHYT để trục lợi… Từ đó, giúp BHXH các tỉnh, thành phố kịp thời kiểm tra, giám định lại các khoản chi BHYT, đồng thời giúp cơ sở khám chữa bệnh chủ động xem xét, chấn chỉnh công tác thống kê thanh toán và chỉ định sử dụng các dịch vụ y tế.
“Với các thông tin được cập nhật, công khai, minh bạch thường xuyên, nhiều cơ sở khám chữa bệnh đã có những chuyển biến tích cực trong chỉ định điều trị, góp phần tiết giảm các khoản chi không cần thiết, giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi khám chữa bệnh BHYT mỗi năm, góp phần đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ BHYT”, ông Đức cho biết.
Theo Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, ngành BHXH đang quản lý cơ sở dữ liệu rất lớn. Vì vậy, để khai thác hiệu quả nguồn cơ sở dữ liệu này, các đơn vị cần ứng dụng CNTT một cách linh hoạt.
“Với cơ sở dữ liệu của người dân tham gia BHXH, BHYT lớn thì đây là lợi thế của ngành. Nếu áp dụng công nghệ thông tin và phối hợp hiệu quả sẽ tìm ra được dư địa lớn những đối tượng tiềm năng chưa tham gia BHXH, BHYT”, ông Mạnh lưu ý.
Đối với công tác giám định BHYT, Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, toàn ngành cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT để có thể đưa ra các mức độ cảnh báo khác nhau. Tùy theo mức độ cảnh báo để có sự đôn đốc, giúp các cơ sở y tế điều chỉnh, nhằm giảm thiểu tối đa các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực BHYT.
Thy Lê