Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Cử tri phản ánh, hiện nay mức đóng BHXH bắt buộc quá cao (32%) và đề nghị nghiên cứu giảm mức đóng xuống 25%.
Doanh nghiệp muốn giảm mức đóng
Theo quy định hiện hành, tổng tỷ lệ đóng các loại bảo hiểm (BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) của người lao động và người sử dụng lao động là 32%. Trong đó, BHXH bắt buộc là 25,5% (người lao động 8%, người sử dụng lao động 17,5%), bảo hiểm y tế là 4,5% (người lao động 1,5%, người sử dụng lao động 3%), bảo hiểm thất nghiệp là 2% (người lao động 1%, người sử dụng lao động 1%).
Nhiều doanh nghiệp mong muốn giảm tỷ lệ đóng BHXH (Ảnh minh họa) |
Trước đó, trong góp ý vào Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động. Tuy nhiên, VCCI cũng đề xuất không nên tăng tỷ lệ đóng BHXH lên mức 27% mà giảm xuống còn 20% do lo ngại mức đóng cao hơn sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo quan điểm của VCCI, tỷ lệ đóng BHXH hiện nay là 17% đối với doanh nghiệp, cộng cả phần đóng của người lao động là 25%, cộng thêm các khoản bảo hiểm y tế và các khoản khác đã lên đến 32%.
Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực có tỷ lệ đóng BHXH thấp hơn nhiều, như Indonesia 10%, Philippines 8%, Thái Lan 5%. Điều này khiến cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước khó hơn, các đơn hàng sẽ ít đi và như vậy, việc làm, thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng.
Vì vậy, để nuôi dưỡng nguồn thu và phát triển BHXH, các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị giảm mức đóng của cả của doanh nghiệp và người lao động xuống còn khoảng 20%.
Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp không ít khó khăn như hiện nay việc hạn chế gia tăng chi phí cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Đặc biệt, khi nhân công giá rẻ không còn là lợi thế của Việt Nam và nhiều đối thủ cạnh tranh sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm cả chi phí về BHXH.
Trong văn bản góp ý dự thảo Luật BHXH sửa đổi, 8 hiệp hội doanh nghiệp gồm Dệt may, Da giày - Túi xách, Gỗ và Lâm sản, Nhựa, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Điện tử, Thực phẩm minh bạch và Mỹ nghệ - Chế biến gỗ TP HCM cho rằng tỷ lệ đóng BHXH của Việt Nam ở mức cao.
Phân tích hai phương án tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH như dự thảo đề xuất, các hiệp hội cho rằng nếu giữ nguyên như hiện hành (tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động) sẽ giảm bớt áp lực cho lao động lẫn doanh nghiệp nhưng lại tạo ra khoảng cách thu nhập lẫn căn cứ đóng, khiến lương hưu sau này rất chênh lệch.
Ngược lại, chọn phương án hai (tiền được tính đóng bao gồm cả khoản xác định được trước khi ký hợp đồng lẫn biến động trong quá trình làm việc của lao động) thì tiền đóng sát với lương thực tế lao động được nhận, nhưng làm giảm thu nhập của họ và gây áp lực lớn lên doanh nghiệp.
Giảm tỷ lệ đóng sẽ phải giảm mức hưởng chế độ BHXH
Về nội dung này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, mức đóng BHXH được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện trong mối quan hệ tương quan phù hợp với mức hưởng; tương quan với giá trị thực tế của mức đóng, mức hưởng các chế độ BHXH; tương quan giữa thời gian đóng và thời gian hưởng, mức độ bao phủ của các chế độ BHXH.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhất khu vực. |
Về số tương đối, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đóng BHXH cao, tuy nhiên, tỷ lệ hưởng lương hưu ở Việt Nam cao nhất khu vực, thậm chí cao nhất thế giới. Hiện nay, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75% tương ứng với thời gian đóng BHXH 30 năm đối với nữ, 35 năm đối với nam, trong khi các nước chỉ khoảng 40% (Trung Quốc, Hàn Quốc).
Như vậy, tỷ lệ tích lũy hiện nay bình quân là 2,14% đối với nam và 2,5% đối với nữ, trong khi các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc chỉ là 1%; bình quân của thế giới cũng chỉ khoảng 1,7%.
Do đó, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc đặt vấn đề giảm tỷ lệ đóng BHXH đồng nghĩa với việc phải giảm tỷ lệ hưởng các chế độ BHXH (lương hưu), dẫn đến giá trị thực mức hưởng các chế độ BHXH của người lao động còn thấp hơn so với hiện hành. Vì vậy, giảm tỷ lệ BHXH không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của Việt Nam hiện nay.
Chưa kể, tỷ lệ đóng, tỷ lệ hưởng hưởng lương hưu cao nhưng với tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc không cao, nên phần lớn người lao động sau khi về hưu có mức lương hưu thấp.
Vấn đề này có một phần nguyên nhân do tình trạng nhiều doanh nghiệp “lách luật” thực hiện đóng BHXH cho người lao động không đúng với mức tiền lương, thu nhập thực tế của người lao động. Tại một số đơn vị, thu nhập để làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động luôn ở mức thấp nhất, dẫn đến mức hưởng bình quân của người lao động sẽ thấp khi nghỉ hưu.
Luật BHXH hiện hành quy định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động bao gồm cả lương và các phụ cấp. Đối với một số khoản phúc lợi người lao động có tính chất thường xuyên, ổn định, như hỗ trợ tiền xăng xe, điện thoại, ăn trưa, tiền nhà…, thì pháp luật hiện hành quy định không dùng làm căn cứ tính đóng BHXH.
Do đó, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Chính phủ hoàn thiện đã đề xuất tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với khu vực doanh nghiệp bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Tăng quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện
Đặc biệt, đối với BHXH tự nguyện, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng trong bối cảnh hết sức khó khăn của người dân cũng như doanh nghiệp nói chung, số lượng người dân tham gia BHXH tự nguyện vẫn được duy trì, thể hiện nhận thức của người dân về chính sách này đã ngày càng cao.
Tiếp đó, trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, BHXH Việt Nam kiến nghị tăng cường quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện. Trước đây, tham gia BHXH tự nguyện chỉ có hai chế độ, hiện đang đề xuất để làm sao để người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng nhiều chế độ hơn.
“Chúng tôi kỳ vọng, số người tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng và sẽ thực hiện được Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH để hướng đến năm 2025 sẽ có 45% lực lượng tham gia BHXH, trong đó có BHXH tự nguyện”, ông Ánh chia sẻ.
Theo đề xuất của BHXH Việt Nam, lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng thêm chế độ ốm đau, thai sản. Bên cạnh đó, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng chế độ liên quan đến BHYT.
“Đây mới là dự thảo, nhưng với tư cách người làm tham mưu chính sách, chúng tôi muốn quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được mở rộng hơn trước đây”, Phó Tổng giám đốc BHXH cho biết.
Tất nhiên, BHXH Việt Nam cũng cho rằng, một trong những vấn đề khi tham gia BHXH là cân đối giữa mức đóng và mức hưởng. Do vậy, khi cân nhắc xem xét quyền lợi người tham gia BHXH tự nguyện, cũng như đối tượng phải cân đối mức đóng - hưởng. "Nếu chúng ta thiết kế thêm quá nhiều chính sách, trong khi Quỹ cũng không tăng sẽ dẫn đến Quỹ không có khả năng chi trả", ông Ánh nói.
Thy Lê