Đăk Pơ là một huyện nghèo thuộc tỉnh Gia Lai nhưng điều đặc biệt là việc phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình liên tục tăng cao.
Đi sâu, đi sát cùng người dân
Nếu như năm 2015, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn chỉ là 24 người, năm 2017 đạt 112 người, năm 2019 đạt 448 người, tính đến tháng 5/2020 là trên 500 người. Đáng nói hơn, trong số những người tham gia BHXH tự nguyện có cả những người thuộc diện khó vận động nhất: 6 người thuộc hộ nghèo, 10 người thuộc hộ cận nghèo, hơn 30 người đồng bào dân tộc thiểu số.
Vận động bà con dân tộc thiểu số tham gia BHXH, BHYT |
Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng 33% sau 8 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, trong đó, số tham gia BHYT hộ gia đình – nhóm khó vận động nhất, chiếm một tỷ lệ tăng trưởng đáng kể; từ 1.067 người tham gia năm 2012, hiện có 12.646 người tham gia, chiếm trên 90% dân số toàn huyện, tăng rất nhiều lần so với năm đầu triển khai Nghị quyết.
Thành công này có được nhờ sự bền bỉ nỗ lực không kể gian khó của những người làm công tác BHXH. Chị Trần Thị Hồng Hạnh, Giám đốc BHXH huyện Đăk Pơ, Gia Lai, chia sẻ nhận thấy ở Đăk Pơ khó phát triển BHXH bắt buộc, ít doanh nghiệp, tình hình sản xuất kinh doanh lại không mấy thuận lợi, vì vậy chúng tôi chọn hướng đẩy mạnh phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Nói là làm, Giám đốc BHXH huyện Đăk Pơ chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền sâu sát xuống từng địa bàn dân cư. Tổ chức tuyên truyền chính sách vào các buổi tối – khi bà con đã đi làm nương về, sẽ vất vả hơn nhưng đó là cách khả thi nhất. Vậy là cứ khi hết giờ làm, chị và các cán bộ trong đơn vị lại kỳ cạch xách máy tính, máy chiếu, micro, loa đài... xuống từng xã.
Từ những buổi tuyên truyền đông kín người tham dự như thế, số tham gia BHXH, BHYT tại mảnh đất nghèo khó Đăk Pơ dần tăng lên qua từng năm, như để không phụ lòng chị và tập thể viên chức BHXH huyện.
Điều này cho thấy việc đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều cách thức khác nhau đang giúp người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của việc tham gia BHXH. Vừa qua, tại 2 Lễ ra quân tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia BHXH, BHYT, ngành BHXH đã phát triển được 123.823 người (trong đó có 60.286 người tham gia BHXH tự nguyện, 63.537 người tham gia BHYT hộ gia đình).
Đây là hình thức truyền thông hiệu quả, số người tham gia BHXH tự nguyện trực tiếp tại lễ ra quân rất cao (bằng 300,1% so với năm 2017, 114% so với năm 2018, 20,3% so với năm 2019 và bằng 62% so với số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện phát triển được trong 6 tháng đầu năm 2020).
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, trong bối cảnh tiềm năng phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình còn nhiều, BHXH Việt Nam vừa mới ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT trong toàn ngành.
Bên cạnh việc truyền thông lan tỏa chính sách BHXH, BHYT, BHTN đến tất cả các tầng lớp nhân dân trong xã hội, tập trung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, đúng và trúng các nhóm chủ thể tiềm năng để vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Theo đó, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động đổi mới nội dung tuyên truyền, chuyển từ việc chú trọng tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách, pháp luật BHXH, BHYT sang truyền thông chuyên sâu về lợi ích, vai trò, ý nghĩa, tính nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT.
Truyền thông để người lao động và nhân dân thấy được giá trị thiết thực của chính sách đối với bản thân và gia đình, từ đó tích cực, chủ động tham gia như một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà.
Tuyên truyền, động viên khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức tự lực cũng như ý nghĩa của việc tự đảm bảo an sinh cho bản thân của mỗi người dân, từ đó giúp người dân hình thành thói quen chủ động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình như một nhu cầu thiết yếu để chăm sóc sức khỏe và ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình.
Về hình thức tuyên truyền, BHXH Việt Nam cho biết sẽ triển khai đồng loạt nhiều kênh truyền thông khác nhau; đổi mới, đa dạng, áp dụng linh hoạt các hình thức truyền thông phù hợp với đặc điểm vùng miền, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư, hình thức truyền thông phải xuất phát từ đặc thù từng nhóm dân cư gắn với nội dung truyền thông phù hợp, gần gũi, thân thiện.
Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao, BHXH Việt Nam chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kiến nghị, đề xuất việc hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, nhất là quy định về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nhằm tạo sự hấp dẫn, thân thiện của chính sách đối với người dân trong quá trình tiếp cận như: đề xuất mở rộng phạm vi hưởng của chính sách BHXH tự nguyện, xây dựng gói BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt…
Thy Lê