Chị Nguyễn Minh, 45 tuổi (huyện Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, chị đang làm nông nghiệp, thu nhập phụ thuộc theo mùa vụ, khá bấp bênh.
Tăng nhanh nhưng chưa xứng tiềm năng
Lo lắng về tương lai khi tuổi cao sức yếu, không còn làm được công việc nhà nông, chị Minh cho biết rất muốn tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện để đảm bảo cuộc sống an sinh về sau. Tuy vậy, nỗi băn khoăn của chị là số chi phí đóng BHXH tự nguyện mỗi tháng khá lớn so với số tiền mình dành dụm được.
Cần tăng mức hỗ trợ để nhiều người có thể tham gia BHXH tự nguyện. |
Tương tự, chị Nguyệt, 27 tuổi ở quận Long Biên (Hà Nội) dự tính sinh con thứ hai. Là lao động tự do, thu nhập không ổn định và chưa tham gia BHXH, chị biết rằng kinh tế sẽ khó khăn khi có thêm một em bé. Chủ động tìm đến cơ quan BHXH để tìm hiểu về chính sách BHXH tự nguyện, nhưng qua tư vấn của nhân viên BHXH, chị Nguyệt hụt hẫng khi BHXH tự nguyện không có chế độ thai sản.
Nhìn nhận về những bất cập trên, ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Thu của BHXH Việt Nam cho biết, năm 2008, số tham gia BHXH tự nguyện là 6.000 người. Trong đó, chủ yếu là số người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc trước đó (tiếp tục đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu) và một số ít nông dân tham gia BHXH nông dân tại Nghệ An được chuyển sang tham gia BHXH theo hình thức mới. Các năm tiếp theo, số BHXH tự nguyện có sự tăng trưởng song không nhiều, luôn được đánh giá là còn rất thấp so với tiềm năng, quy mô lực lượng lao động tự do, nông dân - nhóm thuộc diện tham gia.
Từ năm 2018, khi có hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước, số người tham gia tiếp tục tăng nhanh đạt trên 277.000 người, tăng 23,6% so với năm 2017. Đặc biệt từ năm 2019, cùng với hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước và với những giải pháp đột phá trong tổ chức thực hiện, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng vượt bậc, đạt trên 574.000 người, tăng trên 296.000 người, tương ứng tăng 107% so với năm 2018. Đến hết tháng 7/2020, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt trên 737.000 người, tăng trên 163.000 người, tương ứng tỷ lệ tăng trên 28% so với năm 2019 và đạt tỷ lệ 1,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.
Tuy nhiên, Trưởng ban Thu của BHXH Việt Nam đánh giá, so với tiềm năng, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất thấp, nhất là số người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện 2 năm qua còn rất thấp.
Cần giải pháp đột phá
Theo đại diện BHXH Việt Nam, nguyên nhân là mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện thấp (hiện người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30%, tương ứng 46.200 đồng/tháng; hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, tương ứng 38.500 đồng/tháng; các đối tượng còn lại được hỗ trợ 10%, tương ứng 15.400 đồng/tháng. Số tiền hỗ trợ năm 2018 là 25,496 tỷ đồng, năm 2019 là 90,467 tỷ đồng và dự kiến năm 2020 là 170 tỷ đồng; thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu còn dài (đủ 20 năm trở lên và đủ 55 tuổi đối với nữ, đủ 60 tuổi đối với nam).
Bên cạnh đó, sự quan tâm vào cuộc của một số chính quyền các cấp, các ngành và BHXH tại một số địa phương trong thực hiện chính sách BHXH tự nguyện còn chưa quyết liệt; thu nhập của người dân còn thấp, không ổn định, trong khi hầu hết các địa phương chưa bố trí hỗ trợ thêm mức đóng ngoài mức quy định của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Đồng thời, người dân còn mong muốn Nhà nước có thêm chế độ, chính sách BHXH tự nguyện ngắn hạn khác, như: ốm đau, sinh con, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp để có nhiều lựa chọn khi tham gia BHXH tự nguyện.
Theo PGS.TS. Giang Thanh Long, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, qua nghiên cứu cho thấy, người lao động đang có nhu cầu bảo hiểm về ốm đau và thai sản hơn là bảo hiểm hưu trí. Nhiều người cho rằng đầu tư cho con cái là cần thiết hơn đóng bảo hiểm. Vì vậy, chế độ BHXH tự nguyện hiện nay thiếu hấp dẫn có thể do chỉ có chế độ hưu trí, tử tuất và thời gian đóng dài.
Ngoài ra, lực lượng lao động là nữ rất đông, họ có nhu cầu bảo hiểm ngắn hạn về chế độ ốm đau, thai sản, nhưng chính sách chưa ban hành đồng bộ. Đây là rào cản tạo ra sự chưa hấp dẫn của BHXH tự nguyện.
Để hỗ trợ người tham gia, mới đây, BHXH Việt Nam đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo để nhiều người có đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện, hạn chế số người đang tham gia nhưng vì không có điều kiện tiếp tục tham gia đã phải dừng đóng, hưởng BHXH một lần. Cụ thể: nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo; từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.
Thy Lê