Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, tranh Hàng Trống nói chung và tranh Ngũ hổ nói riêng được bán ở khắp các khu vực Hàng Bồ, Hàng Nón, Hàng Trống.
Tranh hổ sống động và uy nghiêm
Các con phố thủa đó nhộn nhịp với tranh, người khắp nơi đổ về mua tranh để thờ phụng và chơi Tết. Mỗi dịp cuối năm, các chiếu tranh Hàng Trống bày bán la liệt ở hè phố tạo ra một nét riêng cho cái Tết của Hà Nội.
Tết Nhâm Dần này, chơi tranh Ngũ hổ không chỉ thu hút người lớn tuổi mà còn với cả những người trẻ tuổi có xu hướng hoài cổ mua tranh để trang trí trong các quán cà phê, trang trí nhà cửa,… để cầu phúc, cầu an. Đặc biệt là sự yêu thích và nhu cầu sưu tầm, khám phá văn hoá, tín ngưỡng của những du khách nước ngoài đang là tín hiệu vui cho việc khôi phục sức sống của một dòng tranh nổi tiếng của đất Kinh kỳ xưa.
Tranh Ngũ hổ Hàng Trống được ưa thích bởi yếu tố văn hoá, triết lý được truyền tải qua từng chi tiết. Đây cũng là bức tranh mang hình thức tôn thờ tín ngưỡng, có ý nghĩa cầu phúc, cầu an...
Quan sát bức tranh có thể thấy sự xuất hiện của không gian và thời gian qua hình ảnh và màu sắc của từng con hổ. Trong đó, hổ màu xanh tượng trưng cho hành Mộc, ứng với phương Đông và thuộc mùa Xuân. Hổ màu đỏ tượng trưng cho hành Hỏa, ứng với ở phương Nam và thuộc mùa Hạ. Hổ màu trắng tượng trưng cho hành Kim, ứng với phương Tây và thuộc thuộc mùa Thu, còn hổ màu đen tượng trưng cho hành Thủy, ứng với phương Bắc, thuộc mùa Đông. Ở giữa là hổ màu vàng, tượng trưng cho hành Thổ, ứng với trung ương chính diện.
Như vậy, 5 nhân vật hổ được thể hiện bằng 5 màu: đỏ, đen, vàng, xanh, trắng, mang một ý nghĩa tượng trưng cho Ngũ hành. Cũng theo thuyết Âm dương Ngũ hành thì hành Thổ là sự quy tụ của bốn hành còn lại trong chu kỳ vận động của Ngũ hành. Đó là lý do để tạo màu trong tranh Ngũ hổ và là nguyên nhân để hổ vàng đứng giữa và lớn hơn cả.
Để ý kỹ thì bên trái bức tranh có 5 bảo kiếm thể hiện uy lực, bên phải có 5 lá cờ ngũ sắc thể hiện sự linh hoạt. Bên dưới là hình ảnh 2 chú hổ xanh và đỏ đứng trên bệ đá thể hiện sức mạnh của âm. Phía trên có hổ trắng và hổ đen bay trên làn mây thể hiện sức mạnh của dương. Khoảng trống giữa hổ đen và trắng có hình mặt trời, chòm thất tinh chìm ẩn thể hiện không gian vũ trụ. Tất cả tạo nên một sự cân bằng về phong thủy cho bức tranh.
Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống nổi tiếng từ bao đời. |
Người xưa kể lại rằng tranh Ngũ hổ dựa một phần vào sự kiện có thật. Đó là đôi khi con người cũng gặp hổ màu trắng hay đen. Đây là hiện tượng “bạch biến” hay “hắc biến” của nhiều loài thú rừng. Màu đen do sắc tố đen trong lông hổ làm thành. Nếu toàn bộ lông bị sắc tố này chi phối, hổ sẽ có màu đen tuyền. Nếu toàn bộ sắc tố này bị hủy, lông sẽ có màu trắng. Còn hổ xanh, hổ đỏ là do người vẽ thêm thắt vào cho hoàn chỉnh bộ Ngũ hổ vì thực ra sắc tố màu xanh hay màu đỏ rất hiếm ở các loài thú.
Tuy nhiên, sự thêm thắt đó lại chứa đựng ý nghĩa sâu xa mà những nghệ nhân vẽ tranh Hàng Trống muốn gửi gắm và phải những người chơi tranh tinh tường mới nhận ra. Bởi nếu nhìn từ phải qua trái và theo chiều kim đồng hồ, từ dưới lên trên thì sẽ thấy bức tranh thể hiện quy luật tương sinh. Lần lượt, Mộc sinh Hỏa (bắt đầu nhìn từ hổ màu xanh), Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc. Sự cân đối, hài hòa từ bên trong của bức tranh cũng là ở đó. Do thể hiện quy luật tương sinh nên những đôi mắt hổ trong tranh mặc dù rất nghiêm trang nhưng cũng rất hiền dịu.
Những nghệ nhân vẽ tranh cũng cho biết, cái đẹp của bức tranh Ngũ hổ là người vẽ làm sao phải thể hiện được những đường nét uốn lượn sống động nhưng vẫn làm nổi bật được phong thái uy nghiêm của “ông Ba Mươi”. Tuy nhiên, điểm khó nhất trong bức tranh Ngũ hổ lại chính là cặp mắt. Người vẽ đôi mắt cho hổ phải làm sao toát lên được cái uy, cái thần thái của loài mãnh chúa. Người chơi tranh tinh tường cũng chỉ thường chú ý đến điểm đó mỗi khi mua tranh.
Đặc biệt, tranh Ngũ hổ không thể thiếu được chòm Thất tinh. Chòm Thất tinh này gồm 7 vì sao Tiểu Hùng tinh định vị phía Bắc của vòm trời. Nhờ hình vẽ về chòm Thất tinh đó mà người xưa xác định được vị trí của các vì sao trên vòm trời.
Tranh Ngũ hổ Hàng Trống là loại tranh khắc gỗ in trên giấy. Nhưng cách thức của dòng tranh Hàng Trống là chỉ in bản nét rồi dùng bút lông tô màu. Trong quá trình tô màu tranh Ngũ hổ, các nghệ nhân đã vờn chuyển màu, tạo độ đậm, nhạt, sáng, tối. Cùng với những nét được khắc in qua bản gỗ, khi cần nhấn, đẩy các chi tiết, các nghệ nhân Hàng Trống không ngần ngại dùng bút để nảy, tỉa. Với cách thức sáng tạo của riêng mình, các nghệ nhân Hàng Trống không chỉ tạo nên nét riêng cho dòng tranh, mà đã làm bật lên sức sống của Ngũ hổ, thể hiện sức mạnh của loài mãnh chúa.
Lời chúc phúc đầu năm
Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, hổ là con vật có sức mạnh thiêng liêng, có thể diệt trừ được ma quỷ. Nhiều gia đình rất coi trọng việc thờ thần hổ nên đã lập bàn thờ riêng có thể ở ngoài sân, hay chiếc miếu xây ở ngoài vườn đối với những gia đình ở gần chân núi. Cũng có những nơi vào tối 30 Tết, người ta thường dùng vôi trắng vẽ hình hổ phục ở 4 góc sân nhà nhằm trừ đuổi tà ma, quỷ quái, cầu cho mọi người được khỏe mạnh, bình an, chăn nuôi, trồng trọt đều hanh thông, phát đạt.
Trường hợp khi thờ chung với thần Mễ (thần thóc gạo), người ta đã sắm một bức tranh thần hổ dán dưới chân bịch gạo, có khi thì chạm khắc thành một tấm phù điêu, chuyển thành hương án, khu thờ này vẫn đặt dưới gầm tranh thần hổ.
Có thể thấy, hình tượng hổ trở nên phổ biến trong dân gian Việt Nam. Theo năm tháng, hổ được vẽ thành tranh để thờ cúng ở các đền, điện và dần dần là treo trong nhà. Tùy theo sở thích và mệnh của từng gia chủ mà mỗi người có thể lựa chọn những bức tranh hổ khác nhau để treo vào dịp Tết.
Không ít người trẻ cũng tìm thấy niềm vui và ý nghĩa từ những bức tranh ngũ hổ. |
Có những người chỉ thích treo bức tranh độc hổ. Một bức tranh độc hổ lại có thể tùy thuộc vào ý muốn của từng người mà có 5 màu khác nhau tượng trưng cho 5 mệnh Kim, Mộc, Thủy Hỏa, Thổ. Chẳng hạn, người mệnh Thủy thì nên treo bức tranh độc hổ màu vàng vì màu vàng tượng trưng cho mệnh Kim, mà Kim lại sinh Thủy.
Tuy nhiên, những bức tranh độc hổ đều được sáng tạo dựa trên hình dáng, màu sắc và bố cục của bức tranh Ngũ hổ, nên không ít người muốn sở hữu được bức tranh Ngũ hổ treo trong nhà mỗi dịp Tết.
Theo phong thủy, tranh Ngũ hổ Hàng Trống biểu tượng cho sự may mắn, cát lành và bình an. Hình ảnh những chú hổ được vẽ với các màu sắc khác nhau, tượng trưng cho Ngũ hành thể hiện sự cân đối, điều hòa trong cuộc sống. Bên cạnh đó, hình ảnh linh vật hổ cũng gắn liền với quyền uy và sức mạnh, biểu tượng thiêng liêng và uy linh. Bởi vậy, tranh Ngũ hổ thường được treo trong nhà ngày Tết với ý nghĩa xua đuổi tà khí, giúp tăng cường nguồn sinh khí, mang lại sức khỏe, may mắn.
Nhiều người còn cho rằng bức tranh này thể hiện sự sum vầy đầy đủ, vì thế treo tranh ngũ hổ ngày Tết là mang đến cảm giác yên tâm bởi được che chở. Ngũ hổ với phong thế oai vệ có thể giúp trấn trạch an gia, hút may mắn, tài lộc cũng như hanh thông hơn về đường công danh, sự nghiệp.
Sự phát triển của kinh tế xã hội đã khiến tục chơi tranh hổ vào ngày Tết không còn nở rộ như xưa. Nhưng vẫn còn đó những người mê đắm với dòng tranh này. Chẳng thế mà những ngày cận Tết, các nghệ nhân vẽ tranh Hàng Trống cũng phải làm việc hết công suất để đáp ứng nhu cầu khách gần xa. Rất nhiều khách hàng đặt vẽ tranh hổ không chỉ để treo trong nhà, mà còn gửi biếu bạn bè khắp các tỉnh, thậm chí có bức tranh đã được xuất ngoại.
Đặc biệt năm nay là năm Nhân Dần, người lớn tuổi thường bảo rằng năm hổ nhà ai mà không có người tuổi hổ thì phải có bức tranh hổ trong nhà thì gia đình mới thịnh vượng. Chắc vì lẽ đó mà tranh Ngũ hổ được nhiều người yêu thích.
Theo các nghệ nhân vẽ tranh Ngũ hổ Hàng Trống, nhiều người chơi rất hiểu ý nghĩa của tranh Hàng Trống, có khi họ còn sành hơn cả người vẽ. Nhiều khách coi tranh Hàng Trống như một thú chơi không thể thiếu của ngày Tết, cũng có không ít người mua để biếu nhau như một lời chúc phúc trong ngày xuân.
Huyền Trang