Chị Nguyễn Thị Huê (Kinh Môn, Hải Dương), chia sẻ quanh năm làm nông nghiệp nên từ trước đến giờ chị và gia đình rất ít tìm hiểu về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, đợt vừa rồi chị phát hiện mình bị u tuyến giáp, phải lên bệnh viện tuyến Trung ương để điều trị. Số tiền điều trị phải trả gần 50 triệu đồng, do chị không có BHYT.
Số lượng người tham gia giảm
Trong bối cảnh thu nhập giảm vì ảnh hưởng bởi COVID-19, số tiền trên đã trở thành gánh nặng cực kỳ lớn với gia đình chị Huê. Chị chia sẻ: Sau đợt điều trị này, chắc chắn khi về dù khó khăn nhưng chị sẽ tham gia BHYT cho cả gia đình, cũng như dành tiền để đóng BHXH tự nguyện...
Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nông dân, thành viên các hợp tác xã tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. |
Trên thực tế, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội, nhiều DN phải thu hẹp quy mô hoạt động và cắt giảm lao động, nên số tham gia BHXH bắt buộc có xu hướng giảm. Trong khi đó, các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cũng gặp không ít khó khăn, do phải thực hiện quy định phòng chống dịch, hạn chế tổ chức hội nghị tập trung đông người…
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2021, toàn quốc có khoảng 16 triệu người tham gia BHXH, chiếm 32,08% lực lượng lao động. Trong đó gồm, hơn 14,7 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; gần 1,2 triệu người tham gia BHXH tự nguyện; hơn 13 triệu người tham gia BH thất nghiệp; hơn 85 triệu người tham gia BHYT- đạt tỷ lệ bao phủ 87,17% dân số. Tổng số thu của toàn Ngành là 224.529 tỷ đồng, đạt 56,18% kế hoạch; tổng số nợ là 21.358 tỷ đồng, chiếm 5,34% so với số phải thu...
Đặc biệt, để đảm bảo quyền lợi và an toàn cho người dân, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH gộp 2 tháng (tháng 7, 8) vào cùng một kỳ chi trả. Hướng dẫn BHXH các tỉnh thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 theo chế độ BHXH, hướng dẫn người dân tham gia và đóng BHYT hộ gia đình trong thời gian phòng chống dịch. Tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT trong bối cảnh dịch bệnh, không để người bệnh tự chi trả chi phí trong phạm vi quyền lợi được hưởng.
Theo BHXH Việt Nam, những tháng còn lại của năm 2021 sẽ là giai đoạn khó khăn đối với toàn ngành, khi dịch COVID-19 với diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đáng lo ngại nhất là những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Minh chứng là, hiện nay, số người tham gia BHXH, BHYT trên cả nước đều giảm so với tháng 6/2021 và thời điểm cuối năm 2020.
Để người dân thấy rõ lợi ích
Theo ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ (BHXH Việt Nam), trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, cùng với việc giảm số người tham gia BHYT khi triển khai Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (khoảng 3,9 triệu người), nếu như không có đề xuất, giải pháp kịp thời tháo gỡ về cơ chế chính sách, không có những giải pháp thực sự sáng tạo, đột phá cùng sự tập trung, quyết liệt, nỗ lực lớn của toàn Ngành, thì việc hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01 và kế hoạch của Ngành đề ra năm 2021 là hết sức khó khăn.
Để hoàn thành các chỉ tiêu thu và phát triển đối tượng tham gia, đại diện Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ đề nghị BHXH các địa phương tập trung tuyên truyền hiệu quả, phù hợp với thực tế; tiếp tục tham mưu cho các cấp chính quyền hỗ trợ kinh phí để người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình…
Nhận định tình hình dịch bệnh có thể kéo dài và phức tạp, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu yêu cầu, các đơn vị phải xác định rõ tâm lý đối diện với khó khăn một cách thường xuyên; nâng cao hơn nữa việc dự báo trước những biến động ở từng quý, từng năm… Xác định chi tiết các nhóm đối tượng tiềm năng để có kế hoạch và cách tiếp cận, cách làm hợp lý, hiệu quả.
Từ những câu chuyện như trường hợp của chị Huê, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhận định, hiện nay công tác truyền thông của ngành tương đối tốt. Tuy nhiên, để có hiệu quả triệt để, các địa phương cần tận dụng mọi thời cơ, phối hợp tốt với chính quyền, các sở, ngành, đoàn thể vận động người dân tham gia chính sách, nhất là trong thời điểm dịch hiện nay đã cho thấy sự cần thiết của các chính sách an sinh đối với người dân.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, hoàn thành được tất cả các chỉ tiêu của cả năm 2021 là rất thách thức, nhưng cơ hội của những tháng cuối năm chưa hẳn là không có, nếu chúng ta biết nắm bắt cơ hội thì sẽ có được thành quả.
Lấy ví dụ về công tác tuyên truyền, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, đại dịch COVID-19 đã gây ra hậu quả vô cùng lớn, nhưng nó cũng cho thấy được sự quan trọng của hệ thống an sinh xã hội trong việc đồng hành và chăm sóc người dân. “Thực tế đã có, nếu chúng ta đẩy mạnh tuyên truyền, khéo léo giúp người dân nhận ra việc tham gia chính sách BHXH tự nguyện sẽ có những lợi ích như thế nào đối với họ, nhất là những lúc khó khăn như dịch bệnh thì chắc chắn người dân sẽ tự nguyện tham gia”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH rất khó khăn. Để đạt được mục tiêu về diện bao phủ đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng BHXH theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, Bộ LĐ-TBXH đã có Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi. Trong đó đề xuất: mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, khuyến khích thực hiện bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu; tăng tính hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Cụ thể là bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng như: chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; có quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian...
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TBXH còn đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm nhằm thu hút người lao động ở khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. BHXH cũng đề xuất Chính phủ tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình, thành viên hợp tác xã làm nông-lâm-ngư-diêm nghiệp, có mức sống trung bình từ 30% lên 50%.
Thy Lê