Ngày 13/2, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc.
Dịch bệnh gây tổn thất nặng nề cho ngành chăn nuôi
Chủ trì Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, Việt Nam rất tự hào bởi hệ sinh thái xung quanh ngành chăn nuôi đã có bước tiến vượt bậc.
“Không có nước nào ở khu vực ASEAN có quy mô sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp lên tới 25 triệu tấn/năm như nước ta. Cũng chưa quốc gia nào ở khu vực có các thiết chế chăn nuôi lớn gia súc, gia cầm mà đảm bảo sản xuất mỗi năm 40 triệu con lợn, với hệ thống giống gốc từ cụ kỵ, ông bà thuộc công nghệ mới nhất của thế gới như Việt Nam. Cùng với đó, chúng ta có quy trình cung cách chăn nuôi ngày một tiến bộ. Bây giờ, trang trại chăn nuôi cỡ 10.000 con lợn là bình thường. Có những đơn vị hiện nay sản xuất 50 triệu con gà giống, không phải là gà công nghiệp mà là gà đặc sản Việt Nam”, ông Cường nói.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nếu nhìn thẳng vào thực tế thì nền chăn nuôi Việt Nam vẫn còn nguy cơ rủi ro rất cao. Vấn đề nổi lên hàng đầu là chăn nuôi quy mô hộ nhỏ lẻ vẫn còn chiếm một tỷ lệ tương đối lớn. Vấn đề thứ hai, Việt Nam trải dài ở 15 vĩ độ, cả á nhiệt đới, ôn đới và nhiệt đới, tương ứng với nhiều dạng địa hình và tiểu vùng khí hậu. Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ dịch bệnh rất cao. Điểm bất cập thứ ba của ngành chăn nuôi là mật độ đàn chăn nuôi quá lớn. Cả nước nuôi tới 467 triệu con gà đủ các loại.
Hiện cả nước có 9 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 chưa qua 21 ngày (Ảnh Internet) |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, công tác thú y, phòng chống dịch bệnh chính là khâu yếu nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam. Dịch bệnh thường xuyên xảy ra trên đàn gia súc, gây tổn thất cho ngành chăn nuôi. Đại dịch cúm gia cầm trong những năm 2002-2004 đã gây thiệt hại kinh tế vô cùng lớn, phải tiêu hủy 45 triệu con gia cầm. Sau giai đoạn đó, Việt Nam có bước tiến vượt bậc cả về thể chế, cơ chế, công nghệ, nhận thức và phương thức tổ chức chăn nuôi. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm được dịch bệnh.
Ngành chăn nuôi Việt Nam từng đối diện với dịch tai xanh và lở mồm long móng trên lợn. Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi xảy ra đã khiến 6 triệu con lợn bị chết và tiêu hủy. “Chúng ta cơ bản bước ra đại dịch tả lợn châu Phi. Hơn 90% xã của cả nước đã qua 30 ngày chưa phát sinh ổ dịch mới. Tuy nhiên, với quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ thì việc đảm bảo an toàn sinh học không triệt để, không ai dám khẳng định dịch tả lợn châu Phi không quay trở lại. Trong khi đó, dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát. Điểm đặc biệt của thời tiết năm nay đó là nhuận hai tháng tư, nền nhiệt lạnh vì có rét “nàng Bân”, tiết mưa mù. Đây là điều kiện tối đa cho các loại virus như lở mồm long móng, dịch tả. Do đó, các địa phương cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch. Chúng ta rất muốn tái đàn để phục hồi quy mô chăn nuôi lợn. Nhưng phải đảm bảo tăng trưởng chắc chắn, ổn định bền vững, không được bất chấp rủi ro để tăng đàn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Năm 2020 cần 500 triệu liều vắc xin cúm gia cầm
Theo Cục Thú y, lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 11/2/2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.548 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5.988.697 con, tổng trọng lượng là 342.091 tấn (chiếm khoảng 9,0% tổng trọng lượng lợn của cả nước). Đến nay, cả nước chỉ còn 348 xã thuộc 116 huyện của 33 tỉnh, thành phố có ổ dịch dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày. Như vậy, dịch bệnh đã được kiểm soát. Đây là điều kiện cần thiết để tổ chức nuôi tái đàn lợn.
Năm 2019, bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi, 44 xã, 41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy 133.203 con gia cầm. Năm 2020 (tính đến ngày 11/2/2020), cả nước có 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng vi rút A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy 43.202 con gia cầm tại 5 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra, số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy là: 3.000 con gà. Tỉnh Thanh Hóa có 3 ổ dịch, xảy ra tại 3 xã thuộc 2 huyện, buộc phải tiêu hủy 20.184 con gia cầm. Tỉnh Nghệ An có 3 ổ dịch, xảy ra tại 3 xã thuộc huyện Quỳnh Lưu. Tại Hà Nội, từ ngày 3/2/2020 phát sinh ổ dịch tại 4 hộ chăn nuôi tại thôn Phú Vinh, thuộc xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, số gia cầm chết và tiêu hủy là 6.807 con. Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, từ ngày 5 - 11/2/2020, xuất hiện 2 ổ dịch làm chết và tiêu hủy 8.731 con vịt. Hiện nay, cả nước có 9 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 chưa qua 21 ngày.
Vi rút cúm A/H5N6 được phát hiện tại Việt Nam từ năm 2014. Hằng năm, chủng vi rút này vẫn gây ra các ổ dịch nhỏ lẻ trên gia cầm, đến nay tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người mắc bệnh do chủng vi rút cúm A/H5N6. Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; việc tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương. Do đó, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh viêm phối cấp do chủng vi rút mới Corona (Covid-19) gây ra.
Để phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Bộ NN&PTNT chỉ đạo phải đẩy mạnh phát triển chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, thời gian tới phải triển khai mạnh mẽ công tác tiêm phòng các vắc xin cúm gia cầm đối với gia cầm và lở mồm long móng đối với gia súc.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, năm 2019, cả nước đã sử dụng trên 400 triệu liều vắc xin cúm gia cầm tiêm phòng cho đàn gia cầm; trong đó vắc xin sản xuất trong nước gần 200 triệu liều. Tháng 12/2019, Bộ NN&PTNT đã xuất cấp miễn phí 4,5 triệu liều vắc xin cúm gia cầm dự phòng hỗ trợ các địa phương nguy cơ cao, địa phương xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh để tiêm phòng cho đàn gia cầm. Trong quý I/2020, lượng vắc xin cúm gia cầm trong kho của các doanh nghiệp có thể cung ứng cho thị trường là khoảng 51 triệu liều. Dự kiến cả năm 2020, tổng số vắc xin cúm gia cầm sản xuất trong nước và nhập khẩu khoảng 500 triệu liều; trong đó vắc xin sản xuất trong nước khoảng 200 triệu liều.
Để chủ động nguồn vắc xin, Bộ NN&PTNT đã sản xuất được một số loại vắn xin phòng bệnh quan trọng như: Navet-Vifluvac (sản xuất từ năm 2012) và Navet-Fluvac 2 (sản xuất từ năm 2019) của Công ty Navetco; hiện đang tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác cùng tham gia sản xuất vắc xin cúm gia cầm.
Đối với bệnh lở mồm long móng, trong năm 2019 đã tổ chức tiêm phòng được trên 3 triệu liều vắc xin lở mồm long móng từ nguồn kinh phí do Trung ương cấp cho đàn trâu, bò thuộc diện tiêm của vùng khống chế Chương trình quốc gia. Ngoài ra, các địa phương cũng đã tổ chức tiêm phòng được trên 30 triệu liều vắc xin lở mồm long móng cho đàn gia súc (từ nguồn kinh phí của địa phương và kinh phí của các doanh nghiệp, cá nhân chăn nuôi gia súc). Hiện nay, lượng vắc xin lở mồm long móng trong kho của các doanh nghiệp có thể cung ứng cho thị trường là khoảng 17 triệu liều. Dự kiến năm 2020, số lượng vắc xin lở mồm long móng sản xuất trong nước và nhập khẩu là trên 37 triệu liều.
Chu Khôi