Trước phản ánh của giới truyền thông về nước mắm công nghiệp có nhiều loại hóa chất trong thành phần, với hàng trăm nhãn hàng khác nhau, đang chi phối thị trường, ngày 10/10, đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Y tế phối hợp Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ, báo cáo Thủ tướng trước ngày 22/10.
Nước mắm hay nước chấm?
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm (trong đó có tới 150 triệu lít nước mắm công nghiệp, chiếm 75%) với tổng giá trị khoảng trên 7.200 tỷ đồng.
Chưa kể, như báo cáo hồi năm ngoái của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, thì Tập đoàn Masan (một trong những DN lớn nhất trong khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam) đang chiếm 67,8% thị phần nước mắm tại Việt Nam qua hai thương hiệu Nam Ngư, Chin-su. Chính vì vậy, khi rộ lên thông tin liên quan đến chất lượng sản phẩm nước mắm công nghiệp mang nhãn hiệu Chin-Su và Nam Ngư khiến cho NTD không khỏi hoang mang.
Trong buổi nhóm họp giữa Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối với các DN sản xuất nước mắm mới đây tại Tp.HCM, cũng đã mổ xẻ vấn đề chất lượng nước mắm hiện nay, nhất là nước mắm công nghiệp được pha chế từ các loại hóa chất.
Chia sẻ thông tin với Thời báo Kinh Doanh ngày 11/10, đại diện công ty CP hàng tiêu dùng Masan, nêu quan điểm: Kể từ năm 2011, sau khi QCVN 8-2:2011/BYT được ban hành và có hiệu lực, Masan đã tuân thủ các quy định về ATTP nêu trong QCVN 8-2:2011/BYT.
![]() |
Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm, trong đó nước mắm công nghiệp chiếm 75%
Cụ thể, Masan đã thực hiện công bố chất lượng sản phẩm trong đó nêu rõ các chỉ tiêu chất lượng và hàm lượng kim loại nặng mà Masan tuân thủ đối với sản phẩm nước mắm (thuộc nhóm nước chấm trong). Công ty cũng cho biết đang sở hữu nhà thùng ủ chượp nước mắm cốt tại Phú Quốc, với quy mô gần 500 thùng chượp có tổng sức chứa trên 10.000 tấn cá, cung cấp khoảng 15% tổng nhu cầu nước mắm cốt nguyên liệu cho sản phẩm nước mắm Chin-Su và Nam Ngư.
Bên cạnh đó, Masan còn hợp tác thu mua nước mắm cốt từ các nhà sản xuất nước mắm cốt uy tín, ước tính khoảng 60% tổng sản lượng nước mắm của các vùng sản xuất nước mắm chính tại Việt Nam, như Phú Quốc, Kiên Giang, Nha Trang, Phan Thiết… Tất cả nguồn nước mắm cốt nguyên liệu này đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng.
“Con dao hai lưỡi”
Theo bà Lê Thị Nga – Giám đốc Nghiên cứu và phát triển sản phẩm cấp cao của Masan, qua quá trình nghiên cứu về nước mắm, cần chia sẻ 3 sự thật: không phải cứ đạm cao thì mới ngon, không phải cứ đạm cao là tốt và không phải cứ muối mặn là sạch.
Như lời bà Nga, nước mắm ngon là nước mắm có đạm axit amin cao và đạm amoniac thấp, chứ không chỉ là đạm toàn phần cao. Hiểu được điều này, Masan đã áp dụng các kỹ thuật từ việc lựa chọn nguyên liệu đến phương pháp ủ chượp, kéo rút, để bảo đảm toàn bộ nước mắm được sản xuất tại nhà thùng Nam Ngư trên huyện đảo Phú Quốc đều đạt tỷ lệ đạm axit amin/đạm tổng luôn lớn hơn 53%, so với các loại trên thị trường trung bình là 50% và khống chế tỷ lệ đạm amoniac/đạm tổng luôn nhỏ hơn 13%, so với các loại khác trung bình khoảng 16%.
Chính cách nói của bà Nga đã khiến cho các DN sản xuất nước mắm truyền thống phản ứng. Họ cho rằng nước mắm truyền thống phải ngon hơn nước mắm công nghiệp một cách tuyệt đối, bởi yếu tố an toàn.
Quan sát sự đối đầu giữa DN nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp như vậy, một chuyên gia trong lĩnh vực nước chấm phải thốt lên, chính ngành phụ gia phát triển những năm gần đây đã tạo ra những xung đột như vậy. Nhưng việc sử dụng phụ gia trong nước mắm chính là “con dao hai lưỡi”.
Giới chuyên gia cho rằng, cần có thêm các nghiên cứu, khảo sát để đánh giá về mức độ an toàn của các sản phẩm nước mắm trên thị trường hiện nay. Tuy vậy, một số kết quả khảo sát cho thấy, có xu hướng hơn 90% nước mắm có độ đạm cao có hàm lượng thạch tín vượt quá quy định theo QCVN 8-2:2011/BYT về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm. Đây là thực tế cần được các nhà sản xuất đặc biệt quan tâm, để có giải pháp tổng thể về công nghệ để đáp ứng theo yêu cầu của luật định.
Do đó, trước sự phản ứng của các DN sản xuất nước mắm truyền thống, các DN sản xuất nước mắm công nghiệp cũng có phản ứng không kém. Họ kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ đạo và tiến hành thanh tra toàn diện, chú trọng việc tuân thủ quy định về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm, đặc biệt là Arsen (thạch tín) trong nước mắm theo QCVN 8-2:2011/BYT của Bộ Y tế. Trên cơ sở đó, công bố rộng rãi kết quả thanh tra, kiểm tra cho dư luận, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NTD và các nhà sản xuất chân chính.
Rõ ràng, cuộc đấu chất lượng nước mắm giữa các DN nội địa đang đặt ra vấn đề là các nhà sản xuất cần minh bạch hơn. Và điều này liệu có thể giúp cho khối ngoại “ngư ông đắc lợi”?
Thế Vinh