Trong chiều ngày 10/11 đến hết nửa buổi sáng ngày 11/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về những vấn đề đảm bảo cuộc sống an sinh của người dân trước tác động của đại dịch COVID-19, trong đó có những câu hỏi, băn khoăn về ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH).
Để người lao động không "bán" sổ bảo hiểm xã hội
Chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TP.HCM) đặt câu hỏi, giải pháp nào để người lao động không "bán" sổ BHXH? Với câu hỏi này, Bộ trưởng LĐ-TB&XH phân tích, bản chất câu chuyện bán sổ BHXH chính là rút tiền bảo hiểm một lần. Để ngăn chặn thì cần làm sao tránh tình trạng người lao động rút sổ bảo hiểm một lần.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trả lời chất vấn Quốc hội. |
Các việc cần làm là chăm sóc cho đời sống người lao động vì việc "bán sổ", nhận sổ BHXH một lần rơi vào hầu hết với công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, có biến cố, tình trạng éo le vì nếu đời sống đảm bảo không bao giờ họ phải làm như vậy. Sau nữa phải tuyên truyền để người lao động nhận thức về việc phải cố gắng giữ sổ để có khoản lương hưu khi về già.
Ngoài ra, cần tổng kết Nghị quyết 93 để thực hiện Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Bộ đang phấn đấu để năm sau trình dự thảo quy định để điều chỉnh việc này.
Về thực hiện chính sách hỗ trợ, Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) chất vấn, thời gian qua việc triển khai gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 còn chậm, tiêu chuẩn còn quá cao, không sát với thực tiễn.
Trước băn khoăn trên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ: "Phải nói rất thẳng thắn, đây là chính sách chưa có tiền lệ và nhiều nội dung chưa được quy định trong văn bản pháp luật, vượt thẩm quyền, phải báo cáo, xin ý kiến Chính phủ, Quốc hội".
"Anh em trong ngành cùng với các ngành chức năng làm ngày, làm đêm, thứ Bảy, Chủ Nhật, thậm chí nhóm liên ngành anh em giúp việc hầu như làm cả đêm với tinh thần "người dân đang đói, cán bộ đừng nghĩ về nhà". Nếu chúng ta để người dân đói là chúng ta có tội với dân", ông Dung khẳng định.
Theo Bộ trưởng Dung, ngành LĐ-TB&XH tuân thủ đúng như tinh thần mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước yêu cầu là: Không được để ai thiếu ăn, thiếu mặc nên những người làm công tác hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch quán triệt rất kỹ tinh thần triển khai nhanh nhất.
Văn bản gửi đến từng thôn để không bỏ lọt đối tượng được hỗ trợ
"Sức nóng" trên Nghị trường Quốc hội về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động chịu tác động bởi dịch COVID-19 đã và đang được toàn ngành BHXH đẩy mạnh thực hiện trên thực tế. BHXH Việt Nam đã liên tục có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt trong toàn hệ thống để nêu cao vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của lãnh đạo, viên chức toàn ngành trong việc hướng dẫn, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động… để chính sách hỗ trợ đến được với người lao động, người sử dụng lao động một cách sớm nhất, hiệu quả nhất.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 8/11/2021, về kết quả triển khai Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 790 đơn vị với 149.369 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 1.049,2 tỷ đồng tại 57/63 tỉnh, thành phố.
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ với người lao động. |
Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng xác nhận danh sách cho 2.365.102 lao động của 63.067 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 63 tỉnh, thành phố.
Về kết quả triển khai Nghị quyết số 116 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho gần 10.377.170 lao động (trong đó đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp là trên 9.701.613 lao động; đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 675.557 lao động với tổng số tiền hỗ trợ là 24.629 tỷ đồng).
Từ ngày 02/11 đến ngày 06/11/2021, BHXH Việt Nam đã tổ chức 05 Đoàn công tác do Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc làm Trưởng đoàn làm việc tại BHXH 09 tỉnh, thành phố (gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Ninh).
Theo đó, các đoàn công tác đã kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tại các địa phương nhằm bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Chính phủ giao năm 2021.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chỉ đạo, trong công tác truyền thông, vận động người tham gia, cần khẩn trương nghiên cứu Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để xây dựng các kịch bản phù hợp với từng vùng, từng cấp độ dịch; tập trung đẩy mạnh hình thức gọi điện thoại tư vấn trực tiếp, tổ chức hội nghị theo nhóm nhỏ, chú trọng hơn đến người dân vùng nông thôn…
Về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Tổng Giám đốc yêu cầu tiếp tục truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về chính sách này đến từng người dân, người lao động, thậm chí có văn bản gửi đến từng xã, thôn xóm để huy động sự vào cuộc, hỗ trợ của các cấp để mọi người lao động đủ điều kiện đều sớm được thụ hưởng gói hỗ trợ, từ đó góp phần giúp người dân thêm hiểu, tin tưởng và tiếp tục tham gia chính sách BHXH, BHYT.
Thy Lê