Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của mình. Vì thế, hơn lúc nào hết, người dân cần nhận thức rõ được lợi ích khi tham gia BHYT, giúp hạn chế rủi ro về tài chính cho bản thân, gia đình, đồng thời chia sẻ bớt khó khăn cho cộng đồng nếu một ai đó không may mắc bệnh.
Bao phủ BHYT đạt 91% dân số
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết chính sách BHYT được Đảng và Nhà nước ta tổ chức thực hiện từ năm 1992. Năm 2008, Luật BHYT số 25/2008/QH12 đã được Quốc hội khóa XII thông qua. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của chính sách BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân; quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế. Nếu như các năm 2009, 2015 độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số, thì đến hết năm 2021, độ bao phủ đã đạt khoảng 91% dân số.
Quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng ở cả phạm vi và mức hưởng BHYT. |
Song hành với đó, việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ. Hằng năm, có hơn 100 triệu lượt người KCB BHYT được đảm bảo quyền lợi. Năm 2020-2021 do tác động của dịch Covid-19, quỹ BHYT đã cùng ngân sách nhà nước góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả và phòng chống dịch Covid-19, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Tuy nhiên, việc phát triển BHYT cũng đối mặt với một số thách thức khi một số đối tượng không còn được cấp miễn phí thẻ BHXH nên cần sự nỗ lực của các địa phương trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân tham gia. Đơn cử ở tỉnh Hòa Bình, trước kia, tất cả người dân tộc thiểu số đều được cấp thẻ BHYT miễn phí. Từ tháng 7/2021 có sự thay đổi về cơ chế, chính sách theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, một số xã trên địa bàn tỉnh không thuộc diện người dân tộc thiểu số được ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT, dẫn đến số người tham gia BHYT giảm gần 147 nghìn người.
BHXH tỉnh Hòa Bình đánh giá đây là một thách thức lớn đối với ngành bảo hiểm, vì tâm lý người dân đã quen với việc được cấp thẻ BHYT miễn phí và kinh tế còn nhiều khó khăn. Để phát triển đối tượng tham gia BHYT, cùng với việc đa dạng hình thức truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về quyền lợi khi tham gia BHYT, tập trung triển khai phát triển đối tượng BHYT hộ gia đình và BHYT học sinh.
Từ giữa năm 2021, những người trong gia đình anh Bùi Văn Tùng, xã Quang Tiến (TP. Hòa Bình) không còn được cấp thẻ BHYT miễn phí. Song ngay từ thời điểm Quyết định số 861/QĐ-TTg có hiệu lực, nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của chính sách BHYT, anh Tùng quyết định đăng ký tham gia tiếp BHYT hộ gia đình cho cả nhà.
"Được cán bộ đại lý thu BHXH, BHYT xã tuyên truyền, tôi thấy việc tham gia BHYT rất quan trọng, nhất là khi dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến đời sống, thu nhập của cả gia đình. Tôi đã tiếp tục tham gia BHYT hộ gia đình để nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật, chúng tôi không phải lo lắng về chi phí khám, chữa bệnh nữa”, anh Tùng chia sẻ.
Nhằm đẩy mạnh các giải pháp phát triển BHYT, BHXH tỉnh Hòa Bình cho biết đã ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp các ngành liên quan rà soát đơn vị sử dụng lao động, người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phát triển BHXH, BHYT cho người lao động.
Sẵn sàng chi trả chi phí khám, chữa bệnh
Hay ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH Hà Nội, cho biết tính đến 25/5, thành phố có 7.461.117 người tham gia BHYT, tăng 2,19% tương đương tăng 159.845 người so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91,47% dân số (chưa bao gồm lực lượng vũ trang). Số lượt KCB BHYT là 3.401.892 lượt người bằng 102,4% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, 2.932.186 lượt KCB ngoại trú; 469,706 lượt điều trị nội trú).
Thời gian qua, BHXH Hà Nội đã chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT khi đi KCB sử dụng hình thẻ BHYT trên ứng dụng VssID. Cùng với đó, BHXH phối hợp với các cơ sở KCB BHYT thực hiện quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2021 theo đúng hướng dẫn. Số lượt người được KCB theo chế độ BHYT tăng nhanh.
Để phát triển đối tượng tham gia BHYT, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh mong muốn các đơn vị trong ngành tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, đảm bảo quyền lợi người tham gia, thụ hưởng chính sách BHYT một cách nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi và an toàn nhất; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay, góp sức thực hiện tốt Luật BHYT với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, vì an sinh đất nước.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam cho biết quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng ở cả phạm vi và mức hưởng BHYT. Cụ thể, danh mục thuốc được quỹ BHYT thanh toán đáp ứng nhu cầu KCB của người có thẻ BHYT với hơn 1.000 hoạt chất hóa dược, sinh phẩm và hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu (chỉ có 187 thuốc hóa dược, sinh phẩm và thuốc đông y, thuốc từ dược liệu quy định điều kiện, tỷ lệ chi trả). Trong đó, có nhiều thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc điều trị bệnh máu không đông, thuốc tim mạch đa dạng… người bệnh được chỉ định sử dụng dài ngày, có thuốc dùng suốt đời cho quá trình điều trị bệnh.
Ngoài các chi phí về thuốc, người tham gia BHYT còn được quỹ BHYT chi trả các chi phí dịch vụ kỹ thuật (với hơn 9.000 dịch vụ), vật tư y tế (337 loại, mỗi loại có rất nhiều chủng loại theo tên thương mại). Trong đó có các phẫu thuật, thủ thuật cao, chi phí lớn như: Phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật thay khớp, thay đĩa đệm cột sống, đặt máy tạo nhịp tim… Đáng chú ý, một số loại vật tư y tế được quỹ BHYT thanh toán có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
Riêng đối với chi phí ngày giường điều trị nội trú, quỹ BHYT sẽ thanh toán căn cứ vào hạng bệnh viện và loại giường điều trị đã sử dụng. Mức chi phí bình quân ngày giường điều trị quỹ BHYT đang thanh toán trung bình một đợt điều trị khoảng 6 ngày, với số tiền giường trung bình một đợt điều trị nội trú khoảng 1,2-1,3 triệu đồng/lượt. Đối với các trường hợp phải chăm sóc đặc biệt sẽ được quỹ BHYT thanh toán lên tới hàng chục triệu đồng/một đợt điều trị, thậm chí có trường hợp số tiền giường được thanh toán lên đến hàng trăm triệu đồng.
Trong đó, đáng lưu ý, hiện nay, quỹ BHYT thực hiện chi trả chi phí điều trị cho tất cả các bệnh hiểm nghèo như nhóm bệnh về: Tim mạch, ung thư, bệnh hiếm… Đây là các nhóm bệnh sẽ phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời, có chi phí điều trị lớn. Thời gian qua, nhiều người có thẻ BHYT bị mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng đã được quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng chi phí KCB BHYT, nhờ đó giúp nhiều người bệnh có thêm động lực, niềm tin tiếp tục điều trị bệnh, giúp nhiều gia đình không bị tái nghèo do không phải chi trả các khoản chi phí “khổng lồ” của việc KCB cho người thân.
Thy Lê