Việc này từng bước góp phần phát triển nền kinh tế hàng hóa tại địa phương, đồng thời bảo đảm được sức khỏe người dân cũng như người tiêu dùng.
Từ trồng trọt...
Công tác quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với các sản phẩm nông nghiệp được đánh giá có nhiều chuyển biến so với các năm trước. Đóng góp không nhỏ vào vấn đề này là các HTX trên địa bàn tỉnh.
Tiêu biểu là HTX Dịch vụ nông nghiệp Độc Lập (Hưng Hà) là mô hình HTX toàn xã nhưng hoạt động tương đối hiệu quả, chú trọng sản xuất theo chuỗi để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện, HTX có 384ha đất canh tác. Thực hiện theo Luật Hợp tác xã năm 2012, HTX xây dựng đầy đủ điều lệ, quy chế, phương án sản xuất, kinh doanh và hoàn thành việc đăng ký lại HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
![]() |
HTX Độc Lập xây dựng cánh đồng mẫu lớn |
Theo đó, HTX thực hiện 8 khâu dịch vụ gồm: dịch vụ tưới, tiêu, làm đất, phòng, trừ sâu bệnh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, diệt chuột, sản xuất mạ khay, máy cấy, dịch vụ vật tư nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm. Về tổ chức sản xuất, HTX hướng dẫn thành viên áp dụng khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi VietGAP, vận hành máy cơ khí nông nghiệp, kỹ năng an toàn trong lao động, bảo vệ an toàn nông sản thực phẩm...
Bên cạnh đó, HTX vận động các hộ thành viên tham gia cánh đồng mẫu gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, vùng cánh đồng mẫu có 170 hộ tham gia với 50ha, chủ yếu sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Sản lượng tiêu thụ hàng năm đạt 150 - 250 tấn.
Để phục vụ sản xuất, bảo chất lượng sản phẩm, HTX đầu tư mua sắm máy cấy, máy gieo hạt, khay nhựa, 1 máy phun thuốc trừ sâu, 2 máy sấy lúa. Chính vì vậy, HTX hoàn toàn chủ động trong khâu chế biến vật tư nguyên liệu, vận hành máy, điều hành sản xuất trong sản xuất mạ khay, dịch vụ máy cấy cho 20 - 30% diện tích sản xuất.
HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ xã Quỳnh Hải đã sản xuất giống su hào bằng khay giá thể trong nhà ươm. HTX liên kết với doanh nghiệp để thực hiện chuỗi giá trị hàng hóa nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, HTX cũng tập trung vào việc nâng cao kiến thức, hiểu biết cho thành viên, nhân dân về sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo đảm chất lượng thông qua các lớp tập huấn cho hàng trăm lượt bà con nông dân ứng dụng IPM vào sản xuất, giảm được khoảng 30-50% lượng thuốc trừ sâu trên đồng ruộng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hiện các thành viên đã áp dụng kiến thức về IPM trong sản xuất rau và xây dựng các mô hình về giảm thiểu rủi ro của thuốc bảo vệ thực vật và sản xuất theo chương trình bảo đảm VSATTP.
Đến thủy sản
Cùng với vấn đề quản lý chất lượng và VSATTP đối với các sản phẩm nông nghiệp, công tác bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ nuôi trồng cũng được đánh giá có nhiều chuyển biến.
Dưới sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mỗi năm, các đơn vị trong ngành đã tổ chức 10 lớp tập huấn cho 1.000 người về kiến thức VSATTP cho đối tượng là nông, ngư dân nuôi trồng thủy sản, chủ đại lý bán thức ăn, thuốc thú y thủy sản, các cơ sở thu gom, chế biến thủy sản. Tăng cường các hoạt động kiểm tra VSATTP đối với các sản phẩm thủy sản, Sở Nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành trực thuộc phối hợp với các phòng NN&PTNN huyện Tiền Hải, Thái Thụy tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện VSATTP các cơ sở thu gom, chế biến thủy sản trên địa bàn.
Tại HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Nam Cường thực hiện nuôi tôm 52ha, ngao 23ha, 11ha cá các loại. Sản xuất theo quy mô lớn nên HTX đã đầu tư theo hướng công nghiệp. Các quy trình từ nạo vét, hút bùn ao, đầm với mục đích loại bỏ chất cặn bã, chất hữu cơ, thức ăn dư thừa, phân từ động vật thủy sản từ vụ nuôi trước đến tu sửa lại cống, bờ đầm chắc chắn, đúng kỹ thuật đều được HTX chú trọng. HTX cũng thực hiện tốt lịch thời vụ thả giống, quy trình kỹ thuật nuôi. Ngoài ra, HTX đã tổ chức nạo vét mương máng, đầu tư sửa chữa hệ thống cống đã xuống cấp, bảo đảm hệ thống thủy lợi được vận hành phù hợp với từng giai đoạn sản xuất.
Nhằm nâng cao ý thức về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, HTX đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật cải tạo ao đầm, chọn giống, kỹ thuật nuôi nhằm giúp thành viên kiểm tra, chọn giống tôm, cua, cá sạch bệnh, chăm sóc an toàn qua từng giai đoạn sinh trưởng.
Có thể thấy việc cho ra đời những sản phẩm bảo đảm VSATTP đã đang và sẽ góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Chính vì vậy, ngành nông nghiệp cũng như Liên minh HTX tỉnh Thái Bình đã xác định giải pháp là cần tăng cường trách nhiệm của các cấp các ngành, HTX trong thực hiện công tác VSATTP, củng cố và hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về quản lý chất lượng, VSATTP. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nông dân, ngư dân các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản và muối về Luật Thủy sản, Pháp lệnh VSATTP. Thực hiện điều tra kiểm soát các cơ sở nuôi trồng thủy sản về thực hiện VSATTP đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ nuôi trồng.
Bên cạnh đó, ngành sẽ đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển các HTX phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị khi liên kết với doanh nghiệp. Các HTX sẽ thực hiện quy trình VietGAP, bảo đảm VSATTP, từ đó chất lượng VSATTP trong tất cả các khâu sản xuất, sơ chế, bảo quản thu gom, chế biến sẽ được bảo đảm...
Huyền Trang