Thống kê mới nhất từ Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, đến ngày 31/12/2022, ước cả nước có 29.021 HTX (19.384 HTX nông nghiệp, chiếm 66,8%; 8.456 HTX phi nông nghiệp, chiếm 29,1%; 1.181 Quỹ tín dụng nhân dân, chiếm 4,1%).
Mô hình đòn bẩy tài chính
Các HTX thu hút 6,94 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn (tăng 22.466 thành viên so với năm 2021) và 2,6 triệu lao động (tăng 71.000 lao động so với năm 2021); tổng số vốn điều lệ đạt 54,15 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,86 tỷ đồng/HTX; tổng giá trị tài sản đạt 187,75 nghìn tỷ đồng, bình quân 6,5 tỷ đồng/HTX, tăng 8,7% so với năm 2021.
Cần hỗ trợ về tài chính để thành viên HTX có thể tham gia đóng BHXH tự nguyện. |
Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy chỉ 401.000 lao động trong các HTX, liên hiệp HTX (có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm) được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 211 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân là do các HTX gặp hạn chế về nguồn lực nên chưa thể đóng BHXH bắt buộc cho người lao động. Tương tự, thành viên HTX cũng khó khăn về tài chính nên không thể tham gia BHXH tự nguyện.
Để giải quyết bài toán trên, mới đây BHXH tỉnh An Giang tổ chức giới thiệu mô hình, giải pháp hỗ trợ tài chính các sản phẩm tín dụng ưu đãi tới các HTX.
Theo đó, tại buổi giới thiệu, các HTX được nghe về mô hình, giải pháp hỗ trợ tài chính và minh họa mức đóng, mức hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện. Đây là mô hình hỗ trợ tài chính cho thành viên, người lao động của HTX và người dân có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện để khi về già có lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, đảm bảo công tác an sinh xã hội ngày càng bền vững. Giám đốc BHXH tỉnh đã triển khai những quy định của BHXH Việt Nam về việc ký hợp đồng ủy quyền thu BHXH, BHYT.
Đại diện nhiều lãnh đạo Quỹ tín dụng và Ngân hàng đều hưởng ứng tích cực và cam kết bổ sung đầy đủ các thủ tục theo quy định để đăng ký hồ sơ ký hợp đồng ủy quyền thu BHXH, BHYT với cơ quan BHXH tỉnh.
Giám đốc BHXH tỉnh An Giang Đặng Hồng Tuấn đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Liên minh HTX An Giang tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng nhất để các Quỹ tín dụng bổ sung thêm sản phẩm "Giải pháp tài chính để hỗ trợ người dân vay tiền đóng BHXH tự nguyện, BHYT" và thêm chức năng hoạt động về tổ chức thu, chi, dịch vụ về BHXH, BHYT vào giấy phép để đủ điều kiện là Tổ chức dịch vụ ký hợp đồng ủy quyền thu BHXH, BHYT.
Nỗ lực đưa lao động phi chính thức vào hệ thống an sinh
Nếu thành công, đây có thể là mô hình hiệu quả để giúp mở rộng độ bao phủ BHXH trong khu vực HTX. Thực tế, đây vẫn là khu vực rất tiềm năng nhưng việc khai thác còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, giải quyết bài toán đưa lao động phi chính thức vào hệ thống an sinh.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, cả nước có 55 triệu lao động, trong đó khoảng 20 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, nhưng chỉ có 16 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, một tỉ lệ thấp.
Trong quý I, II/2022, có tình trạng một tỉ lệ nhất định người lao động rút BHXH một lần. Đây là điều không tốt, gây hệ lụy lâu dài cho người lao động khi nghỉ hưu. Vì vậy, việc đầu tiên phải nâng cao đời sống, phúc lợi cho công nhân, người lao động, nhất là đối với công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất, người nông dân, thành viên HTX...
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu giảm dần thời gian đóng BHXH. Dự thảo đề xuất rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn trên tinh thần công bằng, chia sẻ.
Tiếp đến, Dự thảo có đưa ra cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm dài hơn. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta đang khuyến khích người lao động theo hộ nghèo là 30%, cận nghèo là 25%, đối tượng bình thường là 10%. Theo thông lệ quốc tế, tỉ lệ này tương ứng là 50%, 20% và 30%.
Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: Các cơ chế, chính sách không thể bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống. Do đó, phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để xây dựng và hoàn thiện chính sách.
Vừa qua, pháp luật về BHXH có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, các cơ quan đã lắng nghe ý kiến công nhân lao động, tập hợp, đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội đưa nội dung sửa đổi pháp luật về BHXH vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: Các chủ thể liên quan đều có trách nhiệm với nhau, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành của luật pháp, trên cơ sở đó, nếu các quy định còn sơ hở, chưa phù hợp thì sửa đổi, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, hài hòa với lợi ích của Nhà nước và người sử dụng lao động, tránh cực đoan, không có lợi cho nhân dân, đất nước, phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước và tình hình thực tế. Đồng thời, phải tuyên truyền, vận động các chủ thể thực hiện đúng quy định.
Hạ An