Sáng 3/7, tại hội thảo nhận định về diễn biến thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024, các chuyên gia nhận định nếu không có các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn, lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo khoảng từ 4,2-4,5%.
Tăng lương chỉ dành cho 8% lao động
Cục Quản lý giá dự báo thời gian tới, áp lực lạm phát trong nửa cuối năm rõ nét và mạnh hơn so với nửa đầu năm và công tác quản lý, điều hành giá tiếp tục chịu áp lực lớn do ảnh hưởng từ tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo.
Về thị trường trong nước những tháng cuối năm cũng đã xuất hiện những yếu tố rõ nét gây áp lực lên mặt bằng giá như việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá; giá mặt hàng năng lượng biến động khó lường; chính sách cải cách tiền lương từ 1/7/2024.
Lạm phát bình quân năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4,0-4,5%. |
Với những lo ngại về tăng lương, theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), mặc dù lương cơ sở được tăng từ 1/7/2024, nhưng việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô tổng lao động so với cả nền kinh tế chưa đến 8%, trong khi lao động khu vực ngoài quốc doanh chiếm 80% lực lượng lao động và FDI chiếm khoảng 10%.
Chưa kể, mức lương của khu vực nhà nước thấp hơn so với khu vực tư nhân, nên quỹ lương của khu vực nhà nước khá nhỏ so với tổng lương cả nền kinh tế. Do đó áp lực tăng lương không lớn.
“Những năm trước có rất nhiều điều chỉnh tăng lương nhưng gần như không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát chung. Trong bối cảnh lạm phát thấp và duy trì trong 10 năm qua thì việc tăng lương không ảnh hưởng lớn đến lạm phát”, ông Độ nói.
Để việc tăng lương mà không tăng giá, theo ông Độ điều này rất khó. Bởi lương tăng 30%, nếu nhìn vào lạm phát mỗi năm chỉ tăng 3% thì như vậy 6 năm mới tăng khoảng 20%. Vì vậy không thể cấm tăng giá khi tăng lương. “Lương tăng theo lạm phát và năng suất lao động”, ông cho hay.
“Việc đòi hỏi nhà nước có biện pháp kiểm soát mặt hàng tăng giá rất khó, chỉ có thể kiếm sát vĩ mô như cung tiền, lãi suất, tỷ giá để làm sao ổn định”, ông Độ nhấn mạnh.
Giá vàng sẽ ảnh hưởng tới kinh tế?
Điểm lại chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 đã tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước. Tính trung bình, CPI đã tăng 4,39% trong quý II/2024 và tăng 4,08% trong 6 tháng đầu năm 2024. Các con số nêu trên đã dẫn đến một số lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát trong cả năm 2024. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Độ, trên thực tế, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn.
Ông phân tích, có một số nguyên nhân dự báo lạm phát thấp. Đó là tăng trưởng kinh tế trong quý II tăng 6,12%, nhưng tính trung bình 5 năm hơn 5% dưới mức trung bình 2014-2024; Tốc độ tăng trưởng cầu tiêu dùng thấp so với tăng trưởng GDP do người dân giảm nhu cầu tiêu dùng;
Về yếu tố tiền tệ, theo ông Độ, hiện nay mặc dù lãi suất thấp nhưng vẫn duy trì thực dương; Tín dụng tăng thấp; Tỷ giá từ đầu năm đã tăng hơn 4% so với cuối năm ngoái, nhưng từ tháng 4 đến nay tỷ giá khá ổn định và dự báo Cục dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục hạ lãi suất giúp đồng USD có thể giảm giá.
Phân tích thêm về những yếu tố tác động đến CPI, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng mặc dù giá vàng không nằm trong rổ hàng hoá tính CPI, nhưng giá vàng cũng có tác động gián tiếp đến giá cả hàng hoá. Hiện giá vàng đã giảm từ 92 triệu đồng/lượng xuống khoảng 77 triệu đồng/lượng và chênh lệch với giá vàng thế giới còn khoảng 4 triệu/lượng. Tuy nhiên, nhu cầu mua vàng của người dân vẫn còn cao, trong khi cung vẫn chưa đáp ứng được.
“Nếu cung không đáp ứng cầu sẽ khó ổn định được về giá và tạo được sự bình ổn trên thị trường vàng. Khi thị trường vàng ổn định sẽ không tác động đến tâm lý lạm phát, bởi giá vàng tăng lên giá cả hàng hoá sẽ tăng”, ông Hiếu nói .
Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng giá xăng dầu nằm trong rổ hàng hoá tính CPI, nhưng hiện nay những bất ổn địa chính trị trên thế giới vẫn còn tiếp diễn sẽ khiến giá dầu thế giới tăng lên, tác động đến giá xăng dầu trong nước. Vì vậy lạm phát của Việt Nam trong năm nay có thể trên 4%”.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng hiện nay vẫn có những yếu tố hỗ trợ kìm chế lạm phát như sức tiêu dùng của người dân đang thấp; Tín dụng chưa đạt được nửa mục tiêu trong năm nay là 15%, có nghĩa là một lượng tiền đang kiểm soát, từ đó tác dụng tốt đến lạm phát.
“Năm nay mục tiêu lạm phát ở mức 4% là rất thách thức. Tuy nhiên, nhờ những yếu tố trên và cùng với Chính phủ cũng đang có những biện pháp kiểm soát lạm phát để duy trì lạm phát ở mức mục tiêu là 4%”, ông Hiếu nhận định.
PGS,TS. Ngô Trí Long nói rằng, lạm phát mặc dù được kiểm soát trong ngưỡng mục tiêu nhưng lạm phát cơ bản có xu hướng tăng cao suốt từ đầu năm 2021 đến đầu năm 2023 và từ giữa năm 2022 đến nay. Công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, sức ép, như việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá nhiều mặt hàng thiết yếu (điện, nước…), giá dịch vụ công; điều chỉnh tăng lương..., đòi hỏi chính sách điều hành giá, công tác kiểm soát lạm phát phải luôn chủ động, bám sát, thay đổi linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đồng thời, phải sẵn sàng các kịch bản và giải pháp ứng phó cho từng tình huống phát sinh; xác định trọng tâm, trọng điểm ưu tiên để linh hoạt lựa chọn thứ tự ưu tiên phù hợp với từng trường hợp phát sinh nhằm ban hành chính sách điều hành phù hợp.
Dẫn chứng nhiều tổ chức quốc tế dự báo, lạm phát Việt Nam ở mức từ 4,2% - 4,5%, TS. Ngô Trí Long cho rằng, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,26 - 0,39% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4 - 4,5%.
Thanh Hoa