Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn đập thủy điện |
Rà soát, kiểm tra công tác an toàn đập
Theo phản ánh, từ năm 2012-2016 đã có một số sự cố trong quá trình xây dựng hoặc mới đưa vào sử dụng như công trình thủy điện Đăk Mek (Kon Tum), Đakrông 3 (Quảng Trị), Sông Bung 2 (Quảng Nam), Ia Krel 2 (Gia Lai), trong quá trình vận hành hồ chứa (nhà máy thủy điện Hố Hô, tỉnh Hà Tĩnh). Nguyên nhân để xảy ra sự cố xuất phát từ những tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện việc quản lý, vận hành các hồ chứa thủy điện, những tồn tại của một số quy định pháp luật về quản lý và kỹ thuật an toàn đập thủy điện hiện hành chưa phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu, cực đoan của thời tiết, đã gây thiệt hại về tài sản cho nhân dân vùng hạ du, thiệt hại về người tại công trình thủy điện Sông Bung 2.
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, quản lý an toàn đập đang là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, luôn được Bộ Công Thương quan tâm và chỉ đạo sát sao. Hàng năm, Bộ Công Thương tổ chức đoàn kiểm tra công tác quản lý an toàn đập ở các công trình thủy điện; đồng thời chỉ đạo các Sở Công Thương thực hiện công tác kiểm tra việc thực thi pháp luật về quản lý an toàn đập trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
Để tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn, tổ chức triển khai quản lý an toàn đập, Bộ Công Thương đã ban hành một số các văn bản quan trọng như: Quyết định số 396/QĐ-BCT ngày 10/2/2017 về Ban hành Kế hoạch hành động của ngành công thương triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV trong lĩnh vực thủy điện; Quyết định số 802/QĐ-BCT ngày 14/3/2017 về việc thành lập Đoàn kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật tại một số nhà máy thủy điện năm 2017; Chỉ thị số 15/CT-BCT ngày 13/5/2017 về việc thực hiện công tác cảnh báo vận hành hồ chứa và nhà máy thủy điện để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du các dự án thủy điện và các công điện chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện ứng phó với mưa lũ.
Từ năm 2017 đến nay, Đoàn kiểm tra do Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh: Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum, Bình Phước đã thực hiện kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và các quy định về duy trì điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực tại 15 nhà máy thủy điện (Nậm Mô, Nậm Pông, Hạ Rào Quán, A Roàng, La Hiêng 2, Ea Krong Rou, Sông Giang 2, Đa Siat, Đăk Sin 1, Đăk Ne, Đăk Lô, Đăk Psi 5, Thác Mơ, Đak Glun, Cần Đơn); sau mỗi cuộc kiểm tra đã có hướng dẫn, yêu cầu các chủ đập thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật về thủy điện.
Trong tháng 7/2017, Bộ Công Thương đã tổ chức 2 đợt thanh tra tại 2 nhà máy thủy điện Ngòi Phát và Bảo Lộc; tháng 3 và 4/2017 đã tổ chức 3 đợt kiểm tra tại 15 nhà máy thủy điện (Nậm Mô, Nậm Pông, Hạ Rào Quán, A Roàng…). Trong tháng 5 và 6 và 8/2018, Bộ đã tổ chức kiểm tra tại 9 nhà máy thủy điện Tà Thàng, Trung Thu, Nậm Mức, Ankroet, Lộc Phát, Hạ Rào Quán, Buôn Kuốp, Bắc Mê, Sông Miện 5A; tháng 8 và tháng 10/2018 thanh tra tại 2 nhà máy thủy điện Chiêm Hóa và Bá Thước 2.
Kết quả, công tác quản lý an toàn đập đã dần đi vào nề nếp, có những chuyển biến lớn, tích cực so với thời điểm kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIII. Cụ thể, đối với công tác quản lý an toàn của 345 đập hồ chứa thủy điện trên địa bàn cả nước: 100% (có 345/345 chủ đập) đã thực hiện đăng ký an toàn đập kiểm tra định kỳ và báo cáo hiện trạng an toàn đập; Có 335/345 đập đã xây dựng phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, 10/345 đập đang được chủ đập xây dựng hoặc hoàn thiện sau thẩm định. Trong đó, Bộ Công Thương đã phê duyệt 80 trong tổng số 84 phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập thủy điện thuộc thẩm quyền.
Đã có 335/345 đập có phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, 10/345 đập đang được chủ đập thực hiện. Xây dựng phương án bảo vệ đập: 334/345 đập đã có phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, 11/345 đập đang được chủ đập thực hiện. Có 234/251 đập đã được kiểm định xong công tác an toàn đập.
Nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý an toàn đập thủy điện
Trên cơ sở kiểm tra, rà soát, Bộ Công Thương nhận định công tác quản lý nhà nước về an toàn đập thủy điện tại một số địa phương còn hạn chế, do thiếu cán bộ chuyên trách hoặc cán bộ có chuyên môn phù hợp. Trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ lợi ích hài hòa giữa chủ công trình thủy điện với chính quyền, dân cư địa phương, giữa các ngành trong việc tích nước cho thủy điện và cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.
Công tác quan trắc khí tượng thủy văn đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thủy điện và an toàn cho vùng hạ du. Tuy nhiên, hiện nay có sự sai khác khá lớn giữa bản tin dự báo khí tượng thủy văn với thực tế, làm các chủ đập thủy điện gặp khó khăn trong việc vận hành hồ chứa thủy điện an toàn, hiệu quả.
Một số quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa hoặc có liên quan đến quản lý an toàn đập, hồ chứa còn chồng chéo hoặc chưa cụ thể, rõ ràng... nên khó triển khai thực hiện (quy định về xây dựng, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai theo quy định tại Luật Phòng chống thiên tai chồng chéo với quy định về xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du theo quy định tại Luật Thủy lợi và Nghị định 114/2018/NĐ-CP; quy định về vùng hạ du còn chưa rõ ràng nên khó xác định, đặc biệt đối với trường hợp các hồ chứa bậc thang; quy định về lắp đặt thiết bị quan trắc chuyên ngành còn thiếu cụ thể nên các chủ đập lúng túng trong việc thực hiện...
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục triển khai việc thực hiện các quy định về quản lý, vận hành an toàn đập, hồ chứa thủy điện; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; Tiếp tục rà soát, hiệu chỉnh các quy trình vận hành hồ chứa thủy điện cho phù hợp với đặc thù công trình, vùng hạ du. Triển khai thực hiện, hướng dẫn Sở Công Thương và các chủ đập thủy điện thực hiện Nghị định số 114/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Rà soát để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn về thủy điện thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ.
Hồng Quân