Những năm gần đây, phần lớn người lao động khi rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp thường lựa chọn rút BHXH một lần. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2023, trên cả nước có tới 665 nghìn người đã rút BHXH một lần, tức là mỗi tháng có hơn 110 nghìn người chấp nhận rời bỏ hệ thống an sinh xã hội này.
Trước đó, trong giai đoạn 2016 - 2022, gần 4,85 triệu người lao động trên cả nước đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần. Sau đó, có khoảng gần 1,3 triệu người quay trở lại tiếp tục tham gia đóng BHXH, chiếm 26% số người hưởng BHXH một lần.
Đáng nói, những người hưởng BHXH một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi, chiếm khoảng 77,5% trong tổng số người hưởng BHXH một lần.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc lao động rút BHXH một lần đã từ bỏ quyền nhận lương hưu, vay tín dụng, BHYT miễn phí... cùng nhiều lợi ích an sinh xã hội khác.
Nhiều người lao động trẻ trông chờ vào việc rút BHXH một lần nhằm trang trải cuộc sống (Ảnh minh họa) |
Thực tế, trong giai đoạn "độ tuổi vàng" này, nhiều người lao động lại đề cao nhu cầu giải quyết áp lực an sinh trước mắt thay vì đặt niềm tin vào tương lai hưởng lương hưu dài hạn. Có thể nói, đây là lựa chọn duy nhất để những người lao động thu nhập thấp có kinh phí trang trải cuộc sống khi bản thân họ hoàn toàn không còn nguồn tích lũy nào khác. Tài sản duy nhất mà họ có chính là số tiền hỗ trợ tương ứng với số năm đã tham gia đóng BHXH. Hơn nữa, đối với họ, BHXH chỉ đơn thuần là một khoản tiết kiệm. Thậm chí, việc giải quyết áp lực tài chính còn cấp thiết và đáng tin cậy hơn khi mà chính sách BHXH vẫn chưa đi vào ổn định, liên tục thay đổi.
Tâm lý chung này đã và đang dẫn đến tình trạng số lượng lao động rút BHXH một lần tăng đột biến. Thực tế này không chỉ gây ra thách thức lớn tới tình hình kinh tế - xã hội, hoạt động an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo cuộc sống của chính người lao động khi về già, đặc biệt là khi sức khỏe suy yếu, bệnh tật.
Theo ông Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương: “Trong thực tế, người lao động luôn có cái nhìn rất thực dụng. Đối với họ, tuổi hưu đủ 60 tuổi của nữ và đủ 62 tuổi đối với nam là quá dài. Họ không thể làm việc và đóng BHXH đến tuổi này. Do từ 45 tuổi trở đi, sức khỏe của họ giảm dần, độ linh hoạt và khả năng hoàn thành công việc, sản lượng sản phẩm được doanh nghiệp giao rất hạn chế. Từ đó, đa phần họ đã rời thị trường lao động công nghiệp, không tham gia tiếp tục BHXH được nữa nên nhu cầu hưởng BHXH một lần là rất lớn. Đây chính là mấu chốt của vấn đề, chúng ta cần dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động”.
Trước đó, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án giải quyết trong hồ sơ Luật BHXH sửa đổi.
Phương án 1, phân loại hai nhóm lao động để giải quyết hưởng một lần. Người tham gia trước khi Luật sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) được rút một lần nếu sau 12 tháng nghỉ việc mà có nhu cầu. Nhóm còn lại bắt đầu đi làm và đóng BHXH từ sau 1/7/2025 sẽ không được rút, trừ trường hợp theo quy định.
Phương án 2, lao động được giải quyết 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, phần còn lại được bảo lưu trong hệ thống để sau này hưởng chế độ.
Song, trước làn sóng cắt giảm nhân sự mạnh mẽ như hiện nay, dù nghiêng về phương án nào, thì việc cân bằng hợp lý giữa mục tiêu an sinh xã hội về lâu về dài cho người lao động với tâm lý giải quyết nhu cầu ngắn hạn bằng BHXH một lần cũng là vấn đề hết sức cần thiết. Bởi, chìa khóa cho bài toán nan giải này vẫn cần dung hòa lợi ích đôi bên, giữa chính sách và nguyện vọng của người dân, nhằm hạn chế tối đa làn sóng phản ứng tiêu cực về sau.
Bùi Ly