Tính đến hết tháng 7/2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh Sơn La là hơn 1,08 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ cao trên tổng dân số. Đây là kết quả từ những giải pháp đồng bộ, hiệu quả của BHXH tỉnh Sơn La, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Gần 30.000 người tham gia BHXH tự nguyện
Cụ thể, theo BHXH tỉnh Sơn La, tính đến 31/7/2021, số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh là 1.082.890 người; trong đó BHXH bắt buộc là 59.209 người, bằng 8,7% lực lượng lao động; BHXH tự nguyện là 27.978 người, bằng 4,1% lực lượng lao động; bảo hiểm thất nghiệp là 48.269 người, bằng 7,09% lực lượng lao động.
Tính đến 31/7/2021, số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh là 1.082.890 người. |
Riêng số người tham gia BHYT là 1.054.912, bằng 83,2% dân số. Do ảnh hưởng từ Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, từ ngày 1/7/2021, số người tham gia BHYT tại địa phương giảm khoảng 186.000 người, tương ứng tỷ lệ người tham gia BHYT giảm từ 95,7% xuống còn 82,7%.
Tuy vậy, Sơn La vẫn là được đánh giá là một trong những điểm sáng của cả nước về phát triển BHXH, đặc biệt là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Thống kê cho thấy tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 700 HTX, 300 tổ hợp tác, với tổng số hơn 31 nghìn thành viên, hoạt động trên các lĩnh vực, gồm: Nông, lâm, thủy sản; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, tín dụng, thương mại, dịch vụ du lịch, quản lý chợ, vận tải... Bên cạnh số cán bộ quản lý HTX trong độ tuổi lao động được đóng lương hưu thì hàng nghìn thành viên HTX vẫn chưa tham gia BHXH.
Theo đó, địa phương đã và đang tập trung phát triển BHXH ở khu vực HTX, người nông dân trên địa bàn. Chị Lò Na ở xã Mường Khiêng (huyện Thuận Châu) chia sẻ, trước giờ gia đình chị chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn quả nên rất ít quan tâm tới chính sách BHXH. Song, nhờ việc tham gia HTX, chị được biết tới thông tin nhiều hơn về chính sách, quyền lợi khi đóng BHXH.
"Vừa qua, hai vợ chồng tôi đã quyết định chắt chiu chi phí hàng tháng để tham gia BHXH", chị Na cho biết.
Đề cập tới những kết quả mà BHXH Sơn La đạt được trong thời gian qua, ông Thiều Quang Ngãi, Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La khẳng định, công tác thông tin, tuyên truyền giữ vai trò quan trọng trong việc chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chế độ, chính sách BHXH, BHYT đến nhân dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
BHXH tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT; hằng năm, giao chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT cho các huyện, thành phố; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Ngoài ra, BHXH tỉnh đã nghiên cứu, biên soạn bộ tài liệu tuyên truyền riêng, bảo đảm ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, phù hợp với nhận thức của bà con, qua đó rút ngắn được thời gian thuyết trình, để dành nhiều thời gian tập trung giải đáp thắc mắc về chính sách BHXH, BHYT, giúp bà con hiểu rõ hơn về quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện.
"Đi từng ngõ, gõ từng nhà"
Theo ông Thiều Quang Ngãi, cùng với đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên của BHXH, ngành đã phát huy vai trò của già làng, trưởng bản trong công tác tuyên truyền, vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Đây là cách làm hiệu quả, phù hợp với tập quán sinh hoạt mang tính chất cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều. Với cách làm trên, những khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ đã được xóa bỏ. Thông qua già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ giải thích cho người dân, con, cháu hiểu rõ lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện.
Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, trong thời gian qua, ngành BHXH tỉnh đã phát động phong trào thi đua mỗi công chức, viên chức, người lao động là một tuyên truyền viên tích cực. Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tranh thủ thời gian nghỉ buổi trưa, buổi tối, ngày nghỉ cuối tuần đến từng hộ gia đình, cụm dân cư, nơi khó tổ chức hội nghị để tuyên truyền, vận động.
Bên cạnh đó, hằng năm, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện rà soát, đào tạo đại lý thu BHXH, BHYT; tổ chức ký kết chương trình phối hợp về tuyên truyền phát triển BHXH tự nguyện với các tổ chức hội, đoàn thể như Liên minh HTX, Hội Nông dân của tỉnh. Theo đó, mỗi hội viên sẽ là những tuyên truyền viên tích cực vận động hội viên, thành viên trong gia đình tham gia. Bằng cách làm này, nhiều xã, bản vươn lên trở thành tiêu biểu trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Theo đó, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh đã phát triển nhanh chóng. Cụ thể, năm 2018 có 4.495 người tham gia, năm 2019 đã tăng lên 12.934 người tham gia, tăng 8.439 người, tương ứng tăng 187,7% so với năm 2018; số người tham gia BHXH tự nguyện đến 31/12/2020 đã đạt 25.226 người, tăng 12.292 người, tương ứng tăng 95% so với năm 2019. Tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện chiếm 3,74% lực lượng lao động toàn tỉnh.
Thực tiễn cuộc sống cho thấy, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La rất tin tưởng và nêu cao ý thức chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nên khi tuyên truyền, vận động chính sách BHXH tự nguyện, bà con thường rủ nhau đi dự hội nghị đông đủ, đúng giờ.
"Từ trước tới nay, người dân nghĩ “có lương hưu khi về già” là do Đảng, Nhà nước “cho” cán bộ (người đi công tác), mà chưa hiểu rằng cán bộ cũng phải đóng góp tiền lương hàng tháng để tham gia BHXH. Nhận thức điều đó có ý nghĩa quan trọng trong triển khai tuyên truyền tại vùng sâu, vùng xa", ông Ngãi chia sẻ.
Thy Lê