Thực tế cho thấy, các thành viên, người lao động trong HTX nông nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân một phần do nguồn tài chính hạn hẹp, đồng thời lao động trong khu vực này chủ yếu làm việc thời vụ, cũng như thành viên HTX chưa thấy rõ nhiều lợi ích từ chính sách an sinh xã hội này.
Dư địa rất lớn
Đơn cử, HTX Dịch vụ nông nghiệp Chất lượng cao Hoa Phong (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) thành lập năm 2010 với mục tiêu đồng hành với nông dân trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm. HTX đã đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, kho lạnh, nhà sơ chế và trung tâm giới thiệu sản phẩm. HTX mở rộng liên kết với hàng nghìn hộ nông dân cùng sản xuất, ký hợp đồng cung cấp gạo, rau, củ quả an toàn cho các doanh nghiệp, trường học, nhà hàng, khách sạn ở trong và ngoài tỉnh.
Việc thu hút các thành viên trong HTX tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là rất cần thiết. |
Không chỉ chú trọng sản xuất, kinh doanh, HTX Hoa Phong luôn thực hiện chính sách BHXH cho người lao động. HTX hiện có 19 lao động tham gia BHXH bắt buộc. Những người làm việc tại HTX còn trong độ tuổi được HTX ký hợp đồng có trả lương hằng tháng và đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Nhà nước.
Tuy nhiên, bà Lê Thị Thà, Giám đốc HTX Hoa Phong cho biết: Số lượng người lao động HTX tham gia BHXH còn khiêm tốn bởi sản xuất nông nghiệp mang tính đặc thù, phần lớn là hết tuổi lao động, thu nhập phụ thuộc mùa vụ, không ổn định. Mặc dù các thành viên HTX đều biết nếu tham gia đóng BHXH sẽ rất quan trọng để đảm bảo cuộc sống an sinh khi về già. Ngoài hưởng lương thì chế độ BHXH rất quan trọng, nhất là khi ốm đau, thai sản, gặp rủi ro.
Tương tự, HTX bưởi da xanh Bến Tre có hơn 500 thành viên và sẽ nâng số thành viên lên mức 750 trong thời gian tới. Ngành nghề kinh doanh của HTX rất đa dạng từ trồng cây ăn quả, nhân và chăm sóc giống nông nghiệp đến sản xuất tinh dầu bưởi... Do vậy, HTX thu hút đông đảo thành viên tham gia. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ngoài những lao động có hợp đồng lao động với HTX được đóng BHXH thì đông đảo thành viên của HTX vẫn chưa tham gia BHXH.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, bên cạnh đẩy mạnh bảo hiểm nông nghiệp, thời gian tới, các HTX nông nghiệp cũng cần phát triển BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động, thành viên HTX. Điều này sẽ đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động, thành viên trong khu vực HTX nông nghiệp.
Bộ NN&PTNT ước tính tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có khoảng 18.327 HTX nông nghiệp và 79 liên hiệp HTX nông nghiệp. Đến hết năm 2021, cả nước có khoảng 3,23 triệu thành viên, trung bình 1 HTX nông nghiệp có 176 thành viên. Tổng số lao động thường xuyên trong HTX nông nghiệp khoảng 550.000 người, trong đó lao động là thành viên HTX khoảng 259.000 người.
Lợi ích thấy rõ
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến đầu tháng 9/2021, toàn ngành đã phát triển được gần 15 triệu người tham gia BHXH (chiếm 29,82% lực lượng lao động) và đạt 83,89% kế hoạch. Trong đó, BHXH bắt buộc có gần 13,7 triệu người tham gia; BHXH tự nguyện có hơn 1,18 triệu người tham gia và BHYT có hơn 85 triệu người tham gia, đạt 87,33% dân số.
Trước tác động của đại dịch COVID-19, BHXH Việt Nam đã và đang triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 68, Quyết định số 23, Nghị quyết số 116, Quyết định số 28 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Về kết quả triển khai Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 18/10, ngành BHXH đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 728 đơn vị với 133.366 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 912,3 tỷ đồng tại 56/63 tỉnh, thành phố. Đồng thời, xác nhận danh sách cho 1.945.008 lao động của 56.900 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 63 tỉnh, thành phố.
Về kết quả triển khai Nghị quyết số 116 của Chính phủ, Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ, ngành BHXH đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho 1,51 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 0,2 triệu người đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền hỗ trợ là 4.087 tỷ đồng.
Trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài và phức tạp, BHXH Việt Nam xác định rõ các mục tiêu bảo đảm quyền lợi cho người lao động và doanh nghiệp, thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng diện bao phủ, giữ vững “trụ đỡ” của hệ thống an sinh xã hội. Theo đó, nếu người lao động, thành viên HTX, HTX nông nghiệp đẩy mạnh việc tham gia BHXH thì sẽ có lợi rất nhiều.
Đặc biệt, để khuyến khích, tạo thuận lợi cho người lao động tham gia, BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp với Bộ LĐTB&XH khảo sát việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến các thành viên HTX tại Hà Nội, TP.HCM và Quảng Nam. Đồng thời, đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định số 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện.
Theo đó, BHXH Việt Nam đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại; phối hợp với Bộ Y tế xây dựng chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT giai đoạn 2021-2025; đề xuất Chính phủ tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình làm nông-lâm-ngư-diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50%.
Thy Lê