Các thành viên Chính phủ nghe báo cáo từ các địa phương (Nguồn: VGP) |
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo các địa phương cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại và yếu kém. Đặc biệt, các địa phương đều nêu khó khăn trước dịch bệnh tả lợn châu Phi vẫn hoành hành trên diện rộng; thiên tai, hạn hán cũng như diễn biến thị trường thế giới cũng gây ra những tác động tiêu cực…
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thẳng thắn thừa nhận, Thành phố còn một số tồn tại như nhiều chỉ tiêu tăng trưởng tăng thấp hơn so với cùng kỳ, chỉ số giá có xu hướng tăng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác quản lý chung cư còn nhiều bất cập, quản lý vệ sinh môi trường còn yếu…
Trước những khó khăn này, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đều đưa ra nhiều giải pháp, quyết tâm tháo gỡ khó khăn, không để vướng mắc kéo dài.
Về phía Hà Nội, theo ông Nguyễn Đức Chung, Thành phố đề xuất Chính phủ sớm ban hành các quy định cụ thể về hỗ trợ DN nhỏ và vừa, chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN; sửa đổi các nghị định liên quan đến đầu tư kinh doanh theo phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đề nghị cho phép dự án ODA được giải ngân theo tiến độ; cho phép dự án đầu tư công của Thành phố sau khi được HĐND phê duyệt phương án đầu tư được ứng tiền từ quỹ đầu tư phát triển để giải phóng mặt bằng; thúc đẩy giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội còn kiến nghị, các tỉnh, thành phố có đoàn khiếu kiện đông người nên trực tiếp ra Hà Nội để giải quyết cho người dân.
Cũng gửi kiến nghị đến Chính phủ, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn Thủ tướng Chính phủ sớm thông qua Nghị quyết cho phép Thành phố thực hiện các cơ chế đặc thù để rút ngắn quy trình bồi thường, bàn giao mặt bằng; sớm phê duyệt đề án cổ phần hóa DN nhà nước TP.HCM giai đoạn 2019-2020; sắp xếp một buổi làm việc với TP.HCM vào giữa tháng 7 này để tháo gỡ khó khăn về một số dự án trọng điểm chậm triển khai.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành nghị quyết về tài sản công để đền bù, thanh toán cho các nhà đầu tư BT với các dự án sau ngày 1/1/2018. Bởi với quy định hiện hành, Thành phố phải chịu lãi vay khi thực hiện thanh toán chậm, gây thiệt hại tương đối lớn.
Hơn nữa, để tăng tự chủ cho địa phương, ông Tùng đề nghị Chính phủ cho phép địa phương chủ động thực hiện xây dựng sân golf tại các vị trí không có đất lúa, đất rừng; cho phép địa phương được phê duyệt các dự án ngoài ngân sách, dự án đầu tư công với tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng…
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng kiến nghị Chính phủ tăng thẩm quyền cấp phép đầu tư cho tỉnh. Bởi hiện nay, quy trình cấp phép đầu tư còn kéo dài, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư.
Vì thế, ông Căng đề nghị, Chính phủ chỉ quy định các tiêu chí để cấp giấy phép sân golf, địa phương sẽ cấp phép.
Đặc biệt, tại phiên họp lần này, nhiều địa phương đưa ra kiến nghị về việc phân cấp cho địa phương trong việc chuyển đổi diện tích đất lúa.
Theo quy định hiện hành, muốn chuyển đổi đất lúa sang đất khác với diện tích từ 10 ha trở xuống thì phải thông qua HĐND tỉnh, còn trên 10 ha buộc phải trình Chính phủ phê duyệt.
Về vấn đề này, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, đối với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, 10 ha là quá nhỏ. Vì thế, lãnh đạo UBND các tỉnh Hậu Giang, Hải Phòng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu phân cấp mạnh hơn cho địa phương, giao các địa phương chủ động chuyển đổi diện tích đất lúa, nhưng phải đảm bảo diện tích tối thiểu bắt buộc. Cùng với những kiến nghị nêu trên, lãnh đạo các địa phương còn kiến nghị một số vấn đề về hỗ trợ phát triển kinh tế biển; xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông; giao kế hoạch vốn, giải ngân vốn; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất…
Thanh Hoa