Ngày 9/4, Uber Việt Nam chính thức đóng ứng dụng, rút lui khỏi thị trường gọi xe bằng ứng dụng tại Việt Nam. Ngay sau đó, Grab liên tục bị khách hàng tố cáo tăng phí, hủy chuyến không kiểm soát, khiến uy tín của Grab giảm sút.
Đồng thời điểm với việc Uber rời Việt Nam, hàng loạt hãng xe cũng quyết định nhảy vào xâu xé thị phần trong thị trường gọi xe công nghệ này. Điều này là dễ hiểu, khi Việt Nam được đánh giá là thị trường tốt về lượng xe, khách hàng và loại hình dịch vụ.
Hạ 1, xuất hiện 10
Tuy đánh bại được đối thủ lớn nhất, nhưng Grab lại cảm thấy “khó thở” hơn khi xuất hiện hàng loạt đối thủ nhỏ nhưng tiềm năng hơn.
Trươc khi có thông tin Uber rút khỏi Việt Nam, Tập đoàn Mai Linh đã ra mắt ứng dụng Mai Linh Bike, Mai Linh Premium để cạnh tranh với Grab, Uber trong mảng thị trường này, nối dài thêm cuộc chiến giữa các “đại gia” vận tải. Hiện Mai Linh đã triển khai dịch vụ tại Hà Nội và Tp.HCM.
Ngay sau khi thông tin Uber rút khỏi Việt Nam, công ty CP xe khách Phương Trang (Futabus Lines), đơn vị sở hữu hệ thống xe khách và taxi có quy mô lớn phía Nam, quyết định đầu tư ít nhất 100 triệu USD vào ứng dụng Vivu và đổi tên ứng dụng này thành VATO.
Tuy non trẻ và thua kém Grab ở hầu hết mọi mặt, nhưng VATO lợi thế hơn Grab khi cho phép người dùng mặc cả với tài xế về giá cước dịch vụ. Cùng với đó là những chính sách ưu đãi vượt trội trong thời gian đầu cho cả tài xế lẫn khách hàng. VATO được đánh giá sẽ là một đối thủ tiềm năng của Grab.
Trước đó, cùng thời điểm với ứng dụng Vivu, một loạt ứng dụng đặt xe khác như T.NET, DiDi… cũng ra đời và luôn chờ cơ hội để trỗi dậy. Tuy nhiên, các ứng dụng này vẫn còn sơ khai và chưa tạo được danh tiếng.
Mới đây, Go-Jek - một ứng dụng đặt xe tại Indonesia, tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 500 triệu USD để gia nhập 4 thị trường mới, gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines.
Với tiềm lực mạnh và có tính chất hoạt động gần giống với Grab, Go-Jek cũng là một đối thủ không thể bỏ qua của Grab trong thời gian tới.
MVL Foundation Pte.Ltd, một công ty công nghệ của Singapore cũng tham gia vào thị trường gọi xe tại Việt Nam với ứng dụng MVL. MVL là ứng dụng dựa trên công nghệ blockchain và cam kết không thu phí hoa hồng từ tài xế hay bất kỳ khoản phí gì từ người dùng, nên dự kiến giá cước di chuyển của MVL sẽ rẻ hơn các hãng taxi công nghệ khác.
Tất cả các hãng trên đều “nhìn” vào thị trường Việt Nam với hy vọng giành lại một miếng thị phần từ “người khổng lồ” Grab.
Dù xuất hiện thêm nhiều đối thủ cạnh tranh, nhưng điều đau đầu nhất Grab gặp phải hiện nay lại là niềm tin của khách hàng.
Nhiều tài xế của Grab đã tính đến việc quay lại với dịch vụ truyền thống |
Mất niềm tin của cả khách hàng, đối tác
Sau khi đánh bại Uber, khách hàng và đối tác - những lái xe, đã bày tỏ về lo ngại Grab độc quyền trong mảng ứng dụng này, từ đó sẽ xuất hiện tình trạng điều chỉnh giá “vô tội vạ” để nâng cao thu nhập của hãng, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Tài xế GrabCar Đỗ Văn Thành thừa nhận giá Grab gần đây tăng giảm vô tội vạ, không phải giờ cao điểm cũng tăng 50 - 100% là bình thường. Còn giờ cao điểm, giá đội lên gấp 2 - 3 lần.
“Mỗi khi mưa to kéo dài, giá tăng gần 4 lần. Nhiều bác tài ví von Grab nhảy giá còn hơn chứng khoán nhảy múa trên sàn. Không ai biết trước giá tăng bao nhiêu lần trong một buổi chứ đừng nói ngày”, anh Thành chia sẻ.
Đồng quan điểm, một khách hàng khác không sử dụng dịch vụ thẻ kết nối với thẻ tín dụng cho biết thêm giá cước tăng lên nhưng hãng lại ít khuyến mãi hơn trước.
Tình hình đang trở nên nóng hơn, khi gần đây xuất hiện thông tin Grab Việt Nam sẽ áp dụng chính sách hủy chuyến với khách hàng và yêu cầu khách hàng phải có thẻ tín dụng mới có thể sử dụng dịch vụ.
Với yêu cầu này, sẽ có nhiều người dùng - nhất là người dùng giới bình dân hoặc thu nhập thấp, những khách hàng vốn quen thuộc với Grab - sẽ bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, với các đối tác - tài xế, Grab hiện vẫn đang vướng lùm xùm, khi 52 tài xế đã gửi đơn kêu cứu lên Bộ GTVT, “tố” Grab không thực hiện đúng thỏa thuận trong hợp đồng như thu nhập của lái xe, tỷ lệ chiết khấu kết quả kinh doanh; mức thu nộp thuế thu nhập cá nhân của lái xe; Grab không cập nhật lại lộ trình chuyến đi, thay đổi cước phí chuyến khi Sở GTVT cắm biển cấm xe taxi…
Bên cạnh đó, Grab cũng ngăn cản quyền trao đổi, làm việc với các đối tác và có hành vi vi phạm đề án thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT.
Trong khi đó, các tài xế của Grab, cả Grab Bike lẫn Grab Car đều cho biết thu nhập của họ giảm sút so với trước, khiến nhiều người suy tính đến việc chuyển nghề hoặc quay lại với dịch vụ xe ôm, taxi truyền thống.
Song song với đó, thương vụ sáp nhập Uber vào Grab vẫn còn nhiều dấu hỏi, khi Bộ Công Thương đã có quyết định điều tra vụ việc chỉ sau chưa đầy một tuần khi việc sáp nhập hoàn tất. Đồng thời, khoản nợ thuế 53 tỷ đồng của Uber cũng đang được Cục thuế Tp. HCM tính cả cho Grab.
Hồng Nhung