Theo con số thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2019, tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học là 489.637; chỉ tiêu xét tuyển thẳng bằng kết quả thi THPT là 341.840. Đáng lưu ý, tuyển sinh theo phương thức học bạ, đánh giá năng lực, kết hợp… tăng mạnh lên 147.797 chỉ tiêu (tăng 36.000 chỉ tiêu so với năm 2018). Cũng theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có khoảng 150 trường tuyển sinh theo hình thức học bạ. Tại Hà Nội, nhiều trường đại học công lập có tiếng cũng thông báo xét tuyển học bạ như: Đại học Ngoại thương (600 chỉ tiêu), Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, trường Đại học Luật Hà Nội (15% chỉ tiêu)…
Đặc biệt, nhiều trường đại học đã công bố danh sách thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ khi chưa có kết quả xét tốt nghiệp THPT. Đơn cử, trường Đại học Công nghệ thông tin TPHCM, Đại học Quốc gia TPHCM, trường Đại học Bách khoa TPHCM đã công bố danh sách thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển bằng học bạ ngay sau khi kết thúc Kỳ thi THPT quốc gia.
Không những thế, trường Đại học Công nghệ TP HCM còn thông báo những thí sinh trúng tuyển đợt 1 (ngày 30/6) vào trường bằng học bạ thì nhập học từ ngày 17/7 đến ngày 30/7. Trong khi đó, theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ ngày 22/7 đến 31/7 là thời gian thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng. Nên nếu thực hiện nhập học trong thời gian này, thí sinh sẽ mất cơ hội lựa chọn vào những trường khác.
Rối mù tuyển sinh năm 2019 vì các kênh xét tuyển (Ảnh Internet) |
Chính vì vậy, ngay từ đầu mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT cũng đã phải ra một văn bản chấn chỉnh công tác tuyển sinh của các trường.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, thông tin: Thanh tra Bộ GD&ĐT đang xem xét, kiểm tra để xử lý một số trường có vi phạm theo đề án tuyển sinh. Chẳng hạn, trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) đã đưa danh sách hàng loạt giảng viên cơ hữu sai quy định trong đề án tuyển sinh. Thanh tra Bộ cũng đang kiểm tra việc kê khai không đúng quy định trên đề án tuyển sinh của trường Đại học Thành Đông.
Thực tế, nhiều năm nay, nhiều trường đại học vẫn để xảy ra sai sót, sai phạm trong công tác tuyển sinh. Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, qua quá trình thanh tra, kiểm tra cũng phát hiện đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường không rõ ràng, nhiều thông tin chưa chính xác, một số trường xét tuyển không đúng đề án. Bộ đưa ra quy định là tuyển sinh 50% bằng học bạ, 50% là điểm thi THPT quốc gia nhưng đến khi không đủ điều kiện thì có trường lại xét tuyển đến 80% bằng học bạ. Nhiều trường xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo.
Theo ông Bằng, có những trường do lo ngại tuyển nhiều giảng viên mà không có sinh viên thì không có nguồn kinh phí để duy trì bộ máy nên tăng chỉ tiêu đào tạo rất cao, không đúng năng lực thực tế. “Có trường khai 1.000 giáo viên cơ hữu trong đề án tuyển sinh, nhưng thực tế chưa có từng ấy. Tới lúc tuyển được nhiều sinh viên, trường mới đi ký hợp đồng giảng viên đủ số lượng”, ông Bằng thông tin.
Vũ Hồng