Bà Nguyễn Thị Yến, Phó trưởng Ban Dược và vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đã cho biết như vậy. Theo đó, BHXH Việt Nam vừa công bố một số nội dung thông tin về việc sử dụng biệt dược gốc theo Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Cụ thể, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế tại cuộc họp Ban soạn thảo xây dựng thông tư hướng dẫn công bố biệt dược gốc ngày 14/2/2017, hiện có 698 thuốc được công bố là biệt dược gốc, trong đó có hơn 447 loại thuốc hết thời gian bảo hộ độc quyền (có 81 thuốc đã có từ 3 số đăng ký nhóm 1, 185 thuốc đã có 2 số đăng ký nhóm 2).
![]() |
Thuốc biệt dược gốc đấu thầu không có cạnh tranh, nên giá trúng thầu rất cao và gần như là để giá nào trúng giá đó
Theo kết quả đấu thầu tập trung của 59 tỉnh và thành phố, BHXH Việt Nam cho biết tổng giá trị trúng thầu là 29,65 ngàn tỉ đồng, tương ứng với 8.371 mặt hàng trúng thầu, trong đó có khoảng 600 mặt hàng là biệt dược gốc (chiếm 25 % tổng giá trị thuốc đấu thầu).
Các thuốc biệt dược gốc tham gia đấu thầu theo gói thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị, do không có các thuốc cạnh tranh trong đấu thầu nên hầu hết đều trúng thầu, giá thuốc cao. Một số thuốc cạnh biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ độc quyền sang chế, có giá chênh lệch khá lớn so với các thuốc nhóm 1 cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng trên thị trường.
Bà Nguyễn Thị Yến cho biết như thuốc tiêm Ceftriaxon 1g, tên thương mại là Rocephin, các hội đồng đấu thầu trúng giá là hơn 181.440 đồng/lọ, trong khi thuốc cùng loại nhóm 1 có tới 10 nơi đăng ký giá trúng thầu trung bình chỉ từ 25 - 27.000 đồng/lọ (chênh khoảng 7 lần); thuốc Meropenem 1g, tên thương mại là Meronem, trúng thầu là hơn 700.000 đồng/lọ, trong khi thuốc này ở nhóm 1 ở các hội đồng đấu thầu chỉ có giá trúng thầu trung bình là: 296.000 đồng/lọ (chênh hơn 2 lần).
Đặc biệt, loại thuốc Paclitaxel 100ng có giá trúng thầu tới 3.927.000 đồng/lọ. Trong khi thuốc thuộc nhóm 1 với giá trúng thầu trung bình 871.000 đồng/lọ (chênh hơn 4 lần).
Lý giải nguyên nhân, đại diện Ban dược và Vật tư y tế cho rằng, theo quy định hiện hành, Bộ Y tế có nhiệm vụ ban hành danh mục thuốc tương đương điều trị với biệt dược gốc để tham gia đấu thầu, tăng tính cạnh tranh. Nhưng tới nay, Bộ Y tế chưa ban hành được danh mục tương đương điều trị biệt dược gốc.
Bà Nguyễn Thị Yến chia sẻ: “Chính vì vậy, thuốc biệt dược gốc đấu thầu không có cạnh tranh, nên giá trúng thầu rất cao và gần như là để giá nào trúng giá đó. Nếu Bộ Y tế có biện pháp quản lý chặt chẽ về giá thuốc biệt dược gốc thì có thể tiết kiệm được hàng trăm tỉ đồng. Chỉ cần thay đổi cơ chế đấu thầu theo quy định của các Thông tư khác nhau đã làm giá một số loại thuốc giảm tới 35 %”.
Đồng thời, việc xây dựng cơ chế đấu thầu để giảm giá biệt dược gốc sẽ tăng cơ hội sử dụng thuốc tốt với giá hợp lý cho người dân, tránh việc cứng nhắc trong giảm tỉ lệ thuốc biệt dược.
Bên cạnh đó, đại diện Ban Dược và Vật tư y tế cũng khẳng định, việc Chính phủ chỉ đạo việc đưa giá biệt dược gốc cân nhắc để đấu thầu với thuốc nhóm 1 là điều cần thiết và có thể tiết kiệm được nhiều tỉ đồng.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Yến, trong năm 2016, tỉ lệ sử dụng biệt dược gốc trên cả nước ước tính chiếm khoảng 20- 23% trên tổng chi phí thuốc. Tỷ lệ này tại một số bệnh viện tuyến trung ương chiếm từ 45% (bệnh viện Chợ Rẫy) đến trên 50% (bệnh viện Bạch Mai).
Phân tích việc sử dụng biệt dược gốc năm 2016 đối với 30 biệt dược gốc, đã có thuốc generic nhóm 1 có giá trị trúng thầu lớn (chiếm 30% tổng giá trị thuốc biệt dược gốc trúng thầu) tại một số cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương và tại một số tỉnh cho thấy:
Tại một số bệnh viện trung ương Bệnh viện BV Chợ Rẫy (Tp. HCM) và BV Bạch Mai (Hà Nội) đã chiếm từ 40-45 %. Trong khi đó, các bệnh viện địa phương và miền múi thì tỉ lệ thấp: Sơn La, Hà Nam, Lào Cai có tỉ lệ sử dụng biệt dược gốc từ 1-2 %.
Lê Thuý