Chợ Mới là huyện đông dân nhất tỉnh An Giang, với 307.627 người. Những năm qua, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) từng bước hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho người dân tham gia, thụ hưởng chính sách, bảo đảm an sinh xã hội, quyền và lợi ích chính đáng.
Ngày hội truyền thông chính sách
Để có được những thành công hiện tại, các cơ quan BHXH huyện Chợ Mới đã liên tục đưa ra những giải pháp, sáng kiến, mô hình sáng tạo vô cùng đặc sắc, nổi bật trong đó có mô hình “Ngày hội truyền thông chính sách BHXH, BHYT” từ năm 2022 đến nay.
Với chủ đề “BHXH cho mọi người lao động, BHYT toàn dân”, hưởng ứng “Ngày hội ra quân tháng BHXH và truyền thông chuyển đổi số”, UBND huyện đã ban hành kế hoạch tổ chức “Truyền thông tháng vận động triển khai BHXH toàn dân” và tăng cường truyền thông, vận động đáo hạn BHYT.
Các chiến lược tuyên truyền sáng tạo đang thu hút nhiều lao động tự do tham gia BHXH, BHYT. |
Các đợt vận động ra quân ngày hội truyền thông đã phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, nâng cao nhận thức về lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH, BHYT của người lao động, đơn vị sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân tự giác, chủ động tham gia BHXH, BHYT.
Phát huy tính sáng tạo của việc thực hiện mô hình “Ngày hội truyền thông chính sách BHXH, BHYT”, từ đầu năm 2023 đến nay, BHXH huyện Chợ Mới khai thác sử dụng hiệu quả các phần mềm công nghệ thông tin để phục vụ công tác thống kê, báo cáo và sàng lọc các nguồn tiềm năng.
Hàng tháng, yêu cầu nghiệp vụ so sánh nhóm đối tượng tham gia và chia sẻ các dữ liệu đến hạn đóng, nguồn tiềm năng cần vận động (có địa chỉ theo từng nhân viên thu, xã, khóm, ấp).
Qua đó, kịp thời thông báo đến cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp để chỉ đạo, phát triển tập trung đúng nguồn, đúng người và phân công tổ chức bằng kế hoạch, chỉ tiêu giao rõ người, rõ việc đến tận khóm, ấp, nhân viên thu. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng thể các đợt ra quân truyền thông diện rộng, duy trì tỷ lệ đáo hạn cho người tham gia cao nhất tỉnh, chiếm 81,54%.
Đến đầu năm 2024, toàn huyện Chợ Mới có 10.888 người tham gia BHXH, hơn 7.000 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, 261.607 người tham gia BHYT, đạt bao phủ 90,15% dân số; 100% học sinh tại 72 cơ sở giáo dục tham gia BHYT, với số thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp gần 400 tỷ đồng.
Mỗi người tham gia là một tuyên truyền viên
Nếu ở An Giang có mô hình “ngày hội truyền thông” thì ở Cà Mau lại có sáng kiến “Mỗi người tham gia BHXH tự nguyện trở thành một tuyên truyền viên”. Mô hình này được BHXH tỉnh triển khai rộng rãi trong những năm gần đây và cho hiệu quả rất tích cực.
Sau khi tham gia BHXH tự nguyện, thấy được lợi ích bền vững của chính sách này, chị Trần Mỹ Tâm, ngụ khóm 2, phường 9, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã tình nguyện trở thành một tuyên truyền viên “tay ngang” vận động nhiều người khác tham gia vào chuỗi an sinh.
Có BHXH, BHYT, người lao động tự do sẽ có "tấm khiên" bảo vệ mình khi về hưu. |
Chị Trần Mỹ Tâm cho biết, ban đầu chị không hề biết đến các chính sách của BHXH tự nguyện, càng không bao giờ tưởng tượng được mình sẽ tích lũy thông qua đóng bảo hiểm để có lương hưu khi về già. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi chị được cán bộ BHXH đến “gõ cửa” tuyên truyền.
Thấy được lợi ích tuyệt vời của chính sách an sinh, sau thời gian cân nhắc, chị Tâm quyết định chắt chiu thu nhập, trích ra gần 25 triệu đồng để tham gia gói BHXH tự nguyện 5 năm một lần.
Theo chị Tâm, mức đóng hiện tại cao hơn trước, nhưng đổi lại quyền lợi được hưởng nhiều hơn, thời gian đóng ngắn hơn, lại được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí và được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng linh hoạt nên chị cũng có nhiều lựa chọn hơn, nhất là chủ động bảo vệ cho bản thân…
Đáng chú ý, sau khi tự mình tham gia chính sách BHXH tự nguyện, thấy được lợi ích trước mắt (được khám chữa bệnh miễn phí) và lâu dài (được hưởng lương hưu), chị Tâm còn trở thành một tuyên truyền viên “tay ngang” nhiệt huyết, vận động nhiều người thân và hàng xóm vào chuỗi an sinh.
Cũng giống như chị Tâm, hiểu được lợi ích, quyền lợi từ các loại hình bảo hiểm, ông Nguyễn Văn Trận, Trưởng ấp Thị Tường, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, không chỉ vận động người thân trong gia đình tham gia mà còn tích cực tuyên truyền đến người dân ở địa phương hiểu và cùng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện.
Tại các cuộc họp của các đoàn thể, các tuyên truyền viên trong ấp cùng Trưởng thôn đã tranh thủ tham gia tuyên truyền cho bà con hội viên hiểu về BHYT và BHXH tự nguyện. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động mà đến nay ấp Thị Tường có trên 98% hộ dân tham gia BHYT.
"Riêng đối với BHXH tự nguyện, hiện nay, ấp Thị Tường có 54 hộ gia đình tự nguyện tham gia. Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 và mức đóng có tăng theo chuẩn nghèo mới từ năm 2022 đến nay, nhưng phần lớn các hộ dân vẫn quyết định duy trì loại hình bảo hiểm này", ông Trận nói.
Nhân rộng các mô hình độc lạ
Có thể thấy, các sáng kiến, mô hình độc đáo đang đóng góp rất tích cực vào quá trình lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện đến với người dân, đặc biệt là những lao động tự do tại cơ sở, vùng sâu vùng xa. Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai, nâng cao hiệu quả.
Theo BHXH Việt Nam, tính đến cuối quý II/2024, cả nước có trên 17,4 triệu người tham gia BHXH, trong đó khoảng gần 1,5 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Hiện, cơ quan BHXH đã áp dụng 2 hình thức giao dịch cho người tham gia nộp hồ sơ và đóng tiền BHXH tự nguyện.
Thứ nhất là hình thức trực tiếp. Người tham gia nộp hồ sơ và đóng tiền BHXH tại tổ chức dịch vụ được ủy quyền thu BHXH, BHYT hoặc cơ quan BHXH nơi cư trú hoặc tạm trú. Sau khi nộp tiền, người dân có thể thực hiện tra cứu, kiểm soát thông tin đóng BHXH tự nguyện của mình tại Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam.
Thứ hai là hình thức trực tuyến, người tham gia có thể đóng, nộp BHXH tự nguyện online qua Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia; hoặc trên ứng dụng trực tuyến của một số ngân hàng. Hiện, BHXH Việt Nam hợp tác với các ngân hàng, người tham gia có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện ngay trên ứng dụng trực tuyến của các ngân hàng này.
Đáng chú ý, ngày 29/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Nghị quyết thống nhất việc thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.
Trong đó, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Tăng 15% mức chuẩn trợ cấp từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng (tăng 35,7); giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%). Điều chỉnh lương tối thiểu vùng tăng 6% so với năm 2023, tương ứng tăng từ 200.000-280.000 đồng.
Mỹ Chí