Trong một lần tình cờ tham gia buổi tuyên truyền của cán bộ bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện, nhận thức được tầm quan trọng của việc vào lưới an sinh, anh Lương Văn Hưng (thị trấn Mù Cang Chải) đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho bố mẹ.
Nỗ lực mở rộng lưới an sinh
Chia sẻ về quyết định của mình, anh Hưng bảo mục tiêu lớn nhất của anh là để sau này bố mẹ anh có thể nhận lương hưu, đỡ vất vả khi về già. Lương hưu của cả 2 ông bà dự kiến hơn 1,5 triệu đồng/người/tháng, với mức đóng là 330.000 đồng/tháng, nhưng được hỗ trợ 10% do ở vùng cao.
“Dù kinh tế gia đình không quá dư giả, nhưng tôi chọn đóng theo năm, tức mỗi lần đóng cho cả bố và mẹ vào khoảng hơn 7 triệu đồng. Mức lương hưu hơn 1,5 triệu đồng/tháng, 2 người là hơn 3 triệu đồng, nghe thì có vẻ ít, nhưng với người già, lại ở vùng cao thì đây là điểm tựa rất lớn”, anh Hưng tâm sự.
Công tác tuyên truyền BHXH ở Mù Cang Chải đang được đẩy mạnh (Ảnh: YTV) |
Cũng giống như ở thị trấn Mù Cang Chải, mạng lưới an sinh cũng ngày càng mở rộng trên địa bàn xã Khao Mang. Do được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, nên xã có 100% dân số được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Số lượng người tham gia BHXH tự nguyện cũng tăng đáng kể.
Có thể thấy, quá trình phát triển BHXH trên địa bàn huyện Mù Cang Chải những năm gần đây đã có những bước tiến đầy tích cực. Đây là thành quả của quá trình tuyên truyền, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ BHXH huyện cũng phải kiên trì bám làng, bám bản "gõ từng nhà”...
Hàng năm, BHXH huyện tích cực tham mưu giúp UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. BHXH huyện tích cực phối hợp với UBND các xã, thị trấn trong việc xác định đối tượng để vận động giúp người dân hiểu rõ về sự ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện.
Trong đó, đối tượng hướng đến là những người trong độ tuổi lao động, có thu nhập ổn định, là người thân của cán bộ xã, đội ngũ giáo viên... với trọng tâm tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện; giới thiệu về mức đóng, phương thức đóng, chế độ và quyền lợi khi tham gia...
Ngoài ra, các đơn vị chuyên trách còn thường xuyên tổ chức giao ban, trao đổi rút kinh nghiệm với các đại lý, từ đó nắm bắt những khó khăn vướng mắc, đồng thời tìm hiểu, nhân rộng những mô hình, cách làm hay.
Ấn tượng từ những “người truyền lửa”
Một trong những điểm nhấn trong công tác tuyên truyền, mở rộng lưới an sinh trên địa bàn huyện là sự tham gia của những cán bộ “bám bản”, được ví như những “người truyền lửa” trong phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế.
Điển hình như trường hợp của chị Nguyễn Thị Oanh, sau hơn 15 năm gắn bó với công tác BHXH ở Mù Cang Chải, những chuyến “cuốc bộ” hàng chục cây số để tới từng bản, đến từng nhà tuyên truyền về chính sách an sinh cho người dân giờ đã quá quen thuộc.
Cán bộ tuyên truyền là "cánh tay nối dài" của cơ quan BHXH, góp phần mở rộng lưới an sinh (Ảnh: YTV). |
Với công việc chính là chuyên viên tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính BHXH huyện Mù Cang Chải, nhưng chị Oanh thường xuyên có những chuyến công tác thực tế để tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Theo chị Oanh, với đặc thù của một huyện vùng cao như Mù Cang Chải, khó khăn lớn nhất không phải khoảng cách về địa lý, vì đường xa cách trở đến mấy, nếu không đi được bằng xe thì leo bộ, chỉ cần bỏ công sức, thời gian là tới. Khó nhất là thuyết phục được đồng bào vào lưới an sinh.
Hơn 90% dân số Mù Cang Chải là người dân tộc thiểu số, hầu hết bà con có nhận thức, hiểu biết về pháp luật, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế còn hạn chế, lại bất đồng về ngôn ngữ nên cán bộ BHXH phải kiên nhẫn nói đi nói lại nhiều lần, dùng những hình ảnh minh họa, gần gũi để họ dễ hiểu, dễ nhớ.
“Đa số người dân đều cho rằng lương hưu là dành cho cán bộ. Khi được tư vấn, họ mới vỡ ra là có chính sách BHXH tự nguyện dành cho lao động tự do, tham gia BHXH sẽ có lương hưu khi về già, đồng thời được cấp thẻ BHYT miễn phí, lại được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng”, chị Oanh tâm sự.
Ở miền núi, đi lại khó khăn, các cán bộ làm công tác BHXH của huyện như chị Oanh luôn tâm niệm phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, không để người dân phải đến lần thứ hai. Theo đó, việc làm ngoài giờ hành chính cũng là chuyện “như cơm bữa”.
"Nhiều khi đã 7-8 giờ tối, nhưng người dân đến, chúng tôi vẫn ra trụ sở để giải quyết công việc, không nề hà. Việc làm đêm, làm ngoài giờ ở BHXH huyện là điều thường xuyên để phù hợp với đặc thù, con người địa phương", chị Oanh chia sẻ.
Tiếp tục phát huy thành công
Những chiến lược tuyên truyền hiệu quả đang giúp công tác mở rộng lưới an sinh ở Mù Cang Chải đạt được những thành công tích cực. Với đặc thù huyện vùng cao, Mù Cang Chải có nhiều lợi thế về tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế, khi hầu hết người dân tộc thiểu số đều được cấp thẻ miễn phí hoặc giảm tới 70% mức đóng.
Hiện, toàn huyện có trên 69.000 người tham gia bảo hiểm y tế, đạt trên 99% dân số, tăng gần 1.500 người so với cùng kỳ năm 2023.
Về số người tham gia BHXH tự nguyện dù chưa thực sự ấn tượng, song đến nay cũng đã có gần 600 người tham gia. Để có được kết quả này, công tác tuyên truyền của BHXH huyện đã được đẩy mạnh, nội dung hình thức luôn được đổi mới đa dạng, phong phú nhưng việc phát triển người tham gia loại hình bảo hiểm này còn nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc BHXH huyện Mù Cang Chải cho hay: "Chúng tôi luôn xác định khi tuyên truyền phải tạo được niềm tin bằng việc minh chứng những trường hợp cụ thể đã tham gia và được lĩnh lương hưu. Ngoài ra, phải kiên trì tuyên truyền, vận động. Bởi thực tế có những hộ gia đình lần thứ 4, thứ 5 đến tuyên truyền, vận động mới đồng ý tham gia”.
Công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện ở huyện Mù Cang Chải sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song với mục tiêu chung là thực hiện BHYT, BHXH toàn dân, BHXH huyện Mù Cang Chải luôn xác định đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để từng bước tăng tỷ lệ người dân được bảo vệ bởi "tấm lưới” an sinh nhân văn của Đảng, Nhà nước.
Lệ Chi