Trao đổi với VnBusiness, chị Hoàng Thu Huyền (Hà Nội) thắc mắc: làm thế nào họ có tên, số điện thoại lẫn địa chỉ nhà riêng của mình khi chị chưa bao giờ vay tiền ở công ty tài chính hoặc ngân hàng?
"Hầu hết họ giới thiệu đến từ đại lý cho vay tiêu dùng mà tôi chưa nghe thấy tên bao giờ và có cả công ty tài chính tiêu dùng có tiếng. Các cuộc gọi này bất chấp thời gian, có khi là sáng sớm, khi là giờ nghỉ trưa hoặc buổi tối. Nhiều khi tôi chỉ nghe tên đã "xin phép" cúp máy vì biết rằng nếu nghe thì chỉ mất thời gian mà không giải quyết được vấn đề gì. Thậm chí, có người còn biết rõ địa chỉ nhà tôi, rồi nói trong vòng 15 phút nữa sẽ có người đến làm thủ tục tại nhà và giải ngân luôn. Dù đã chặn số nhưng ngay hôm sau, tôi lại nhận được cuộc gọi từ công ty đó mời chào vay nhưng bằng số điện thoại khác", chị Huyền bức xúc.
Nhiều khách hàng có nhu cầu vay vốn tiêu dùng đã tìm đến các website không được cấp phép hoạt động. |
Chưa kể, chị Huyền còn nhận được cuộc gọi tự xưng là nhân viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với nội dung “Công đoàn hỗ trợ tiền mặt cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” và đề nghị chị điền đầy đủ thông tin theo đường link có sẵn.
Viết một dòng status trên Facebook than thở vì bị quá nhiều bên làm phiền, chị Huyền nhận được phản hồi của nhiều bạn ở khắp nơi cho biết cũng nhận được rất nhiều cuộc gọi tương tự.
Trao đổi với Vnbusiness, đại diện Fe Credit cho biết, ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa còn ghi nhận một số trường hợp người dân vì cần gấp khoản tiền trang trải cuộc sống trong mùa dịch đã tin vào chiêu lừa “nhận tiền trợ cấp”, cung cấp toàn bộ giấy tờ tùy thân, thậm chí đi cùng đối tượng lừa đảo đến cửa hàng điện máy và trực tiếp ký vào các giấy tờ “nhận tiền trợ cấp” mà không biết thực chất, đó chính là hồ sơ vay trả góp các thiết bị điện tử, di động. Đối tượng sau đó bán các tài sản mua được từ hồ sơ vay đứng tên nạn nhân và chiếm đoạt số tiền của công ty tài chính.
Theo các chuyên gia kinh tế, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nhiều lao động thuộc những ngành nghề đặc trưng phải chịu tác động nặng nề nhất như: tài xế, nhân viên dịch vụ, nhà hàng, khách sạn… Bên cạnh đó, nhiều công ty ở các khu công nghiệp ở các tỉnh thành phía Nam cũng giảm một nửa lao động để thực hiện biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Theo kết quả khảo sát nhanh về việc làm và thu nhập của người lao động do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Văn phòng Chính phủ) thực hiện, 62% người lao động mất việc vì Covid-19 (trên tổng số 69.132 người lao động tham gia khảo sát online từ ngày 1-5/8). Trong số này, 50% mất việc trong 1-3 tháng, 25% mất việc dưới 1 tháng và 15% đã không còn việc làm hơn nửa năm qua.
Mất việc đột ngột trong khi khoản tích lũy có hạn đã khiến nhiều người lao động có thu nhập thấp và trung bình rơi vào khó khăn, không đủ khả năng chi trả cho cuộc sống, trong đó bao gồm cả các chi phí trả nợ khoản vay, mua trả góp tại các công ty tài chính tiêu dùng. Vì vậy, khi có các cuộc gọi hỗ trợ vay vốn hoặc nhận tiền trợ cấp, người dân như "chết đuối vớ được cọc" nên mất cảnh giác mà "sập bẫy" lừa đảo.
Từ thực trạng này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia cao cấp Học viện Tài chính khuyến nghị, người dân cần hết sức cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, mời vay tiền. Bởi thực chất, người nghe không thể xác minh được người gọi bên kia là ai, đến từ đâu, của cơ quan, tổ chức nào nên rủi ro là rất lớn. Ngoài các hình thức kiểu truyền thống như qua tin nhắn, gọi điện, các tay lừa đảo hiện nay còn tham gia nhiều hội, nhóm trên mạng để tìm cách lừa đảo.
“Tuyệt đối không thực hiện chuyển tiền cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào khi thực hiện đi vay qua các lời mời chào từ tin nhắn, điện thoại”, ông Thịnh khuyến cáo.
Hiện nay, hàng loạt ngân hàng cũng đã phát cảnh báo đối với khách hàng về các chiêu thức lừa đảo trợ cấp Covid-19. Cụ thể, khi người nhận email cung cấp các thông tin tài khoản cá nhân, hoặc click vào các đường link có chứa mã độc, kẻ gian sẽ xâm nhập hệ thống mạng doanh nghiệp và/hoặc đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Để nâng cao cảnh giác và sớm nhận diện được hành vi lừa đảo nói trên, đại diện Fe Credit khuyến cáo khách hàng khi có nhu cầu vay tiêu dùng cần liên hệ trực tiếp với các công ty tài chính uy tín được cấp phép hoạt động để được nhân viên công ty hướng dẫn về thủ tục. Đồng thời, các tổ chức tài chính này cần cập nhật các thông tin về chương trình cho vay ưu đãi mùa dịch trên các kênh thông tin chính thống (website, tổng đài hỗ trợ khách hàng…).
Thanh Hoa